Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

16:11 18/05/2022     1156

Xây dựng Đoàn   ĐTN: Sáng 18/5, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Kế hoạch Tuổi trẻ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Văn Cương- Bí thư Trung ương Đoàn.

 

 Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn và một số tỉnh, thành đoàn.

Kế hoạch nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ trong tham gia thực hiện Chiến lược, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, triển khai thực hiện Chiến lược thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, gắn với thực hiện Chương  trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược gắn với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn. Thông qua thực hiện Chiến lược nhằm đẩy mạnh phong trào Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tại Hội nghị, đại biểu tập trung góp ý vào tổng thể kế hoạch, trong đó có 10 chỉ tiêu và 05 nhóm nội dung.

Phát biểu tại Hội nghị, đối với các chỉ tiêu trong kế hoạch, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến quan tâm đến chỉ tiêu số 2 về 100% hộ gia đình do đoàn viên làm chủ hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến cho biết, từ năm 2016, theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Hà Nội đã áp dụng một số mô hình phân loại rác tại nguồn ở khu dân cư nhưng sau hơn 1 năm triển khai thì không khả thi vì ý thức người dân và sản lượng rác thải ra không đảm bảo cho việc thu gom rác. Sau khi nhà dân phân loại, đưa xuống kho chung thì lại trộn chung lại, vô hình chung quy trình xử lý về sau không đúng hướng.

Hiện nay, Hà Nội đang phối hợp triển khai 2 mô hình phân loại rác thân thiện tại trường học vì ý thức học sinh sẽ tốt hơn so với đại bộ phận không ai quản lý; sản lượng rác đảm bảo để đầu tư xe, phương tiện thiết bị thu gom rác. Do đó, chỉ tiêu 100% hộ gia đình do đoàn viên làm chủ hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn cần cân nhắc. Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội lưu ý.

Liên quan chỉ tiêu số 5 có ít nhất 50% mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong tổng số mô hình kinh tế nông nghiệp do thanh niên làm chủ, đồng chí Nguyễn Đức Tiến cho rằng, hiện nay thanh niên nông thôn nói chung và hà nội nói riêng vẫn đang có mô hình kinh tế một chiều, chứ chưa phải kinh tế tuần hoàn. Do đó, ở các đô thị thành phố lớn thì chỉ tiêu này cũng cần cân nhắc tính khả thi trong quá trình ứng dụng.

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến đề xuất, ở Hà Nội việc bảo vệ môi trường gắn với cải tạo môi trường sống không chỉ trong khu dân cư mà cả trong trường học. Từ 2017, Thành đoàn Hà Nội triển khai mô hình nhà vệ sinh thân thiện nhằm góp phần cải tạo môi trường sống tốt hơn. Mình có thể tập trung thành chỉ tiêu hoặc nhiệm vụ qua đó cải tạo môi trường sống. Đồng chí Tiến nêu.

 

Điểm cầu các tỉnh, thành Đoàn tham gia Hội nghị

 

Đồng tình với ý kiến của Hà Nội, đồng chí Đặng Ngọc Đông- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên mong muốn cải tạo môi trường nhà trường gắn với nông thôn.

Đồng chí Đặng Ngọc Đông băn khoăn chỉ tiêu số 2, cũng như các tỉnh đoàn khác, việc phân loại có những tổ chức khác đã làm, song hiệu quả chưa tốt. Đồng chí Đặng Ngọc Đông đề nghị giảm chỉ tiêu để có tính khả thi hơn. Đồng thời, đề xuất trong tổ chức thực hiện, cần có sự phối hợp với các sở ban ngành, các bên liên quan.

Trong nội dung số 5 của kế hoạch về Hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Theo đồng chí Đặng Ngọc Đông, đa phần chúng ta tập trung nội dung rất mới liên quan đến xây dựng nông thôn văn minh, tuy nhiên, đồng chí Đông cho rằng việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống là rất quan trọng.

Góp ý về các chỉ tiêu trong kế hoạch, đồng chí Nguyễn Ny Hương- Phó Bí thư tỉnh đoàn Hà Tĩnh mong muốn Trung ương Đoàn phân rõ các mốc để thực hiện chỉ tiêu cho phù hợp, theo kế hoạch đưa ra thì lộ trình 10 năm là khá dài.

Ở chỉ tiêu số 5, đồng chí Nguyễn Ny Hương đề xuất cần bổ sung giải pháp giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn; quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Thành lập các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, đối với chỉ tiêu số 6, mỗi huyện hỗ trợ thanh niên xây dựng ít nhất 01 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đại diện tỉnh đoàn Quảng Nam cho rằng, việc áp dụng công nghệ cao ở đồng bằng có thể phù hợp song với tỉnh có nhiều huyện vùng núi cao như Quảng Nam rất khó thực hiện, vì vậy, tỉnh đoàn Quảng Nam đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này.

Về hệ thống chỉ tiêu cơ bản thống nhất, tuy nhiên, Tỉnh đoàn Quảng Nam cho rằng, hệ thống chỉ tiêu trong kế hoạch đưa ra tương đối ít so với đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam hiện đang xây dựng tuyến đường xanh sạch đẹp, an toàn. Để triển khai các nội dung đó, hệ thống chỉ tiêu xây dựng các tuyến đường cần nâng cao, đưa vào kế hoạch để tham gia xây dựng nông thôn  mới. Hiện nay ở Quảng Nam có nhiều huyện cơ bản là nông thôn mới, do đó cần đưa vào chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Lâm Như Quỳnh- Bí thư tỉnh đoàn Bến Tre đề xuất bổ sung giải pháp hỗ trợ thanh vay vốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế từ ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại… trong thời gian tới, việc hướng dẫn thanh niên làm kinh tế được đẩy mạnh hơn nữa.

Đối với chỉ tiêu số 10, mỗi tỉnh hỗ trợ xây dựng ít nhất 01 mô hình “Làng quê đáng sống”/năm. Theo đồng chí Lâm Như Quỳnh, ở Bến Tre thì lâu rồi không dùng từ làng quê, việc sử dụng cụm từ “đáng sống” cũng cần cân nhắc lại cho phù hợp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, các ý kiến tại các điểm cầu đóng góp ý kiến rất trách nhiệm, đại biểu tập trung góp ý các nội dung rất cụ thể, xúc tích và chất lượng, trực tiếp vào các vấn đề liên quan đến chỉ tiêu cũng như các nội dung nội hàm của kế hoạch.

Tại Hội nghị, đồng chí Ngô Văn Cương cũng nhấn mạnh, đề nghị bổ sung một số nội dung được các đại biểu đưa ra trong thời gian qua được các cấp bộ đoàn triển khai hiệu quả như, các tuyến đường sáng xanh sạch đẹp, đường năng lượng mặt trời, tuyên truyền giảm rác thải nhựa, lối sống xanh, các giải pháp trồng cây xanh trên địa bàn nông thôn; tiếp cận nguồn vốn vay cho thanh niên nông thôn…

Theo đồng chí Ngô Văn Cương, trong kế hoạch đề ra chúng ta chọn nhiều việc, trong những việc cần đặt ra cần xác định nguồn lực xây dựng các mô hình. Nếu không xác định được nguồn lực từ đâu thì kế hoạch 10 năm tới rất khó thực hiện.

Ghi nhận các ý kiến góp ý, đề xuất, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đề nghị Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn tiếp thu các ý kiến của các đơn vị, đồng thời xây dựng tờ trình cụ thể trình Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

 

Kế hoạch được thực thiện theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

 

 

 

Trịnh Lý