Khát vọng tuổi trẻ của Bác Hồ

22:19 20/01/2012     560

Xây dựng Đoàn   Bác Hồ sinh ngày 19-5-1890 vào mùa sen nở, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Trùa) thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
a
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng xã hội Pháp ở Tua (12-1920). Ảnh: TL
Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, phong cảnh sông núi hữu tình, lại rất nhiều sen, cả sen trắng lẫn sen hồng tỏa hương mát dịu, tạo nên vẻ đẹp thanh cao, độc đáo trong tâm hồn của con người xứ Nghệ quê Bác.

Tuổi thơ ấu, Bác được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung. Nguyễn Sinh Cung còn được gọi là Nguyễn Sinh Côn. Nhà văn Sơn Tùng trong “Búp sen xanh” cho ta biết một điều cảm động về tên gọi thời thơ ấu của Bác. Chính ông ngoại, nhà nho Hoàng Xuân Đường muốn đặt tên cho cháu là Côn, tự là Tất Thành.

Dưới đây là một đoạn ngắn trích nguyên văn từ “Búp sen xanh”:

“...Anh nho Sắc chớp chớp mắt, môi hé nở nụ cười:

- Côn... ấy là loài cá hóa chim bằng, phải không thưa cha?

- Chính vậy đó. Theo mong ước của tôi thì... thằng bé sẽ có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công. Cho nên tự là Tất Thành...”.

Trong tình thương yêu của ông bà, cha mẹ và những người thân thiết hai bên nội, ngoại, trong cái nôi văn hóa của gia đình, quê hương, xứ sở, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã sớm được giáo dục chu đáo, không chỉ chữ nghĩa của đạo thánh hiền mà còn là bài học về đạo làm người, về lẽ sống và ứng xử ở đời.

Nguyễn Tất Thành đã theo cha đi nhiều nơi trong vùng đất Nghệ An, tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước, có dịp ra bắc, đến Thái Bình, rồi trở lại thành phố Vinh, học tiểu học ở đó, 1905-1906, bằng tiếng Pháp. Tại đây, Nguyễn Tất Thành chú ý tới ba từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Vốn nhạy bén và có đầu óc quan sát, Nguyễn Tất Thành đã sớm bận tâm khi tận mắt chứng kiến cảnh dân nghèo và thợ thuyền lam lũ, kiệt sức trong xưởng máy và phờ phạc sau giờ tan tầm. Anh liên tưởng tới bà con nghèo khổ của quê mình. 13 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã nảy ra ý nghĩ “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ đẹp đẽ ấy”. Sau đó, Nguyễn Tất Thành chuẩn bị cùng cha lên đường vào Huế, học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi vào Trường Quốc học Huế, cho đến 5-1909 rời Trường Quốc học Huế, theo cha vào Bình Định.

Trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Tất Thành đã tham gia cuộc biểu tình chống thuế, đã bắt đầu bị bọn cảnh sát Pháp theo dõi, nhà trường đã để ý tới tư tưởng bài Pháp của anh.

Tham gia vào các cuộc biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế của nông dân và trực tiếp chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man đồng bào mình, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ rất nhiều về thực trạng đó, về nguyên nhân thất bại của một loạt các phong trào, nhất là sự tan rã của phong trào Đông Du, đó là những thu nhận thực tế đầu tiên, chuẩn bị cho anh đi tới quyết định, phải tìm ra con đường đánh đuổi thực dân, cứu nước, cứu dân mình.

Tháng 6-1910, Nguyễn Tất Thành không cùng cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía nam, dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) một thời gian ngắn, để đến mùa hè năm 1911, anh quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn, bước chân xuống tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin đi Mác-xây, làm phụ bếp trên tàu, với cái tên Văn Ba, vào ngày 5-6-1911. Từ đây Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình lịch sử, thực hiện khát vọng tuổi trẻ, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc mình. Đó là mở đầu bước ngoặt cuộc đời anh mà cũng là bước ngoặt đối với số phận của dân tộc.

Đó là mở đầu cuộc đi “tìm hình của nước”, trải qua muôn vàn gian lao, sóng gió, thử thách ròng rã suốt 30 năm, đi qua hầu hết các châu lục trên thế giới, qua mấy chục nước khác nhau, làm đủ mọi nghề để sống và tranh đấu. Anh đã tìm đường, nhận đường, để đi đến cùng con đường tranh đấu cho độc lập tự do, cho hạnh phúc của nhân dân mình. Trong thế kỷ 20, hiếm có một nhà cách mạng nào có một cuộc hành trình như thế, với vốn sống, kinh nghiệm và bản lĩnh tranh đấu như thế.

