Gia đình 70 năm may cờ Tổ quốc

09:26 02/09/2015     1478

Xây dựng Đoàn   Trong rừng cờ đỏ sao vàng tung bay giữa nắng thu Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, có những lá cờ do một gia đình của làng Từ Vân may. Đã gần 70 năm qua, gia đình với 4 thế hệ vẫn nối tiếp nhau giữ nghề.
Chúng tôi tìm đến ngôi làng nức tiếng khắp Kinh kỳ bởi nghề truyền thống thêu, dệt vào những ngày giữa tháng 8. Tại làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, có một gia đình có 70 năm theo nghề làm cờ. Lá cờ họ làm ra rực đỏ mọi phố phường Thủ đô khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, trùng trùng trong nắng vàng Ba Đình lịch sử ngày 2/9 và các sự kiện lớn của đất nước. 

f
Anh Phục đang kiểm tra lá cờ sau khi hoàn thiện

Không khó để tìm nhà gia đình anh Nguyễn Văn Phục - một thành viên trong gia đình truyền thống làm cờ ấy, bởi không khí bận rộn chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9. Màu của biểu ngữ, băng rôn, cờ quạt rực rỡ ngay từ khoảnh sân. Đôi tay người thợ đã 20 năm trong nghề nhịp nhàng từng đường khâu, mũi chỉ. 

Trong câu chuyện kể về chặng đường 70 năm làm nghề, các tiền bối trong thôn đã tham gia may cờ từ những năm 40 của thế kỷ trước. Khoảnh khắc lịch sử của “làng cờ” Từ Vân diễn ra vào ngày 19/8/1945, khi cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền của quân và dân ta nổ ra, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo đường Thủ đô. Thời kỳ đó làm cờ vất vả lắm, vừa làm vừa nghe ngóng, làm cờ phải bí mật, sao cho mật thám Tây không phát hiện để có cờ chuyển cho cách mạng.

Hồi ấy, làng còn có một Hợp tác xã mang tên Cờ Đỏ, trụ sở ở số 4 phố Hàng Bông. Bà con trong làng lên Hà Nội làm cờ nhộn nhịp lắm. Sau khi đất nước giành độc lập, cũng là thời kỳ nghề làm cờ đạt cực thịnh. Thợ tay nghề cao của làng đi khắp mọi miền Tổ quốc để dạy làm cờ.

f
Những ngày này, gia đình truyền thống làm cờ lại bận rộn cho ngày lễ lớn của dân tộc.
Anh Phục cho biết, sau này, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, nghề thêu cũng lận đận mọi bề, lãi lời không được là bao nên nhiều người đã bỏ nghề. Riêng gia đình anh, từ bé đã được bố mẹ truyền cảm hứng về niềm tự hào của nghề truyền thống. Nên đối với anh, được tự tay thêu, may những lá cờ phục vụ những sự kiện trọng đại của đất nước là một niềm vinh dự lớn. Không chỉ riêng anh Phục, nhiều người trong gia đình khi nhắc đến cờ Tổ quốc đều ánh lên một niềm tự hào.

Đối với họ, may cờ là sự may mắn, vinh dự không phải ai cũng có. Những năm đầu vào nghề, anh phải tự kẻ chữ, bấy giờ các mẫu cờ phục chế từ những mẫu năm 40 với những phông chữ chỉ có thể kẻ thủ công tỉ mẩn và chịu khó thì mới phục chế được y nguyên. Loại vải may được gọi là vải sa, mua về từ La Cả, phường La Khê, quận Hà Đông. Những phần khác như tua rua, chỉ… được mua được từ làng Triều Khúc hoặc chợ Đồng Xuân. 

Chị Duyên, vợ anh Phục nửa đùa, nửa thật: “Nghề làm cờ không giàu được, nhưng biết may cờ thì ở đâu cũng sống được”. Gắn bó với công việc may cờ từ khi về làm dâu trong gia đình, chị Duyên cho biết, mỗi sản phẩm làm ra đều phải đẹp, chỉn chu, xứng đáng với “hồn Tổ quốc”. Có lẽ vì tôn chỉ đó, nên dù gia đình đã đầu tư mua máy may, máy vắt sổ và các máy in vải hiện đại cùng hơn chục nhân công, nhưng anh chị vẫn là người trực tiếp hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.

Thời gian trôi đi, sự nhẫn nại bám nghề cũng được đền đáp. Nghề làm cờ vẫn được giữ gìn, đủ để cho gia đình có cuộc sống tương đối sung túc. Tính đến nay, ở độ tuổi 43, anh Phục đang là đời thứ tư trong gia đình làm nghề may cờ. Chuyện vui, chuyện buồn đều đã trải, có thể nói là sống chết với nghề. Anh cũng đang hướng con trai Nguyễn Phương Nam (12 tuổi) theo nghề của gia đình. 

“Từ khi 7 tuổi cháu đã biết may cờ, hiểu được niềm tự hào của công việc gia truyền. Tương lai, cháu sẽ trở thành người nối nghiệp gia đình”, anh Phục chia sẻ. 

Anh Nguyễn Văn Phục là người may mắn được làm lá Quốc kỳ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, tung bay trên cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Lá cờ nặng cân, nặng tình, treo trên điểm cực Bắc của Tổ quốc là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc anh và gia đình tiếp tục truyền thống 70 năm làm công việc dệt hồn cho Tổ quốc.