Phản biện xã hội góp ý kiến hoàn thiện Nghị định triển khai Luật Thanh niên
21:28 25/12/2020 1146
Xây dựng Đoàn Web.ĐTN: Sáng 25/12, Trung ương Đoàn và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị định triển khai luật Thanh niên với sự chủ trì của đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên cán bộ Đoàn.
Phát biểu định hướng tại hội nghị phản biện, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, hội nghị diễn ra nhằm trao đổi quan điểm, suy nghĩ, chia sẻ để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các Nghị định triển khai Luật Thanh niên.
Theo đó, đồng chí Bùi Quang Huy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của 02 Nghị định; những quy định chính sách cụ thể về đối thoại thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; nghị định quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; trách nhiệm các cơ quan tổ chức cá nhân trong việc thực hiện cơ chế chính sách đối với các đối tượng thanh niên; những vấn đề liên quan đến bố cục, kết cấu, những nội dung quy định cụ thể ở các Chương các Điều...
Lợi ích của thanh niên hết sức quan trọng
Góp ý về Nghị định Quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, Luật gia Đỗ Duy Thường - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN cho biết: Lợi ích của thanh niên hết sức quan trọng. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện (TNXP, TNTN) hiện còn nhiều vướng mắc, tồn đọng, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Các bộ ngành, địa phương cần có bộ máy chuyên ngành để quản lý. Bên cạnh đó, khi kết thúc nhiệm vụ, việc giải quyết chế độ như thế nào đối với TNXP, TNTN hết sức quan trọng vì không phải ai cũng ở lại hoặc về địa phương, Luật không quy định về tổ chức này, Đoàn Thanh niên không thể thành lập và không quản lý được, vì không phải là cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện chính sách với thanh niên.
Luật gia Đỗ Duy Thường phát biểu tại Hội nghị
Theo Luật gia Đỗ Duy Thường, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ phù hợp chứ không chỉ huy động nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, cần giữ nguyên chế độ sinh hoạt phí TNXP khi được cử đi đào tạo nghề; được cộng điểm xét tuyển khi đi thi tự do vào các trường ĐH, CĐ; được ưu tiên xét chọn đi lao động nước ngoài...
“Thanh niên tình nguyện đến làm việc ở nơi khó khăn cần được hưởng chế độ như TNXP cũng như giáo viên đến làm việc vùng sâu vùng xa. Đến biên giới hải đảo đi tình nguyện phải có chính sách xứng đáng”, Luật gia Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.
Chính sách dành cho 2 đối tượng TNXP và TNTN phải ưu việt mới đủ sức hút
Góp ý về chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện, đồng chí Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong cho rằng chính sách dành cho 2 đối tượng này phải ưu việt mới đủ sức hút thanh niên, tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn mang tính chất hô hào, chưa định lượng cụ thể.
Thanh niên xung phong phải đi vào việc mới, việc khó, chứ không phải chỉ làm việc tay chân, vác đất đá như trước. Đồng chí Vũ Trọng Kim nói
“Quy định kinh phí thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong do Nhà nước đảm bảo một phần, nhưng một phần là bao nhiêu, luật chưa có định tính nào cụ thể thì làm sao kêu gọi thanh niên được. Khi chưa cụ thể hóa thì chỉ là hô hào. Đặc biệt, các dự án, chương trình để thanh niên xung phong tham gia phải cụ thể và cần có các dự án về khoa học công nghệ để phát huy chất xám của thanh niên. Thanh niên xung phong phải đi vào việc mới, việc khó, chứ không phải chỉ làm việc tay chân, vác đất đá như trước", đồng chí Vũ Trọng Kim đề nghị.
Nhà nước cần có các chính sách đủ khuyến khích, thu hút thanh niên
Nêu ý kiến về Nghị định Thanh niên Xung phong, Thanh niên tình nguyện, đồng chí Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Thanh niên Xung phong, Thanh niên tình nguyện không chỉ là kỳ vọng của Đảng, của Bác trong thời kỳ lịch sử mà là sứ mệnh là trách nhiệm của thế hệ sau. Hiện TNXP và TNTN không chỉ có giá trị lịch sử mà trong giai đoạn mới, màu áo xanh tình nguyện và xung phong là phương thức hiệu quả cho Đoàn hoạt động.
Đồng chí Tạ Văn Hạ kỳ vọng Nghị định cần quy định chi tiết nhằm phát huy thế mạnh thanh niên
Đồng chí Tạ Văn Hạ cho rằng, muốn phát huy được lực lượng này thì nhà nước phải có chính sách đủ thu hút và khuyến khích thanh niên. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
“Mỗi chính sách ban hành ra phải đánh giá tác động đa chiều để chính sách dễ dàng đi vào cuộc sống. Để làm được điều đó thì chính sách phải cụ thể, chi tiết, mạnh dạn. Phải cho thanh niên thấy tham gia vào lực lượng đó sẽ có công ăn việc làm, có lương, có chế độ chính sách thì mới thu hút được thanh niên”, đồng chí Tạ Văn Hạ nhấn mạnh
Cần phải thay đổi tư tưởng, cách nghĩ về người trẻ
Trao đổi về Nghị định Quy định đối thoại với thanh niên, cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa TTN Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng: "Nhìn vào thế hệ trẻ, tôi lạc quan là họ hơn chúng ta nhiều, nên cần phải thay đổi tư tưởng, cách nghĩ về người trẻ, thích đối thoại là vì mình chứ không phải là việc ban phát cho thanh niên, đối thoại không phải vì thanh niên, mà vì tương lai của dân tộc, vì Chính phủ. Người đứng đầu cần thanh niên chứ không phải thanh niên cần người đứng đầu, tư duy đó cần được đổi mới nếu không đất nước sẽ tụt hậu".
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó trưởng Khoa Pháp luật, ĐH Luật Hà Nội cũng chỉ ra, việc đối thoại với thanh niên còn quy định chung chung mang tính chất hô hào, tính khả thi ít; đối thoại phải dân chủ và xem xét tiếp thu nếu không chỉ mang tính hình thức. Đối thoại cần được công bố công khai cho người đối thoại biết, góp phần nâng cao chất lượng đối thoại.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến yêu cầu cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong đối thoại với thanh niên, trong đó, cân nhắc bổ sung, làm rõ hơn vai trò của UBQG về Thanh niên Việt Nam. "Chương 2 quy định quyền của Bộ Nội vụ nhiều quá trong khi vai trò của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam lại mờ nhạt", PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến chỉ rõ.
Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Doãn Đức Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cho biết, Hội nghị đã diễn ra với rất nhiều ý kiến và sẽ được nghiêm túc tiếp thu toàn bộ. "Chúng tôi xác định ban hành nghị định là để thanh niên được chăm lo, tạo điều kiện tham gia vào đời sống xã hội và phát triển", đồng chí Doãn Đức Hảo khẳng định.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy đánh giá, các ý kiến tại hội nghị rất xác đáng và tâm huyết, làm cơ sở quan trọng cho Bộ Nội vụ tiếp thu, xây dựng Nghị định mang nhiều chính sách thiết thực, đảm bảo quyền, lợi ích cho thanh niên.
Trịnh Lý Tweet