Đời sống công nhân: Còn đó nhiều... nỗi lo

16:34 15/09/2012     2479

Xây dựng Đoàn   Cũng vì ‘”miếng cơm manh áo” các bạn trẻ chủ yếu ở miền Bắc đã tìm đến làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) để mong có một công việc, cuộc sống ổn định, với tương lai tươi sáng hơn, nhưng đọng lại trong họ vẫn thấy đâu đó những nỗi niềm lo lắng...
a
Một dãy nhà trọ của công nhân tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội
Mong có một nhà trẻ cho con em công nhân

Trong căn phòng nhỏ 10m2 thuê tại thôn Hậu Dưỡng, Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội), Thanh Mai quê ở Bắc Giang cho biết: Vợ chồng Mai cùng làm công nhân ở Công ty liên doanh MatSuO Việt Nam từ năm 2006 đến nay. Thu nhập của hai vợ chồng hiện tại một tháng cộng lại cũng được gần 8 triệu. Nếu chỉ có hai vợ chồng thì chi tiêu cũng tạm đủ, nhưng từ khi có cháu nhỏ, tháng nào cũng “âm” tiền lương.

Chị Mai cho biết: “Mỗi tháng gửi con hết 2 triệu chưa kể tiền mua sữa bột 600 – 700 nghìn, rồi tiền thuê nhà 700 nghìn đồng/ tháng, nếu không may con ốm thì tháng nào cũng bị thiếu tiền”. Cơ quan cũng có khoản trợ giá đời sống hàng tháng cho công nhân 200 nghìn nhưng “trớ trêu” là lại bắt mua tại siêu thị tạp hóa của công ty, mà giá ở đó lại cao hơn nhiều bên ngoài. Trong khi đó, đợt tăng lương  tháng 5 gần đây, công ty cô cũng không tăng cho công nhân. Vì vậy, ngay việc về thăm gia đình cũng ít khi thực hiện được bởi quê chồng chị ở tận Hà Tĩnh.

Mai chia sẻ thêm, vì không có hộ khẩu thường trú tại đây nên cô không thể gửi con tại trường công lập, cộng thêm vợ chồng cô lại hay phải làm ca đêm (từ 21h55 đến 6h10), cô phải gửi con cho một gia đình gần nơi trọ trông giúp từ sáng đến tối nên “giá thế còn rẻ đấy, có nơi còn 2, 5 triệu cơ chị ạ”- Mai nói.

“Ước gì có một nhà trẻ cho con em công nhân khu công nghiệp gần đây chị nhỉ?” – Mai cười buồn hỏi tôi. Tôi im lặng, biết trả lời sao? Mong ước của Mai cũng như một câu hỏi chưa có lời giải đáp từ các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Nhìn quanh căn phòng nhỏ của Mai, tôi thấy bừa bộn nào là tủ bếp, võng, bình ga, nồi niêu đun nấu.. được đặt ngay sát giường nằm. Dẫu biết rằng việc đun nấu sẽ có hại cho con, nhưng Mai cho hay, cô buộc phải làm vậy vì ra ngoài ăn rất tốn kém, mặt khác lại mất vệ sinh.

Mai tâm sự: Mặc dù đã được ký hợp đồng dài hạn, nhưng rất có thể sắp tới, cô sẽ xin việc làm ở một xưởng may tư nhân để có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình hơn. Vả lại, tuy chế độ chính sách ở đây khá tốt nhưng áp lực công việc cũng lớn. Đơn cử, như đi vệ sinh cũng phải xin phép, không được dùng điện thoại trong giờ làm việc, bất kỳ một vi phạm nhỏ cũng bị làm bản kiểm điểm và kèm theo đó là trừ lương...

Mai kể, nếu con đau ốm thì vợ chồng cô sẽ rất khó xoay sở, vì công ty chỉ cho nghỉ mỗi tháng một ngày với lý do chính đáng. Nếu nghỉ nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến đánh giá xếp loại lương hàng năm và các loại tiền trợ cấp khác. Hơn nữa, ở chung nhà mà có khi cả tuần vợ chồng không chạm mặt nhau vì phải đi làm lệch ca. Khi đó, hai vợ chồng phải cùng thay nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm và trông con ban đêm. Chồng cô cũng phải làm công việc như một người vợ. “Dẫu biết vì cuộc sống, vì con, nhưng nhiều lúc nhìn chồng em thấy tội lắm.” – Mai ngậm ngùi.

Lo một tấm chồng

Đến một xóm trọ tại Đội 7, thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội), gặp Hiền quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Hiền cho biết, năm nay đã 30 tuổi, làm việc cho Công ty TNHH Canon Việt Nam.

Hơn 6 năm làm công nhân, Hiền chỉ biết vùi đầu vào công việc. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 8h sáng đến 17h, nếu làm ca tối thì từ 21h đến 6h sáng. Thuê căn trọ 9m2 tại địa chỉ trên với giá 600 ngàn đồng một tháng cộng với điện nước phải trả số cao, đã chiếm đến 1/3 số lương hàng tháng của Hiền, nhưng Hiền cũng không cảm thấy buồn lòng vì điều đó. Cô chia sẻ, nếu chi tiêu tiết kiệm hàng tháng vẫn còn dư ra vài trăm nghìn gửi về cho bố mẹ.

