Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hội nhập để phát triển đất nước

07:26 01/01/2016     1881

Xây dựng Đoàn   Trước thềm năm mới 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn báo chí, chia sẻ những đánh giá và nhận định về cơ hội và thách thức đối với đất nước và dân tộc, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hội nhập để phát triển đất nước

-Thưa Chủ tịch nước, trước thềm năm mới 2016, xin Chủ tịch nước cho biết đánh giá vắn tắt về những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội mà đất nước ta đạt được trong năm 2015?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Về tình hình kinh tế-xã hội 2015 là năm cuối của kế hoạch 5 năm, Quốc hội mới đây đã họp và đánh giá rồi, tôi nói vắn tắt thôi. Năm nay là một năm hết sức khó khăn, cả về tình hình trong nước cũng như trong khu vực. Nhưng với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kết quả phát triển kinh tế-xã hội vẫn khá tích cực, tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt khá, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên.


f
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam

Tôi cho rằng đó là một sự cố gắng rất lớn, tạo tiền đề cho năm 2016 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, trong năm 2015, chúng ta kí kết một loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với tiêu chí cao so với các tiêu chí trong các Hiệp định chúng ta đang thực hiện. Thời cơ nằm ở chỗ thị trường sẽ mở rộng nhiều, chúng ta có thể huy động được các nguồn lực nhiều hơn, công nghệ tiên tiến có thể vào nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nói chung là với nền kinh tế Việt Nam. Cho nên phải có một sự nỗ lực vượt bậc hơn nhiều so với trước đây mới tận dụng được tối đa cơ hội, và vượt qua được thách thức trong kế hoạch 5 năm tới 2016-2020, mà năm 2016 đã bắt đầu rồi.

-Thưa Chủ tịch nước, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được kí kết và chúng ta sẽ phải thực hiện sắp tới đây, phải chăng chúng ta đang bước vào một cuộc cạnh tranh còn quyết liệt hơn nữa?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đúng như vậy. Nhìn lại thời kỳ trước Đổi mới, chúng ta thấy một nền kinh tế khép kín, biệt lập, không hội nhập nên không phát triển được. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách đổi mới, hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế đất nước. Nhưng hội nhập thì phải cạnh tranh. Khi ký các Hiệp định thương mại với tiêu chí cao hơn thì phải chấp nhận cạnh tranh ở một trình độ cao hơn. So với 30 năm đổi mới vừa qua, ngày nay, với sức mạnh của đất nước, kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước và với đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng đã trưởng thành hơn qua nhiều năm đổi mới, tôi tin chắc công cuộc hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới sẽ giành được thắng lợi.

Chúng ta phải đứng trên đôi chân của chính mình

-Cơ hội thường đến và qua đi rất nhanh; nếu muốn nắm bắt được cơ hội thì chúng ta phải có được một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp và hành động nhanh chóng. Theo Chủ tịch nước, chúng ta phải làm gì để có được một bộ máy đáp ứng được yêu cầu này?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Khi hội nhập, ngoài các doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp đi vào cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt, thì còn có bộ máy nhà nước ở các cấp; bộ phận này có vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi phải tương xứng, đáp ứng được yêu cầu mới. Năng lực, phẩm chất và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ công chức phải khác nhiều so với trước, ta phải phấn đấu nâng lên cho bằng được. Mối tương tác giữa hai chủ thể, giữa bộ máy nhà nước các cấp với đội ngũ doanh nhân hết sức quan trọng. Điều lo nhất hiện nay là sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế nước ta còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Với những tiêu chí hội nhập mới, thách thức còn lớn hơn. Cần phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn. Thời gian qua, đổi mới thể chế kinh tế chúng ta làm tương đối tốt. Khâu đào tạo nguồn nhân lực cũng có kết quả, nhưng so với yêu cầu còn có nhiều mặt hạn chế. Tới đây, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng cho kỳ được yêu cầu của thời kỳ tự do hóa thương mại và hội nhập sâu rộng của đất nước với tiêu chí và trình độ cao hơn so với lâu nay.

