Internet- Cánh cửa mở ra sự phát triển cho Việt Nam

10:45 02/12/2012     1895

Xây dựng Đoàn   Nếu biết tận dụng lợi thế của Internet, trong những năm tới, nền kinh tế và Chính phủ điện tử ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn.

Tháng 11/1997, Internet chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam. Vượt qua chặng đường 15 năm, đến nay, nước ta có hơn 31 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 35% dân số. Theo thống kê của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới.

Sau 15 năm nhìn lại, có thể khẳng định, Việt Nam đã thành công khi có thị trường Viễn thông-Internet vào loại hàng đầu ở khu vực và thế giới, không thua nước nào từ cáp quang, 3G và sắp tới là 4G, cước phí dịch vụ trong nước thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Tất cả điều đó cho thấy tiềm lực mạnh mẽ của hệ thống Internet Việt Nam.


Internet phục vụ rất hữu ích cho công việc và học tập

Internet đã tác động lớn đến nền kinh tế-xã hội và đời sống của người dân. Để hiểu hơn về chặng đường phát triển cũng như thách thức mà chúng ta sẽ phải vượt qua trước sự bùng nổ của Internet, phóng viên VOV online phỏng vấn Tiến sĩ Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin-Truyền thông)- người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Internet Việt Nam.

PV: Thưa ông, là người có nhiều sáng kiến, đóng góp cho Chính phủ và các Bộ, ngành ngay từ khi những ngày đầu đưa Internet vào Việt Nam, ông có thể cho biết sự phát triển của Internet trong 15 năm qua?

Tiến sĩ Mai Liêm Trực: Trong 15 năm qua, Internet Việt Nam đã phát triển rất nhanh. Trên cơ sở viễn thông từ số hóa, tự động hóa, cho đến nay có hơn 31 triệu người sử dụng Internet. Hiện nay, Internet băng rộng đã cung cấp dịch vụ trên khắp cả nước. Gần 100% các xã đã có Internet.

Việt Nam có hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng được với nhu cầu sử dụng của người dân và là quốc gia được đánh giá có cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ trên nền Internet phát triển. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện Việt Nam chỉ kém Singapore và Malaysia, còn tương đương (thậm chí nhiều mặt còn hơn) Thái Lan và Indonesia.

Internet đang là một yếu tố thiết yếu, không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, giao tiếp, học tập, vui chơi giải trí của người dân.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực

Đến nay, cơ quan Chính phủ, Nhà nước đều sử dụng Internet để phổ biến thông tin, văn bản, Nghị quyết đến với người dân. Nhờ có Internet đã giúp cho việc công khai thông tin, trao đổi nhiều vấn đề đời sống xã hội giữa Chính phủ và người dân được minh bạch, gần gũi hơn.

Ở nhiều địa phương, việc giao dịch giữa cán bộ lãnh đạo với người dân được thực hiện thường xuyên thông qua Internet. Đây là một sự đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính cũng như điều hành công việc.

Hiện nay, các ngành kinh tế như: Ngân hàng, Tài chính, Kiểm toán, Hàng không… nếu không có Internet thì không thể hoạt động được.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, qua Internet, thông tin báo chí đã  được phổ cập đến với mọi vùng miền xa xôi của Tổ quốc, giúp người trong nước và Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài thêm gắn kết và hướng về quê hương hơn. Có thể nói, nhờ có Internet mà mọi lĩnh vực được đổi mới, cải tiến hơn rất nhiều.


 PV: Ông có thể phân tích những nguyên nhân giúp chúng ta gặt hái được những thành tựu nổi bật trên?

Tiến sĩ Mai Liêm Trực: Trước tiên, phải nói là các cán bộ lãnh đạo ngành Viễn thông-CNTT đã tiếp thu được những tư tưởng mở cửa, đổi mới của đất nước. Nhờ đó, chúng ta đã tiếp nhận được những công nghệ hiện đại, mới nhất của thế giới để đưa vào ứng dụng ở nước ta. Bên cạnh đó, chúng ta đã nhanh chóng thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tiếp cận với những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực Viễn thông-CNTT.

Ngoài ra, chúng ta biết mở cửa cạnh tranh thông qua giảm giá cước, đưa dịch vụ viễn thông tốt nhất đến với người dân nên trong những năm qua, mật độ người dân sử dụng Internet tăng lên rất nhanh.

PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của Internet Việt Nam trong tương lai?

Tiến sĩ Mai Liêm Trực: Trong những năm tới, Internet nói riêng và ngành Viễn thông-CNTT ở Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng và sẽ tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Nếu biết tận dụng vị trí cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ trên nền Internet mạnh như hiện nay, tôi nghĩ rằng, trong 5-10 năm tới, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn, hệ thống giao thông sẽ giảm tắc nghẽn, bệnh viện bớt quá tải, việc giảng dạy-học tập sẽ thuận lợi hơn rất nhiều…

Trong tương lai, Chính phủ điện tử sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong công việc, cải cách thủ tục hành chính và giảm bớt thời gian, kinh phí khi giao dịch…

Tôi nghĩ và hy vọng rằng, khoảng 5 năm nữa, Việt Nam sẽ nâng được số người sử dụng Internet lên gấp đôi so với hiện nay và 10 năm nữa, số người sử dụng Internet sẽ là khoảng 90%. Tất cả người dân ở những vùng miền xa xôi, biên giới hải đảo đều được tiếp cận Internet để nâng cao dân trí, đời sống tinh thần…

PV: Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần phải chú trọng những gì, thưa ông?

Tiến sĩ Mai Liêm Trực: Tôi nghĩ là chúng ta cần phải đổi mới hơn nữa trong tư duy quản lý, chứ không phải là gặp khúc mắc, rào cản đến đâu thì gỡ rối đến đó.

Theo tôi, tư duy quản lý của các cơ quan Nhà nước cần thực hiện là phải thúc đẩy phát triển ngành Viễn thông- CNTT.

Về đầu tư cho Internet, theo tôi, ngân sách Nhà nước chỉ nên phục vụ cho các cơ quan Nhà nước. Còn đầu tư cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ Internet thì không nhất thiết Nhà nước phải đầu tư mà chỉ tạo môi trường để thúc đẩy đầu tư.

 PV: Bên cạnh lợi ích, tốc độ phát triển nhanh của Internet như hiện nay thì những mặt tiêu cực của Internet cũng bắt đầu bộc lộ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Mai Liêm Trực: Đúng là bên cạnh những lợi ích đem lại cho nền kinh tế-xã hội thì Internet cũng bộc lộ những hạn chế, tiêu cực theo thời gian. Ví dụ như trước kia, khi Internet mới phát triển, chúng ta luôn lo lắng không thể kiểm soát hết được những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống văn hóa-xã hội, thuần phong mỹ tục.


Thế nhưng, ngày nay, khi Internet phát triển nhanh như vũ bão, bên cạnh nỗi lo trên thì chúng ta lại chú ý đến vấn đề an toàn, an ninh mạng; tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi; trò chơi bạo lực, games online ảnh hưởng tới tâm lý giới trẻ vẫn còn nhiều; người dân chưa thực sự tin cậy đến giao dịch thông qua hình thức thương mại điện tử.

Để hạn chế những tiêu cực do Internet đem đến thì chúng ta cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi-hại của Internet, biết sử dụng Internet hợp lý, đúng cách. Bên cạnh đó là cần có chế tài xử phạt nghiêm, cụ thể đối với những đối tượng, đơn vị sử dụng Internet để lừa đảo, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và người dân…

PV: Xin cảm ơn ông!./.