Tất cả được thúc đẩy bởi một động cơ cao thượng và vĩ đại, với một nghị lực phi thường để làm nên một sự nghiệp vẻ vang - thay đổi số phận của dân tộc, đưa dân tộc tới độc lập tự do và đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và vững bước tới chủ nghĩa xã hội.

Khát vọng ấy là động cơ, là mục đích sống của Nguyễn Tất Thành. Nó mãnh liệt và bền bỉ nên anh không sợ khó khăn, hiểm nguy. Khi bạn bè của anh ngợp trước khó khăn, đi bằng cách nào, làm gì để sống, Nguyễn Tất Thành đưa hai bàn tay ra và nói: Tất cả là ở đây. Dù bạn bè ở lại, một mình anh ra đi, anh cũng không hề do dự, bước chân xuống tàu, làm mọi nghề để sống, để đi, để học, để cứu đồng bào mình. Chỉ riêng việc quyết ra đi, chọn nơi đến và cách làm đã đủ cho thấy, Nguyễn Tất Thành mang tinh thần cách tân, đổi mới như thế nào. Đến tận sào huyệt của kẻ thù để khảo sát trực tiếp, để vững tin vào những nhận xét, kết luận của mình. Lao động - học tập và tranh đấu, đó là mục đích và phương thức của đời anh. Nguyễn Tất Thành đã đồng thời là Nguyễn Ái Quốc - người chiến sĩ đấu tranh cho tự do, người đầu tiên thực hiện vô sản hóa trong lịch sử Đảng ta. Quan sát, tìm hiểu, khám phá thế giới, nhận chân bản chất con người. Gần 10 năm của chặng đầu cuộc hành trình (1911-1920), Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã học tập, tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm để trưởng thành. Con tàu đưa anh đi khắp mọi miền đất lạ, cho anh cơ hội tiếp xúc với đủ mọi loại người, để cuối cùng anh tự giác ngộ ra rằng, ở đâu, người lao động cũng tốt, cũng thống khổ như nhau, ở đâu, chủ nghĩa thực dân cũng chỉ là con đỉa hai vòi, hút máu ở cả thuộc địa và chính quốc. Dù khác mầu da, tiếng nói, nhưng mọi người lao khổ đều là anh em, đồng chí, bọn thực dân là kẻ thù chung, phải đoàn kết lại, đánh đổ nó đi, phải đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chỉ có cách mạng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được giai cấp và dân tộc, mới đem lại hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, triệt để nhất. Ánh sáng Cách mạng Tháng Mười, Thời đại mới đã mở ra và soi sáng. Luận cương Lê-nin về quyền tự quyết các dân tộc đã là cẩm nang hành động, là con đường giải phóng cho ta, cứu sống chúng ta.

Ở giữa trung tâm châu Âu, Nguyễn Ái Quốc hiểu được thành tựu và giá trị của văn minh. Ở giữa phong trào cách mạng của công nhân và lao động, Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt được xu thế tất yếu của lịch sử, thấy được chân lý của thời đại và dần tìm thấy con đường: Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm cách mạng trước hết phải có Đảng, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, phải giữ chủ nghĩa cho vững, phải có lý luận tiên phong. Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc thấu hiểu, cách mạng không chỉ cần trí tuệ khoa học, chính trị đúng đắn mà còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Muốn làm cách mạng đến nơi, đem lại lợi quyền cho dân chúng, tự do hạnh phúc cho dân chúng thì người cách mạng, Đảng cách mạng phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, phải ít lòng tham muốn về vật chất, phải biết hy sinh, phải quên mình. Cái triết lý kinh điển Phật giáo “vô ngã vị tha” đã được nhà cách mạng trẻ tuổi, nhà tư tưởng Mác-xít thực hành xuất sắc, nhất quán suốt đời trên một lập trường mới, lẽ sống mới, khoa học - cách mạng - hiện đại và nhân văn. Đó là đạo đức cách mạng, đạo đức chiến đấu và hành động vì dân, vì độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân, dân tộc và nhân loại. Đó cũng là ham muốn, ham muốn tột bậc của Người, là khát vọng, hoài bão suốt đời, làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, có độc lập, có tự do, sống hạnh phúc, trở thành người chủ và làm chủ xã hội mới. Xã hội mới ấy là xã hội xã hội chủ nghĩa, là chủ nghĩa xã hội thấm đẫm chất nhân văn Hồ Chí Minh mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng, đang thực hiện theo khát vọng, hoài bão của Người.