Điều mà Hiền lo là tuổi thanh xuân cứ trôi đi, mà cô vẫn chưa tìm được cho mình một bờ vai nương tựa. Hiền cho hay, một tháng cô phải làm đến hai tuần ca đêm nên không có nhiều thời gian để đi chơi với bạn bè. Khu trọ của cô lại chủ yếu là nữ giới hoặc hộ đã có gia đình nên ngày ngày cứ ra vào một mình khiến cô nhiều khi tủi thân phát khóc.

Khi được hỏi lý do không ở khu nhà tập thể do Công ty bố trí chỉ có 40.000 đồng/tháng, Hiền tâm sự: “Ở tập thể thì sẽ đỡ được rất nhiều chi phí, nhưng bạn bè đến chơi lại rất khó khăn vì phải xuất trình chứng minh thư nhân dân mới cho gặp, nhưng cũng không được vào phòng chơi mà chỉ ngồi ở phòng tiếp khách chung, giờ giấc đi về cũng nghiêm ngặt ... nên rất bất tiện chị ạ”.

Hiền cười như tự trấn an mình: “Do duyên số thôi chị ạ, em cũng chẳng kén lắm đâu”. Dẫu vẫn biết không hẳn do “cái duyên số” như Hiền nói, nhưng ngẫm lại thấy đời công nhân đã lấy đi của Hiền không ít niềm vui, cơ hội...

Hiền mong muốn sẽ có nhiều điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân hơn nữa để cô có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với các bạn công nhân cùng cảnh ngộ và biết đâu đấy, Hiền sẽ tìm cho mình được một tấm chồng....

Vẫn phải sống cảnh Ngưu Lang- Chức Nữ

Tìm đến chung cư dành cho công nhân của Công ty Panasonic Việt Nam tại xã Kim Chung, tôi gặp Liên ở ngay ngoài cửa, tay cầm lỉnh kỉnh các đồ ăn, cô cho biết, các bạn cùng phòng đang chờ cô mang đồ về cùng ăn.

Liên kể, năm nay cô 28 tuổi, quê Nghệ An, đã có chồng và hai con, đứa 4 tuổi và 7 tuổi nhưng gửi ông bà nội ở quê trông dùm. Chồng cô làm tại một doanh nghiệp nhà nước tại Nam Định nên mỗi tháng chỉ gặp nhau 1-2 lần.

Cô chọn ở khu chung cư này vì trước hết giá cả rất hợp lý (trọn gói chỉ có 50 nghìn đồng /tháng), mỗi phòng lại có từ 4-6 người nên sinh hoạt khá đông vui. Cô chia sẻ lý do không thuê trọ bên ngoài vì sợ nỗi buồn khi phải ở một mình chờ chồng đến thăm hàng tuần.

Cô “bật mí”: Nếu chồng đến thăm, hai vợ chồng muốn “tâm sự’ thì sẽ ra ngoài chị ạ, vì ở chung cư này khi chồng đến thăm và muốn ngủ lại phải xuất trình đăng ký kết hôn, vả lại cũng còn rất nhiều điều khác bất tiện nữa...”.

Liên bần thần khi nhắc tới con: “Nhiều lúc nhớ con lắm nhưng chẳng về được, phần vì đường xá xa xôi, phần vì chi phí đi lại tốn kém. Hai đứa nhỏ ở nhà thỉnh thoảng cũng gọi điện kêu con nhớ bố mẹ lắm! Thương con nhưng vì “miếng cơm manh áo” nên cũng đành chịu”.

Hai vợ chồng Liên ra ngoài này làm công nhân đã được gần 10 năm, thế nhưng mỗi tháng tổng thu nhập của cả hai người cũng chỉ được gần 7 triệu, cộng thêm mỗi người ở một nơi, chi phí sinh hoạt, đi lại cũng rất tốn kém nhưng vẫn phải dành dụm 2 triệu mỗi tháng để gửi về quê nuôi hai con và bố mẹ già.

Khi tôi hỏi hai vợ chồng định sống cảnh Ngưu Lang- Chức Nữ đến bao giờ? Liên ngậm ngùi: “ Không biết đến khi nào đâu chị ạ. Bởi chồng em đang có một công việc trong doanh nghiệp nhà nước, lương không cao nhưng cũng ổn định, bây giờ xin về đây cũng tiếc. Thôi thì...” Liên bỏ lửng không nói gì nữa, ánh mắt xa xăm.

Ngay sau đó, khuôn mặt cô lại rạng rỡ khi cho biết: “Chồng em vừa nhắn tin báo mai sẽ lên thăm chị ơi! ”

Tạm biệt Liên, tôi ra về mà lòng vẫn ngổn ngang những suy tư. Mỗi công nhân, mỗi cảnh ngộ và nỗi niềm khác nhau... Nhưng tôi vẫn thấy cháy lên trong họ hy vọng và niềm tin vào một cuộc sống ổn định, hạnh phúc hơn./.