Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng
15:53 04/11/2021 6658
Xây dựng Đoàn ĐTN: Sáng 4/11, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030” của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý.
Đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn và đồng chí Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn chủ trì Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự PGS - TS Nguyễn Viết Thảo, giảng viên cao cấp, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Bùi Thế Đức, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, an ninh - an toàn không gian mạng, chính trị, tư tưởng của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.
100% cán bộ đoàn, đoàn viên và 80% thanh thiếu niên được tuyên truyền về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2012 - 2030” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Quang cảnh Hội thảo
Dự thảo Đề án xác lập 02 mục tiêu lớn: Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hoá, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong kỷ nguyên số hoá.
Hai là, tạo sức đề kháng để thanh thiếu nhi chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ban tổ chức cho biết, dự thảo đề án xác lập mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 và 2026 - 2030. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025 đặt mục tiêu: 100% cán bộ đoàn, đoàn viên và 80% thanh thiếu niên được tuyên truyền về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; 100% cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng.
Đề án đưa ra mục tiêu ít nhất 80% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng; mỗi xã, phường, thị trấn hằng năm có ít nhất 400 tin tốt, câu chuyện đẹp được chia sẻ trên không gian mạng.
Đặc biệt, đề án đặt mục tiêu 100% Đoàn cấp tỉnh mỗi tuần có ít nhất có 1 bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng; 100% Đoàn cấp huyện thiết lập đội hình thanh niên tình nguyện tuyên tuyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có 100% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng; mỗi xã, phường, thị trấn hằng năm có ít nhất 600 tin tốt, câu chuyện đẹp được chia sẻ trên không gian mạng. 100% tổ chức Đoàn cấp tỉnh mỗi tuần có ít nhất có 2 bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng; 90% hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội được tổ chức hoặc tương tác trên không gian mạng. Đoàn cấp huyện mỗi năm tổ chức ít nhất 01 hoạt động trên không gian mạng nhằm thu hút đoàn viên thanh nên hưởng ứng, làm theo. Thành lập tổng đài hỗ trợ ứng cứu thanh thiếu niên trên mạng xã hội.
Việc ban hành Đề án là rất cấp thiết
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Giảng viên Cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá việc ban hành Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2012 - 2030” rất cấp thiết bởi việc giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống cho thế hệ trẻ còn chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc biệt là nội dung liên quan đến lý tưởng, niềm tin cách mạng. Trung ương Đoàn cần phối hợp với các ban, ngành xây dựng đề cương, phương châm là phải thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm tránh đề án chất lượng cao nhưng hiệu quả rất thấp. "Giáo dục cho thanh thiếu nhi rất khó, phải chú trọng cả hình ảnh, màu sắc... thì mới thu hút được sự chú ý của thanh thiếu nhi", PGS.TS Nguyễn Viết Thảo lưu ý.
Đại biểu phát biểu góp ý Đề án
Để tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng cho biết, thanh thiếu nhi vừa là đối tượng tác động, vừa sử dụng không gian mạng nên trong quá trình xây dựng Đề án cần quan tâm đến những nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng mà Bộ Thông tin - Truyền thông vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân cũng như phối hợp với Bộ này xóa bỏ những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của thanh thiếu nhi.
Tiến sỹ Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí của Đoàn, các báo điện tử được giới trẻ quan tâm trong quá trình đồng hành giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, song song với trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn, gia đình, nhà trường, xã hội; chú trọng giáo dục khát vọng, niềm tin cách mạng cho thanh thiếu niên trước âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho Thanh thiếu nhi
Dự thảo Đề án đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, trong đó: kiểm soát, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu nhi; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.
Theo kế hoạch, sẽ có nhiều sản phẩm cụ thể sau khi thực hiện đề án như: Cẩm nang hướng dẫn thanh thiếu nhi sử dụng mạng xã hội an toàn, tích cực được xây dựng; các sản phẩm văn hoá giải trí được sản xuất và phát hành trên không gian mạng; Bảo tàng trực tuyến “Tự hào tuổi trẻ Việt Nam” được triển khai. Sẽ có quy chuẩn về đạo đức, lối sống đối với hệ thống trò chơi trực tuyến; sản xuất và phát hành các trò chơi trực tuyến về lịch sử, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thành lập và tổ chức hoạt động bộ phận “Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng” ở cấp T.Ư và cấp tỉnh. Các đợt học tập, rèn luyện kết hợp chiến dịch truyền thông được triển khai với các sản phẩm truyền thông, chương trình, hoạt động mang “xu hướng trẻ” được hình thành và lan toả trên không gian mạng…
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, trong những năm qua, T.Ư Đoàn đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kết luận để triển khai thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn hiện nay, việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó thiếu những giải pháp đồng bộ.
Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và nhu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong tình hình mới, Ban Bí thư T.Ư Đoàn xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”. Đề án sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành.
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới. Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We are Social và công ty Hootsuite công bố, tính đến tháng 01 năm 2020 tổng số người dùng internet ở Việt Nam là 68,72 triệu người, chiếm 70,26% dân số (trên 97,8 triệu dân), tăng 550.000 người (gần 8%) so với cùng thời điểm năm 2020. Cùng với đó, thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động, đặc biệt là mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam tính đến tháng 1/2021 là 72 triệu người, tăng hơn 7 triệu người (khoảng 11%) so với cùng thời điểm năm 2020 chiếm 73.7% tổng dân số vào tháng 1/2021. Đến tháng 01/2021, thuê báo di động đạt 154,4 triệu kết nối tăng 1,3 triệu (khoảng 0,9%) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021.
Theo số liệu thống kê của Facebook, số lượng người Việt Nam dùng mạng xã hội Facebook là hơn 73 triệu người dùng hàng ngày. Đa số người dùng Facebook là thanh thiếu niên và truy cập hàng ngày vào mạng xã hội này thông qua thiết bị di động.
Đặc biệt, số lượng người sử dụng mạng xã hội Tiktok của Việt Nam phát triển rất nhanh đến tháng 3/2021 đạt trên 17 triệu người, cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Số tuổi người dùng Mạng xã hội Việt Nam phổ biến nhất là từ 18 đến 34 tuổi, trong đó, thời gian dành cho việc “lướt” Mạng xã hội, tìm kiếm thông tin, đọc tin tức chiếm khoảng 94%. Như vậy, có thể thấy rằng, ở nước ta, những người thường xuyên truy cập Mạng xã hội chính là lực lượng thanh niên, và nhu cầu tìm kiếm thông tin qua Mạng xã hội của thanh thiếu niên là rất cao.
Kết quả khảo sát của đề tài của Viện Nghiên cứu Thanh niên tháng 3/2021 cho thấy, trong số 750 thanh niên được điều tra (trong độ tuổi từ 16 đến 30), tuyệt đại đa số đang sử dụng mạng xã hội, với tỉ lệ lên đến 98,0%.
Những số liệu thống kê trên chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng không gian mạng, nhất là mạng xã của thanh thiếu nhi Việt Nam chiếm tỷ lệ đa số, trong đó chủ yếu là sử dụng Facebook, Youtube, Tiktok, Zingme, Google Plus, Go.vn... mạng xã hội chính là một trong những kênh thông tin có ảnh hưởng rất lớn nhất và đồng thời là không gian sống khá phổ biến của đông đảo thanh niên Việt Nam. Với tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng số hóa, cơ hội kết nối của thanh niên ngày càng được tăng cường; giao tiếp qua không gian mạng chi phối thời gian và không gian của thanh thiếu niên ngày càng lớn.
Trịnh Lý Tweet