Hạnh phúc bình dị của một chàng thanh niên mắc HIV
10:13 02/12/2014 2962
Xây dựng Đoàn Nhìn người thanh niên với vóc dáng đậm người, cao hơn 1m 70, không ai nghĩ anh đang mang trong mình và đã đồng hành cùng với căn bệnh HIV suốt 12 năm nay.
Chia sẻ với chúng tôi, Lò Văn Tân, 29 tuổi - người dân tộc Thái toát lên cảm xúc rất vui mừng vì gia đình anh vừa có thêm một bé gái vừa mới sinh được hơn một tháng tuổi nhưng không mang trong mình căn bệnh HIV mà anh đang mang.
Hạnh phúc bình dị
Vừa đi làm nương về, Nguyễn Văn Tân - một người có HIV ở tại đội 11, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh vách đất rộng chừng hơn 20 mét vuông rất đỗi đơn sơ và mộc mạc. Vừa rót chén nước, Tân vừa kể niềm vui của vợ chồng anh khi vừa đón bé gái mới sinh rất ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Quả thực, căn nhà nhỏ hầu như không có gì giá trị. Một chiếc tivi đã cũ sờn, hai cái giường gỗ mộc mạc, vách tường đất đôi chỗ hở toang toác khiến những tia nắng len lỏi chiếu rọi thẳng vào nhà. Có lẽ, nổi bật nhất trong ngôi nhà này là những tấm ảnh của Tân chụp cùng vợ và con được treo trên tường rất ngay ngắn, đóng khung gỗ vuông thành sắc cạnh bóng sáng mà anh và vợ rất trân trọng và chăm chút.
Gia đình hạnh phúc của anh Lò Văn Tân. |
Tân tâm sự, từ lúc anh bị bệnh đến nay đã 12 năm. Sức khỏe của anh hầu như chưa bị giảm sút gì, anh vẫn lao động và làm việc như những người bình thường khác.
Chia sẻ về nguyên nhân mắc bệnh của mình, Tân cho hay, khi mới lớn, do chưa nhận thức được đầy đủ nên khi đi chơi anh bị bạn bè rủ và lôi kéo chích ma túy. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh chích ma túy chung cùng nhiều người nên đã lây bệnh HIV từ lúc nào không hay.
Chỉ đến khi có giấy gọi nhập ngũ, Tân đi khám sức khỏe kết quả xét nghiệm và bác sỹ thông báo Tân dương tính với HIV. Qua sự phân tích về bệnh của các nhân viên y tế tại huyện và trạm y tế xã, Tân đã hiểu về bệnh và không cảm thấy không lo sợ, hoang mang quá.
Từ tháng 8/2012, Tân được uống thuốc ARV - thuốc kháng virus nói chung đều đặn hàng tháng.
Theo các chuyên gia y tế, những người có HIV được sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus ARV sẽ giúp bệnh nhân hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm kể trên, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Người nhiễm HIV tiếp cận ARV càng sớm càng giảm các nguy cơ ốm đau và nhiễm các căn bệnh. Bằng chứng khoa học cho thấy nếu tiếp cận điều trị bằng ARV sớm bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, hữu ích như bất kỳ ai khác.
Tân nhớ lại, ban đầu uống thuốc chưa quen, anh hay có cảm giác buồn nôn. Bây giờ anh đã quen và cảm thấy sức khỏe như người bình thường, không có ốm đau gì.
Tân đã lấy vợ đã được hai năm. Vợ anh tên Quàng Thị Nguộc, quê ở Mường Phăng. Kể về chuyện tình yêu, Tân cho hay, trước kia anh đi làm vệ sỹ cho một công ty, còn Nguộc đi làm thuê, gặt lúa thuê, sau đó hai người quen nhau và cưới vào cuối tháng 10/2012.
Xóa bỏ những định kiến
Trước câu hỏi vì sao biết anh Tân bị bệnh mà vẫn cưới, Quàng Thị Nguộc cười, ban đầu chị cũng cảm thấy sợ, nhưng khi hiểu rõ về bệnh thì không lo quá và vẫn quyết tâm đến với anh Tân vì tình yêu và sự chân thành Tân dành cho chị.
