Sôi động Ngày Thơ Việt Nam 2013 với chủ đề "Tuổi trẻ với Tổ quốc"

13:42 25/02/2013     2024

Xây dựng Đoàn   Sáng 24/2, đến hẹn lại lên, hàng nghìn người yêu thơ cùng tụ hội trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ngày Thơ Việt Nam 2013 có chủ đề "Tuổi trẻ với Tổ quốc" đã để lại ấn tượng đẹp đẽ trong công chúng bởi nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn.
a
Sân thơ trẻ với chủ đề "Tuổi trẻ với Tổ quốc
Phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Ngày Thơ Việt Nam đã bước sang năm thứ 11. Mười năm qua, từ những thể nghiệm ban đầu còn thô sơ và đơn giản, qua mỗi năm lại được bổ sung, nâng cao và hoàn thiện thêm 1 bước. Đến nay, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa tao nhã, thu hút đông đảo các nhà thơ của nhiều thế hệ và công chúng yêu thơ trong cả nước. Với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc”, bên cạnh các sân thơ truyền thống, Ngày Thơ năm nay còn có sự tham gia của các trường Đại học và Trung học phổ thông đông đảo nhất từ trước đến nay. Thu hút lớp trẻ chính là cách duy trì Ngày Thơ Việt Nam phát triển lâu dài.

Ngày Thơ Việt Nam năm 2013 diễn ra từ ngày 22-24/2 (ngày 13-15 tháng Giêng) với các hoạt động sôi nổi: Thi thơ giữa các trường đại học, cao đẳng; sân thơ các câu lạc bộ, trình diễn tác phẩm thơ đặc sắc... Trong dịp này, Ban Tổ chức cũng mời nhà thơ nổi tiếng của Hoa Kỳ, Bruce Weight, một cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam đọc thơ, giao lưu với giới trẻ Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Tại Văn miếu Quốc Tử Giám, 2 ngày qua (13, 14 tháng Giêng) đã diễn ra các cuộc thi tài đầy hào hứng của trên 10 trường đại học và gần 30 câu lạc bộ thơ của Thủ đô như: thi sáng tác, thi biểu diễn thơ, thi triển lãm và biểu diễn nghệ thuật, thi quảng cáo và phát hành thơ và lần đầu tiên thi đọc và trình diễn thơ của Bác Hồ kính yêu. Với kết quả bất ngờ, cuộc thi thơ đã phát hiện ra nhiều tiềm năng sáng tác và biểu diễn nghệ thuật của các trường đại học cũng như các câu lạc bộ thơ. So với các cuộc thi cách đây 2 năm thì cuộc thi năm nay, những câu thơ, triển lãm thơ, gian thơ… của các trường đại học và các câu lạc bộ phát triển một cách đáng trân trọng. Nhiều tiết mục của các câu lạc bộ và trường đại học đạt được tính chuyên nghiệp rất đáng biểu dương.

Trong ngày khai mạc, ngoài lễ rước thơ, thả thơ truyền thống, tại Sân thơ truyền thống, nhiều nhà thơ thành danh như: Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Trần Cương, Dương Thuấn, Nguyễn Trọng Văn, Hải Đường, Trần Đăng Khoa, Đoàn Mạnh Phương, Trần Quang Đạo, Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai đã đọc thơ về chủ đề “Đất nước – mùa Xuân”.

Bên cạnh đó, điểm nhấn đặc biệt của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 là một không gian thơ tươi trẻ cho tất cả mọi người khi có sự trở lại của Sân thơ trẻ mang chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc”. Tại đây, bài hát “Bay qua biển Đông” của nhạc sĩ Lê Việt Khánh qua phần trình bày của ban nhạc M4U và tiết mục nhảy hip-hop của nhóm nhảy Mania (giải Nhất trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Vietnet) trình diễn mở màn.

Chương trình tại Sân thơ trẻ diễn ra sôi nổi với 2 phần. Phần thứ nhất là trình diễn thơ của các trường đại học. Đây là những tiết mục đã đoạt giải cao trong cuộc thi trình diễn thơ đêm 13, 14 tháng Giêng vừa qua của các trường đại học: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách Khoa, Sư phạm Hà Nội, Văn hóa Nghệ thuật quân đội... Tại đây, những người trẻ tuổi có dịp thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước, với thơ ca. Những tiết mục văn nghệ, tác phẩm thơ do các bạn sinh viên sáng tác và trình diễn đã làm sống dậy cảm xúc lớn của tuổi trẻ với Tổ quốc, đánh thức niềm tự hào dân tộc, kêu gọi trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, với nhân dân.
 
Phần thứ hai tại Sân thơ trẻ là trình diễn thơ của 9 nhà thơ do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức và dàn dựng. Chương trình gồm 2 tổ khúc: “Tổ quốc & Tình yêu” với sự tham gia, phụ hoạ của các nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng do các nhà thơ: Vũ Thiên Kiều, Thụy Anh, Nguyễn Minh Cường, Miên Di, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai, Du Nguyên, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Anh Vũ trình diễn với phần đệm đàn của nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Trường và nghệ sĩ violon Đoàn Phương Thảo.

Trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11, bên cạnh các hình thức giao diễn thơ là triển lãm 70 năm Văn hóa cứu quốc, kỷ niệm 70 năm Đảng ta ban hành Đề cương Văn hóa năm 1943. Triển lãm kỷ niệm 70 năm Văn hóa cứu quốc cũng là một trong những điểm nhấn của Ngày Thơ năm nay, bởi toàn bộ các hiện vật của những nhà văn tham gia Văn hóa cứu quốc được trưng bày sau thời gian sưu tầm kỹ lưỡng của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó, nổi bật là hình ảnh, hiện vật, tác phẩm, tượng chân dung của 19 nhà văn trong thời kỳ Văn hóa cứu quốc và đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như: Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Thi, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Ðặng Thai Mai, Học Phi, Tô Hoài... Nhiều văn bản thời kỳ Văn hóa cứu quốc cũng được công bố và trưng bày, trong đó có bản “Ðề cương Văn hóa năm 1943”.

Có thể nói Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 là sự kết hợp đẹp đẽ giữa truyền thống và hiện đại, tôn vinh vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, sự nỗ lực và quyết tâm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp vẻ vang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu./.