Cùng ông Vũ Khoan trăn trở về kinh tế Việt Nam
11:45 24/01/2012 2149
Xây dựng Đoàn Năm 2011, chúng ta đã biết được bệnh của mình, nhưng điều khiến tôi trăn trở là phải làm thế nào để trị bệnh hiệu quả.
Trước thềm xuân Nhâm Thìn 2012, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có những chia sẻ về kinh tế Việt Nam 2011-2012 .
PV: Xin kính chào nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Thưa ông, năm qua là một năm vô cùng khó khăn với kinh tế thế giới. Trong khó khăn chung ấy, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để duy trì đà phát triển. Theo ông, thành tựu kinh tế nào trong năm qua của đất nước là ấn tượng nhất?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Ông Vũ Khoan: Theo tôi, trong năm 2011 chúng ta đã đạt được 2 thành tựu kinh tế quan trọng: Thứ nhất là biết bệnh. Mình biết bệnh cấp tính là gì, mãn tính là gì. Thứ hai là đã đưa ra được phác đồ điều trị. Để chữa trị căn bệnh cấp tính là lạm phát cao đã có Nghị quyết 11 - một pháp đồ trị bệnh đúng hướng. Còn pháp đồ chữa trị căn bệnh mãn tính là chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được nêu ra tại Đại hội XI của Đảng, sau đó Hội nghị Trung ương 3 đã xác định 3 khâu cần phải tái cấu trúc ngay; đó là đầu tư công, DNNN, trước hết là các tập đoàn và Tổng công ty và tài chính – ngân hàng.
Đương nhiên nền kinh tế nào cũng cần tăng trưởng song vấn đề chỉ là tăng trưởng với giá nào, hiệu quả ra sao. Nếu tăng trưởng mà gây lạm phát cao dài dài, tiêu hao vốn, gây ô nhiễm và sự cách biệt giầu nghèo quá mức thì chẳng còn ý nghĩa gì.
PV: Vậy điều gì khiến ông còn trăn trở ạ?
Ông Vũ Khoan: Cái trăn trở là phải làm thế nào để trị bệnh hiệu quả. Năm 2011 đã làm được 2 việc như trên đã nói; việc cắt cơn lạm phát và bất ổn vĩ mô có thu được vài kết quả nhưng còn phải phấn đấu tiếp thì mới đưa về trạng thái bình thường được. Còn đối với căn bệnh mãn tính thì chủ yếu mới kê đơn, chưa bắt tay vào chữa trị. Do vậy năm 2012 phải bắt tay vào chữa trị, thực hiện trên thực tế mấy khâu then chốt. Tôi mong chờ điều đó.
Trong khi lao vào chữa bệnh trước mắt và lâu dài không nên quên 3 khâu đột phá mà Đại hội Đảng lần thứ XI nêu ra là đổi mới, hoàn thiện thể chế, cải thiện hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Trong ba khâu đó, trước sau tôi vẫn trăn trở nhiều nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.
Nói cho cùng thì mọi việc đều do con người quyết định nhưng ở khâu này còn ngổn ngang nhiều chuyện quá. Đại hội XI của Đảng đặt ra nhiệm vụ đổi mới toàn diện, cơ bản nhưng chưa thấy một chương trình, kế hoạch gì thật cơ bản và toàn diện, trong khi đó lại thấy đưa ra Quốc hội khóa XIII Luật Giáo dục đại học. Giáo dục đại học cũng chỉ là một khâu trong tổng thể hệ thống; nếu phổ thông cơ sở và phổ thông trung học còn lắm vấn đề thì làm sao có được đại học tốt? Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến với nhiều nhà giáo dục cho rằng, trước hết cần thống nhất về triết lý giáo dục cái đã, từ đó mới xác định được phương pháp dậy và học, viết lại sách giáo khoa, bồi dưỡng lại giáo viên. Riêng về đại học thì khâu then chốt được nêu ra là khâu quản lý. Tôi không phản đối gì điều này nhưng có lẽ khâu then chốt phải là xác định và đồng thuận về triết lý giáo dục, nếu không cứ tranh cãi dài dài thì mất thời cơ mất!
