Quảng Trị: Sáng kiến 3 thế hệ cùng bảo vệ đường sắt
11:26 25/10/2012 1873
Xây dựng Đoàn Mô hình bảo vệ đường sắt “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” với sự kết hợp 3 thế hệ là sáng kiến của anh Phan Văn Chiến, một phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Sông Hiếu (Quảng Trị).
Thầy Phan Thanh Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Hiếu cho biết: “Mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” được Trường Tiểu học Sông Hiếu và Hội CCB phường 1, TP Đông Hà phối hợp với Đoàn Thanh niên Đội Quản lý đường sắt 3 (Công ty QLĐS Bình Trị Thiên) triển khai 10 năm nay đã góp phần thiết thực trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt“.
Mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” với sự kết hợp của 3 thế hệ, đã góp phần thiết thực trong công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn đường sắt |
Theo thầy Hùng, trước những năm 2000, đoạn đường sắt từ Km 619- Km 621 xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt, làm hơn 10 người chết và nhiều người bị thương (trong đó có 1 vụ làm chết 2 vợ chồng và 1 đứa con). Tình trạng vi phạm trật tự ATGT, ném đất đá lên tàu, lấy cắp linh kiện đường sắt trên đoạn này cũng diễn biến phức tạp, đe dọa đến an toàn chạy tàu. Do vậy, ngay sau khi Trường Tiểu học Sông Hiếu thành lập (tháng 8/2000), Ban Giám hiệu Nhà trường đã phối hợp bàn cách triển khai công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn đoạn đường sắt này.
Cùng với việc triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục ATGT cho học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT, lồng ghép giáo dục ATGT trong các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT và đảm bảo ATGT đường sắt... nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, phòng tránh xảy ra TNGT đáng tiếc cho học sinh, cuối tháng 11 năm 2002, Trường Tiểu học Sông Hiếu đã phối hợp Hội Cựu chiến binh khu phố Tây Trì, Đoàn Thanh niên Đội QLĐS 3 tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua bảo vệ đoạn đường sắt đi qua địa bàn nơi các em sinh sống và học tập (từ Km 619- Km 621) với chủ đề “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”.
Nhà trường cũng đưa ra chỉ tiêu thi đua với lớp, nhắc nhở học sinh thực hiện tốt Luật Giao thông và có ý thức bảo vệ đường sắt trong tiết Chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp... Các thầy cô hướng dẫn học sinh vận động người thân trong gia đình, bà con lối xóm thực hiện tốt pháp luật về ATGT và có ý thức bảo vệ đường sắt. Những năm qua, nhà trường tổ chức cho các em học sinh khối 4, 5 cùng với các cụ CCB, đoàn viên Thanh niên đường sắt ra quân tổng vệ sinh, nhặt rác trên đường tàu và vận động tháo dỡ lều quán lấn chiếm hành lang đường sắt, xóa lối mòn dân sinh tự phát ngang qua đường sắt, phát quang hành lang đường sắt...
Nhà trường còn thành lập các tổ tự quản trong học sinh phối hợp với Hội Phụ huynh và các cụ Hội CCB khu phố 3 và khu phố Tây Trì để tuyên truyền, cấp phát hàng ngàn tờ rơi, áp phích cho các hộ gia đình sinh sống dọc 2 bên đường sắt trong việc bảo vệ tài sản- vật liệu cho ngành Đường sắt, bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Vận động người dân thông báo kịp thời cho những người có trách nhiệm khi phát hiện các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài sản của ngành Đường sắt và an toàn đường sắt...
Với sự gương mẫu của các cụ CCB dày dạn kinh nghiệm và lực lượng đoàn viên Thanh niên năng nổ nhiệt tình, các cháu học sinh hăng hái thi đua trong các hoạt động xã hội... 10 năm qua, mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” đã góp phần tạo nên sức lan tỏa cho công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn đường sắt. Ngoài việc không còn xảy ra tình trạng ném đất đá lên tàu cũng như lấy cắp vật tư thiết bị đường sắt, TNGT trên đoạn đường sắt từ Km 619- Km 621 này cũng giảm rõ rệt. Người dân không còn cố tình vứt rác, phóng uế, chăn thả gia súc trên đường tàu; cảnh quan môi trường đường sắt trên đoạn đường triển khai mô hình luôn xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Với những hiệu quả tích cực đó trong công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT và bảo vệ an toàn đường sắt, Trường Tiểu học Sông Hiếu những năm qua đã nhiều lần được Ban ATGT TP Đông Hà và Ban ATGT tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh Quảng Trị và TCT Đường sắt VN trao tặng bằng khen, giấy khen biểu dương khen ngợi. Mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” hiện cũng đang được Hội đồng Đội Trung ương lấy làm mô hình điểm để nhân rộng trên toàn quốc.