Vừa bế con, Nguộc giãi bày, chị lần đầu lấy chồng đã có hai con, người chồng đầu nghiện, sau đó bán hết mọi thứ trong gia đình. Sau đó, chị và người chồng đầu chia tay. Sau này, khi đến với Tân, chị cảm nhận được tình cảm chân thành Tân dành cho chị và cảm thấy hạnh phúc vì Tân là người rất thương yêu, biết chăm lo và vun vén cho gia đình.
Hàng ngày có việc gì thì Tân đi làm việc đó. Anh hiện có hơn 2.000 mét ruộng, ông bà nội cho 500 mét còn lại cấy thuê cho người khác.
Sau khi lấy vợ và có ý định sinh con, anh được cán bộ bệnh viện huyện và trung tâm y tế của xa đến tư vấn trực tiếp về cách phòng bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. Và hạnh phúc dường như đã “đơm hoa kết trái” với anh khi anh áp dụng tốt các biện pháp dự phòng để không lây nhiễm bệnh sang vợ và con.
Ở ngay sát nhà anh Tân là nhà của người em trai Lò Văn Thắng. Vợ chồng anh Tân đang tiếp chuyện chúng tôi, một bé gái chừng 3 tuổi – con anh Thắng chạy vào rất thân mật vuốt ve em bé mới sinh.
Anh Thắng cho hay, khi biết bệnh của anh Tân, anh cảm thấy bình thường, không xa lánh mà vẫn đùm bọc nhau. Anh Thắng cho hay, khi được nhân viên y tế của trạm y tế xã tư vấn cho cách phòng bệnh nên anh và những người xung quanh khi tiếp xúc với người có HIV thì anh làm theo và yên tâm.
Anh Lò Văn Tân hiện vẫn khỏe mạnh và lao động như những người khác. |
Khắc phục những khoảng trống
Cách đây 5 năm vùng đất Điện Biên được mệnh danh như là một “chảo lửa” của đại dịch HIV, khi số lượng người mắc và tử vong gia tăng kỷ lục. Nhắc đến căn bệnh này, dường như ai cũng có cảm giác sợ, không muốn gần. Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền vận động, ý thức của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều, họ không còn kỳ thị, xa lánh những người bệnh.
Ông Hoàng Xuân Chiến - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên là tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Những năm gần đây số ca mắc mới đã giảm đi nhiều, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tăng lây nhiễm HIV. Nguyên nhân là do, hầu hết người nhiễm HIV/AIDS và người tiêm chích ma túy là người nghèo, không có nghề nghiệp ổn định nên họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tuân thủ điều trị.
Đến ngày 30/10/2014, toàn tỉnh có hơn 7.500 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó quản lý được 4.092 người, tử vong 2.917 người.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, ngành y tế của tỉnh đã phát hiện 291 người nhiễm HIV mới, giảm 155 người so với cùng kỳ 2013 (giảm 65% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Chiến cho hay, những năm qua, ngành y tế của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời để phát hiện sớm và điều trị dự phòng cho người có HIV. Trong thời gian tới, trung tâm AIDS tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai mở rộng các mô hình trên ở khu vực vùng sâu vùng xa để khắc phục những khoảng trống về việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cho đồng bào dân tộc hiểu biết về bệnh và có các biện pháp phòng bệnh.
Rời ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ khá đặc biệt và có hoàn cảnh khó khăn ấy, nhưng chúng tôi biết ở họ luôn tràn ngập tình yêu thương, tiếng cười và sự lạc quan trong cuộc sống. Tân và vợ rất sẵn sàng để chúng tôi chụp ảnh đăng báo họ mà không chút e ngại. Bởi suy nghĩ rất thực tế và tân tiến của đôi vợ chồng người dân tộc này: “Có gì đâu mà ngại, bệnh của mình ai cũng biết rồi.”/.
Tweet