Dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng

08:12 30/09/2012     2333

Xây dựng Đoàn   Dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng là nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo “Người cao tuổi ở Việt Nam, cơ hội, thách thức và định hướng chính sách” ngày 28/9 tại Hà Nội với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và tổ chức Help Age International (HAI) tại Việt Nam.
a
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Khuynh hướng nhân khẩu học này là một trong những thành tựu lớn lao đối với Việt Nam, liên quan tới những cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số một cách nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam.

Số liệu từ Điều tra biến động dân số năm 2011 của Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho thấy số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác nên chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

Theo số liệu của Điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011, 39% người cao tuổi Việt Nam hiện vẫn đang làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Tuy nhiên, hầu hết người cao tuổi đang tự tạo việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định; trong đó 17% người cao tuổi thuộc diện nghèo và số phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dễ rơi vào nghèo đói hơn so với những nam giới cao tuổi, so với người cao tuổi sinh sống ở thành thị, người cao tuổi là người Kinh, và tuổi càng cao thì họ càng rơi vào cảnh nghèo đói.

Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, vấn đề người cao tuổi đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách và các chương trình kinh tế và xã hội Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại hội thảo: ”Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao, vì vậy Việt Nam cần phải có những chính sách để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn. Khi Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 được thông qua thì vấn đề người cao tuổi sẽ là trọng tâm của các chương trình, chính sách, đề án của Chính phủ.”

Theo các chuyên gia nhân khẩu học, già hóa dân số là một trong các khuynh hướng nổi bật của thế kỷ 21. Già hóa dân số tạo ra những thách thức về xã hội, kinh tế và văn hóa nhưng cũng là những cơ hội vô cùng to lớn đối với mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Hiện nay cứ 10 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, dự đoán đến năm 2050 cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Chính vì vậy, già hóa dân số là một hiện tượng cần được đặc biệt quan tâm. Theo đó đầu tư cho y tế, giáo dục, sự tham gia và công việc ổn định cho thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai.

Theo ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA, Việt Nam đang ở trong giai đoạn then chốt của thời kỳ nhân khẩu học vì mức sinh và mức chết giảm trong khi tuổi thọ tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm này, các chính sách và chiến lược dựa trên bằng chứng nên tập trung vào các sáng kiến thực tế và có tính bền vững giúp nhóm dân số cao tuổi tham gia một cách tích cực vào các hoạt động xã hội, văn hóa, thể chất và kinh tế. Các chính sách cần đảm bảo tiếp cận phổ cấp tới các dịch vụ xã hội cơ bản có thể chi trả được, bao gồm chăm sóc y tế dành cho tất cả mọi người./.