PV: Thế nhưng nhiều DN kêu rằng, Nghị quyết 11 siết chặt quá khiến họ không thở được?
Ông Vũ Khoan: Chữa bệnh thì phải chịu đau. Đối với thế hệ chúng tôi các đợt cải cách chế độ giá - lương – tiền đã rất đau. Lúc ấy hai vợ chồng tôi tiết kiệm mãi mới đủ tiền để định mua xe đạp, nhưng đùng một cái đổi tiền nên chỉ mua được chục trứng! Đấy là sự thật. Bây giờ chống lạm phát thì làm sao có thể xênh xang tiền được. Căn nguyên của lạm phát có nhiều song cái cơ bản là ở cái máy in tiền làm việc với công suất cao, tung ra quá nhiều tiền qua khâu phát hành và tín dụng. Cho nên phải thắt lại. Mà đã thắt thì phải đau.
PV: Vậy ông có so sánh gì về thời gian thực hiện giá lương tiền mà đất nước đã trải qua với việc thực hiện Nghị quyết 11 hôm nay?
Ông Vũ Khoan: Có hai cái khác. Một là, bây giờ mình biết và đã có kinh nghiệm. Hồi những năm 80 mình có biết gì lắm đâu, phải mời chuyên gia Liên Xô sang giúp cơ mà! Nhưng tiếc rằng, ngay chuyên gia Liên Xô cũng không biết gì nhiều hơn vì trong sách giáo khoa kinh tế chính trị học của các nước XHCN, chỉ các nước tư bản mới có lạm phát, còn kinh tế XHCN làm gì có khái niệm đó!
Bây giờ thì mình đã biết rõ hơn và lực cũng khác trước nhiều. Thời ấy đất nước làm gì có dự trữ ngoại tệ, toàn đi vay nước ngoài (ngân sách đến 70-80% đi vay nước ngoài). Bây giờ mình đã có dự trữ ngoại tệ ít nhiều rồi. Vấn đề cơ bản là hết sức tránh để “vỡ trận” các cân đối vĩ mô. Lần này, sau khi lập lại được trật tự thì phải giữ cho được, đừng để mất cân đối giữa tiền và hàng, sản xuất và tiêu dùng, thu và chi ngân sách, xuất và nhập khẩu… Tôi hy vọng năm tới chúng ta sẽ tiến dần đến sự ổn định.
PV: Trong năm qua, kinh tế đối ngoại có những điểm gì khiến ông lưu tâm?
Ông Vũ Khoan: Xuất khẩu năm vừa rồi tăng đáng kể, vượt xa kế hoạch, một phần nhờ được giá. Nhập siêu giảm đi, chỉ còn khoảng 10% giá trị xuất khẩu trong khi các năm trước đó toàn trên dưới 20%.
Thứ hai là FDI giảm nhưng điều quan trọng nhất là ta thấy rõ đã đến lúc phải rà soát lại cơ cấu sao cho phù hợp với yêu cầu của mô hình phát triển mới, với quá trình CNH... Phía ta có những nhược điểm nay đã bộc lộ rõ, chất lượng nguồn nhân lực yếu và ngày càng không rẻ, hạ tầng đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập, cơ chế vừa có chỗ rườm rà, thiếu minh bạch, vừa có nhiều sơ hở và lỏng lẻo, trong đó tình trạng chuyển giá là một ví dụ. Cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa có nhiều công nghệ cao, công nghiệp gia công còn nhiều, đối tác thuộc loại tầm cỡ chưa phải đông.
Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng tôi thấy cần tránh một biểu hiện cực đoan mới là “vơ đũa cả nắm”, đả phá đầu tư nước ngoài. Cái đó là không đúng vì nước ta vẫn cần đầu tư nước ngoài, cần vốn, cần công nghệ, thị trường… Vả lại ngày nay chẳng ai tự sản xuất tất tần tật mọi thứ vì như vậy sẽ không hiệu quả. Nói thế nào đó, làm thế nào đó mà gây tâm lý bất ổn đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì khi đó, không biết ai sẽ thiệt. Chẳng nên tự mình ghè vào chân mình. Bà con vẫn cần công ăn, việc làm, đất nước vẫn cần vốn, công nghệ. FDI là nguồn rất đáng trân trọng và sự cạnh tranh rất gay gắt, họ có nhiều sự lựa chọn chứ không chỉ có ta.
PV: Vậy theo ông, những khuyết tật, cực đoan là do nguyên nhân từ đâu?
Ông Vũ Khoan: Có thể một số dự án FDI làm cho chúng ta chưa thật hài lòng, một phần cũng do ta sơ hở khi chọn lựa và quản lý. Nhưng chúng ta không nên lấy cái cá biệt để đánh giá cái chung, lấy trước mắt để thay lâu dài. Tôi nghĩ đây là lợi ích lớn và lâu dài của ta, không nên vì cái trước mắt mà phủ nhận nó.
“Mật ít ruồi nhiều”, nguồn vốn ngày càng ít đi, số nước cần vốn lại càng đông hơn. Cái thời họ vào nhiều là do chúng ta mới gia nhập WTO, kinh tế đi lên... Bây giờ kinh tế có nhiều khó khăn; cộng vào đó mình lại tạo tâm lý bất an thì hỏi rằng ai muốn bỏ tiền ra đầu tư ở nước mình nữa?
Việt Nam vẫn rất cần vốn để phát triển (ảnh KT) |
PV: Trong tình hình kinh tế khó khăn, theo ông chúng ta cần tận dụng các cơ hội phát triển như thế nào?
Ông Vũ Khoan: Kinh tế Việt Nam chỉ là một bộ phận của kinh tế thế giới và mình phụ thuộc vào thế giới rất nhiều. Trong năm qua, công nghiệp phụ trợ của Thái Lan, Nhật Bản… bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nhật Bản đang tìm kiếm đối tác phát triển công nghiệp phụ trợ và Việt Nam là một địa chỉ. Đấy là cơ hội mình cần nắm bắt để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Nếu chỉ phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho thị trường Việt Nam thì giá thành rất đắt, vì quy mô sản xuất nhỏ, nhưng nếu tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu thì giá thành lại khác. Hay như việc Nga – một nước có hàng trăm triệu dân đã trở thành thành viên WTO sẽ phải cắt giảm thuế nhập khẩu, một rào cản mà cho tới nay hàng Việt Nam khó len vào thì nay sẽ có cơ hội.
PV: Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình kinh tế hiện nay?
Ông Vũ Khoan: Trong lúc khó khăn này mà cứ nói “biến thách thức thành cơ hội” thì khó nghe lắm, có khi bị các doanh nghiệp phê. Nhưng tôi trộm nghĩ cứ kêu ca cũng chẳng ích gì, chẳng có ông tiên nào hiện lên cứu mình cả. Trong khi chờ thời “thái lai” đành cố xem xem doanh nghiệp mình có chỗ nào cần xếp sắp lại, củng cố thêm thì làm, đồng thời tìm xem chỗ nào hở thì tận dụng. Bây giờ Chính phủ đang giảm đầu tư công, tái cấu trúc DNNN, áp dụng cơ chế “đối tác công – tư” (PPP), như vậy cái gì Nhà nước hất ra ngoài, không làm nữa thì ta nhảy vô. Vả lại Chính phủ cũng có chủ trương giảm thuế, dãn thuế, vẫn ưu tiên nới lỏng tín dụng cho nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, các ngành xuất khẩu, nhà cho người thu nhập thấp… ta nên tận dụng. Con giun, con dế tuy nhỏ nhưng cũng phải nhặt để nuôi gà, nuôi vịt chứ đừng bỏ phí.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông! Đầu năm mới, xin chúc ông mạnh khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước!
Tweet