Dư nợ ủy thác trong hệ thống Đoàn thanh niên đạt trên 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2015- 2020

17:21 01/10/2020     1434

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Trong giai đoạn 2015-2020, dư nợ ủy thác qua hệ thống Đoàn thanh niên đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2014; chất lượng ủy thác có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ nợ quá hạn trong hệ thống Đoàn chỉ còn ở mức 0,33%; trên 80% tổ TK & VV xếp loại tốt...

Sáng 1/10, Ngân hàng Chính sách Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến “Tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giai đoạn 2015-2020”.

 

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, UVTW Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam; Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam.

 

Hội nghị nhằm đánh giá vai trò, hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015- 2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị

Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên). Trong giai đoạn 2015-2020, NHCSXH và các tổ chức CTXH trên cả nước đã nghiên cứu, xây dựng nội dung ủy thác phù hợp với điều kiện thực tiễn; thường xuyên phối hợp đưa ra các giải pháp chỉ đạo thống nhất với các đơn vị trực thuộc. Nhờ đó, hoạt động ủy thác đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tính đến 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH), tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiếm 38,8%, Hội Nông dân chiếm 30,6%, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam chiếm 16,6%, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 13,9%. Tổng doanh số cho vay ủy thác giai đoạn 2015-2020 đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của NHCSXH.

 

Điểm cầu tại Hà Nội

 

Trong 5 năm qua, dư nợ trong hệ thống Đoàn thanh niên đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2014. Trong đó, có 3 tỉnh dư nợ ủy thác đã đạt trên 1.000 tỷ đồng gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La. Chất lượng thực hiện ủy thác có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ nợ quá hạn trong hệ thống Đoàn chỉ còn ở mức 0,33% (-0,14%). Hơn 900 nghìn hộ gia đình được vay vốn tại 24.632 Tổ TK & VV do Đoàn thanh niên quản lý. Chất lượng hoạt động của Tổ TK & VV từng bước được củng cố. Đến 31/8/2020 tỷ lệ Tổ xếp loại tốt trong hệ thống Đoàn đạt trên 80,70%; Trên 7.600 Đoàn cấp xã ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH; dư nợ ủy thác đạt trên 30.000 tỷ đồng, nợ quá hạn ở mức 0,31%.

NHCSXH và các tổ chức CTXH thường xuyên củng cố, sắp xếp lại mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến 31/8/2020, cả nước có 173.712 tổ tiết kiệm và vay vốn (giảm hơn 23.000 tổ so với năm 2014).

Việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng: nợ quá hạn giảm dần từ 4% khi nhận bàn giao đến nay xuống còn 0,25%, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94%, tăng 23% so với 31/12/2014; tỷ lệ thu lãi tăng đều qua từng năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, giảm thiểu lãi tồn đọng; đến hết tháng 8/2020, trên 99,9% tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng.

 

“Thời gian tới, tín dụng chính sách tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam nhấn mạnh.

 

Thông qua hoạt động ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với cán bộ CSXH, hàng vạn cán bộ tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở đã phối hợp chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến hàng triệu người nghèo, đối tượng chính sách trên cả nước. Không chỉ tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận vốn tín dụng một cách thuận lợi mà còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức sản xuất, kinh doanh nhằm sử dụng vốn vay hiệu quả. Qua đó tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống của nhân dân, góp phần hạn chế, đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tại các điểm cầu, các đại biểu đã chia sẻ một số giải pháp, kinh nghiệm công tác phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh; nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên 15 - 20 triệu đồng/công trình; cho vay tối đa hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ; mở rộng đối tượng cho vay xuất khẩu lao động đối với lao động thuộc hộ mới thoát nghèo; xây dựng, triển khai phần mềm khai thác, theo dõi hoạt động ủy thác tại các hội, đoàn thể nhận ủy thác; tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo...

 

Điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH cùng các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp trong việc đưa tín dụng chính sách đến với người dân thời gian qua. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống của các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tăng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Lam chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó cần tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách; chỉ đạo tổ chức chính trị các cấp thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh; phối hợp với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…

 

Trịnh Lý