Những tỉ phú chân đất
08:44 06/12/2012 1812
Xây dựng Đoàn Thanh Hóa có nhiều huyện nghèo, nhiều thanh niên phải bỏ xứ kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên có không ít đoàn viên, thanh niên bám trụ quê nhà, tận dụng mọi cơ hội để vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình.
Ông chủ trẻ Lê Văn Đức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn heo cho các đoàn viên, thanh niên tham quan trại của anh |
Họ là những điển hình trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” mà Ban bí thư Trung ương Đoàn đã và đang phát động.
Không chịu thất bại
Chúng tôi tìm về trang trại nuôi heo của Lê Văn Đức (sinh năm 1979, phó bí thư Xã đoàn Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đúng lúc hàng trăm đoàn viên, thanh niên điển hình của cả nước về đây tham quan và học tập mô hình kinh tế này. Lẫn trong đoàn là nhiều “nhà nông trẻ” về Thanh Hóa nhận giải Lương Định Của năm 2012, chính họ cũng phải trầm trồ và thán phục trước quy mô của trại nuôi heo này. Chủ trại heo Lê Văn Đức cũng là một trong những “nhà nông trẻ” được trao giải Lương Định Của năm 2010.
Nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, ông chủ Lê Văn Đức cũng đã trải qua những thăng trầm trên bước đường lập nghiệp. Năm 2003, với 45 triệu đồng vay từ kênh Trung ương Đoàn, Đức mua bò nuôi vỗ béo.
Đàn bò đang trong quá trình phát triển, hứa hẹn xuất lứa thịt đầu tiên trong năm 2005 thì tai họa ập tới. Trong một trận lốc lớn quét qua xã, trại bò của Đức tan tác, Đức mất gần như cả đàn bò. Không nản chí, gom góp những con bò còn sót lại, vay thêm vốn của bà con, anh em Đức tiếp tục củng cố chuồng trại, mở rộng phát triển thêm nuôi heo. Công việc dần ổn định, trại heo, bò từng bước phát triển thì ông trời lại giáng thêm đòn chí mạng khiến Đức một lần nữa trắng tay.
“Đó là trận lũ lụt năm 2007, cả xã ngập trắng, trại heo bò của tôi cũng chung số phận. Lần ấy cả bò, heo chết gần hết, mất đứt hơn 100 triệu đồng” - Đức kể lại.
Cú sốc lần thứ hai gần như đã đánh bại Đức như lời ông Tống Văn Thạnh, bí thư xã Vĩnh Phúc. “Qua cơn lũ, tổ chức Đoàn của tỉnh, huyện và ngân hàng chính sách đã hỗ trợ Đức vay vốn thêm 35 triệu đồng để khắc phục hậu quả và xây dựng lại chuồng trại”, ông Thạnh nhớ lại.
Dùng số vốn hỗ trợ, Đức quyết định chỉ nuôi heo nái với 13 con giống và dần ổn định đàn heo, mở rộng trang trại. Nhờ chí thú làm ăn, mạnh dạn mở rộng thêm trang trại, đến hôm nay đàn heo của Đức đã tăng số lượng lên 130 nái. Đức cho biết mỗi năm đàn heo nái cho ra khoảng 2.600 heo con nuôi bán thịt cho thu nhập gần tỉ đồng/năm. Tổng trị giá tài sản bao gồm heo và cơ sở trang trại khoảng 5,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, trang trại của Đức cũng tạo việc làm cho tám thanh niên trong xã với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện Đức đang thuê thêm đất ở xã Vĩnh Long, chuẩn bị đầu tư 2 tỉ đồng, mở thêm trang trại nuôi heo nái.
“Không chỉ làm kinh tế giỏi, Đức vừa là phó bí thư xã đoàn vừa là phó ban thú y xã và đang theo học đại học luật tại chức” - bí thư xã Tống Văn Thạnh nói thêm về Đức.
Nguyễn Văn Ngợi trên đường lùa đàn trâu, bò ra bãi chăn thả |
Ba trong một
Nằm dựa lưng vào dãy núi Nưa của xã Phú Nhuận (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) trang trại trâu, bò của Lê Văn Ngợi (sinh 1985) là trang trại lớn nhất xã với hơn 100 con trâu, gần 130 con bò cùng hàng trăm dê, heo.
Tốt nghiệp đại học với bằng giáo dục thể chất và xin được một chân giáo viên trường cấp III gần nhà, tưởng rằng Ngợi sẽ mãi gắn đời mình với nghề giáo. Không may cha Ngợi mất đột ngột để lại đàn trâu bò hơn chục con không người chăn nuôi. “Là con trai lớn trong nhà nên mình phải gánh vác trách nhiệm kinh tế gia đình thay cha. Vừa đi dạy, vừa sắp xếp thời gian ra đồng để đàn trâu, bò không bị đói” - Ngợi tâm sự.
Ngày ngày lùa trâu, bò ra núi phía bãi đất quặng (mà một công ty khai thác bỏ dở dang). Ngợi ngẫm nghĩ bãi đất quặng này không thể trồng trọt nhưng sẽ phù hợp để thả trâu bò, vì gần chân núi nhiều cỏ lại có nhiều ao hồ. Nghĩ là làm, Ngợi bàn với anh em rồi vay vốn mọi người mua 15 con bò và vài chục con trâu nghé chăn thả thử nghiệm. Thời gian trôi qua, đàn trâu bò chăn thả trên bãi đất quặng ngày một lớn và rất khỏe, ít bệnh. “Thấy vậy tôi liền mạnh dạn ra huyện xin thuê luôn bãi đất rộng 30ha dưới chân núi để xây trang trại, chăn thả trâu, bò” - Ngợi kể lại.
Vừa làm, vừa học kinh nghiệm từ người đi trước, từ sách vở dần dần Ngợi đã gây dựng đàn trâu, bò từ số ít ỏi ban đầu lên gần 130 con bò và hơn 100 con trâu. Sau đó Ngợi lại đầu tư thả thêm 150 con dê và đàn heo cỏ 70 con. Dự tính tổng tài sản hiện nay của Ngợi không dưới 4 tỉ đồng, tạo thu nhập và việc làm cho hàng chục lao động.
Ngày chúng tôi tìm vào trang trại của Ngợi cũng là lúc Ngợi đang lùa gia súc ra bãi tìm thức ăn dưới chân núi. Nhìn chàng giáo viên thể dục “chỉ huy” một đạo quân nào trâu, bò, dê và heo không khác gì những gã du mục trong những bộ phim cao bồi. Ngợi cho biết đang trồng thử nghiệm thêm loại cây keo vừa có thêm thu nhập, vừa tạo mảng xanh cho trang trại, rồi lại còn dự án nuôi trồng giun quế vừa bán thành phẩm vừa làm thức ăn cho gia súc...
Nếu nói về Ngợi thì có thể gọi anh là tỉ phú “ba trong một”, vừa là gã du mục, vừa là thầy giáo và là một đoàn viên tích cực. Ngợi từng được tỉnh Thanh Hóa trao giải “Điển hình thi đua yêu nước toàn tỉnh” năm 2010, và là một trong tám nhà nông trẻ của Thanh Hóa vừa được nhận giải Lương Định Của năm 2012.
Tweet