Hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

16:24 14/12/2012     1682

Xây dựng Đoàn   Từ năm 2006 đến 2010 có trên 30.000 người cai nghiện, trên 10.000 người bán dâm được dạy nghề, tạo việc làm.
a
Học viên cai nghiện đang được dạy nghề tại Trung tâm  (Ảnh: báo Công an Nghệ an)
Sáng 14/12, tại Hà Nội, Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Tham vấn xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn, tổ chức việc làm cho những người sống chung với HIV và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương”.  

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về hỗ trợ vốn, dạy nghề tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người bán dâm và người bị ảnh hưởng bởi HIV và nhóm người dễ bị tổn thương. Báo cáo của Cục phòng chống tệ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Kết quả trong giai đoạn 2001 - 2005 cả nước có trên 53.000 người nghiện ma túy, trên 10.000 gái bán dâm được chữa trị giáo dục, được dạy nghề, tạo việc làm; từ năm 2006 đến năm 2010 có trên 30.000 người cai nghiện tại các Trung tâm được tổ chức học nghề, trên 10 nghìn người bán dâm được dạy nghề, tạo việc làm. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội... là những địa phương có nhiều mô hình, câu lạc bộ làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho nhóm dễ bị tổn thương.

Ông Vĩnh Hưng, chuyên viên Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Những người này từ các trung tâm trở về không có việc làm. Nhưng sau tìm hiểu chúng tôi cho vay vốn và họ đã thay đổi được. Trong năm 2010, chúng tôi cho 10 hộ gia đình vay vốn, mức tối đã 20 triệu đồng. Đến nay, tháng 12/2012 tổng số có 33 hộ được vay, riêng năm nay có 13 hộ với 260 triệu đồng. 33 đối tượng hộ gia đình này có 19 gia đình có người nghiện ma túy, còn lại là mại dâm. Hàng năm, chúng tôi đều kiểm tra, giám sát các hộ gia đình sử dụng vốn và cho thấy 90% hộ gia đình làm ăn có hiệu quả.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc giúp người người nhiễm HIV, người bán dâm được vay vốn, được dạy nghề và tạo việc làm còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với nhóm đối tượng này vẫn là rào cản lớn nhất. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp ngại tiếp nhận, sử dụng người nhiễm HIV, người sau cai nghiện hay gái bán dâm; chính sách cho vay vốn, miễn giảm thuế thu cho doanh nghiệp tiếp nhận những người sau cai nghiện, bán dâm…chưa thỏa đáng. Ngoài ra, chính sách cho vay vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mới chỉ dừng ở tính vĩ mô, muốn tạo việc làm ngay cho nhiều người mà quên mất mỗi người dễ bị tổn thương cần được tư vấn về tâm lý, sức khỏe và tạo việc làm theo nhu cầu cụ thể.

Khắc phục những hạn chế này, Thủ tướng Chỉnh phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số bộ ngành liên quan…xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn và tạo việc làm cho người nhiễm HIV, người điều trị methanon cũng như người bán dâm có cơ hội tốt hơn trong vay vốn, được tạo việc làm để ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị của bộ, ngành liên quan, phác thảo chính sách vay vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng này. Sau đó, đánh giá lại nhu cầu của người vay vốn, lấy ý kiến của địa phương, lấy ý kiến các doanh nghiệp phối hợp với nhau và trình Thủ tướng ban hành quyết định. Để những chính sách đó thực hiện sau này có hiệu quả thì một loạt giải pháp chúng ta phải thực hiện như: Tuyên truyền giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; vấn đề dạy nghề trong các trung tâm dạy nghề ngoài xã hội và trung tâm giáo dục chữa bệnh xã hội phải được nâng cao chát lượng; các doanh nghiệp ngoài trách nhiệm xã hội phải tôn vinh họ như thế nà; kết nối gia đình, xã hội như thế nào và hoàn thiện hệ thống chính sách thì chính sách cho vay vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng này mới đi vào cuộc sống./.