-Thưa Chủ tịch nước, trong 5 năm tới, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển có nhiều khó khăn, cả nguồn vốn bên ngoài lẫn nguồn vốn trong nước. Vậy trong 5 năm tới, chúng ta phải làm gì để huy động các nguồn lực đáp ứng được nhu cầu phát triển?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Lâu nay, chúng ta xác định rất rõ, để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập cần có một sự kết hợp chặt chẽ giữa nguồn lực trong nước và ngoài nước, trong đó không được quên rằng nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực bên ngoài là hết sức quan trọng. Hội nhập nhưng phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phải đứng trên đôi chân của chính mình. Có một thực tế là thời gian gần đây, nguồn lực bên ngoài tăng nhanh trong khi bên trong tăng chậm. Nhưng điều này không phải do không có nguồn lực trong nước. Tôi cho rằng nguồn lực trong nước còn rất lớn, phải tiếp tục giải phóng nguồn lực này. Chẳng hạn như Quốc hội mới đây đưa vào nội dung luật yêu cầu các ngành, các cấp không được cản trở tự do kinh doanh, giảm thiểu tối đa lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Các nước đi trước trở thành các nước công nghiệp phát triển cũng dựa vào nguồn lực trong nước là chính. Có đi vay bên ngoài cũng là để bổ sung, khơi dòng, khai thác nguồn lực bên trong. Khả năng thu hút nguồn lực bên ngoài cũng còn rất lớn. Tôi cho rằng thời gian sắp tới nguồn ODA, FDI có thể vẫn tăng, nhưng không được ỷ lại vào đó. Chúng ta cũng biết rằng sau cột mốc 2017-2018, lãi suất ODA sẽ khác hoàn toàn so với thời gian 30 năm qua, bởi nước ta đã được xếp vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình, phải chấp nhận lãi suất cao. Vay thì cần, nhưng trả không đơn giản; một đất nước rơi vào tình thế vay nợ mà đến thời gian trả nợ không được là mất uy tín và ảnh hưởng rất tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cũng rất lớn, tuy nhiên cần có chọn lọc và đầu tư nước ngoài phải tạo được sự lan tỏa và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta.

Nguồn lực nào thì cũng phải đề phòng tham nhũng, lãng phí

-Một trong những điều chỉnh căn bản để thích ứng với những thay đổi về nguồn lực, phải chăng là chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, thưa Chủ tịch nước?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đúng thế. Cùng với yêu cầu huy động các nguồn lực, thì chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm phải là chủ trương và hành động nhất quán của tất cả các ngành, các cấp. Nguồn lực nào thì cũng phải phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm chất lượng công trình, làm hư hỏng cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Chúng ta day dứt trăn trở trước thực trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn tồn tại và phải cương quyết phấn đấu để nước ta không nằm trong danh sách những nước có thực trạng tham nhũng cao trên thế giới. Nguồn lực nào cũng phải quan tâm đến quản lý chặt chẽ, sử dụng một cách có hiệu quả, trong đó có việc phải chống tham nhũng, lãng phí một cách quyết liệt. Phải cố gắng khắc phục cho bằng được yếu kém này.

-Thưa Chủ tịch nước, liên quan đến tình trạng tham nhũng lãng phí thì vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất trong bộ máy. Chúng ta đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh công tác phòng chống suy thoái, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong những giai đoạn phát triển mới?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trước tình hình sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng và trong bộ máy nhà nước, Đảng đã có rất nhiều biện pháp đấu tranh, mà thể hiện tập trung nhất là các biện pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Đây là một Nghị quyết được sự hưởng ứng và đánh giá cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đặt kì vọng lớn vào thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là phải ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái, tiêu cực này. Để cái “bộ phận không nhỏ” đó không còn thì tất cả các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và toàn dân phải kiên quyết thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống suy thoái, tiêu cực mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra một cách đồng bộ và liên tục. Tôi tin chắc rằng, dù có khó đến mấy đi nữa, nhưng toàn Đảng, toàn dân quyết tâm cao, liên tục bền bỉ thực hiện thì nhất định sẽ giành thắng lợi.

-Thưa Chủ tịch nước, với vai trò của Đảng cầm quyền, Đảng lựa chọn cán bộ cho bộ máy nhà nước, nhưng khi nảy sinh vấn đề, ai sẽ chịu trách nhiệm: Cá nhân hay tập thể?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi cũng trả lời một cách rất thẳng thắn thế này: Cả hai, cả tập thể và cá nhân có liên quan đều phải chịu trách nhiệm. Nhưng hiện nay, ở các cấp, các ngành, trách nhiệm tập thể nhìn chung là rõ, còn trách nhiệm cá nhân chưa rõ. Không chỉ trong công tác cán bộ mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Bên cạnh những thành tựu lớn của đất nước thì trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công tác cán bộ, cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, thiếu sót. Nhưng trách nhiệm cá nhân thì không rõ, tạo ra bức xúc trong xã hội và ngay trên diễn đàn Quốc hội. Bây giờ nghị quyết của Đảng nhiều rồi, luật lệ của nhà nước cũng nhiều, hệ thống thể chế của Việt Nam so với 30 năm trước đây đã được hoàn thiện hơn nhiều. Hạn chế hiện nay là cả trong chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, những quy định về trách nhiệm cá nhân còn chưa đầy đủ. Chính từ đó cho nên có chuyện gì xảy ra, ưu điểm thì dễ tìm còn khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân tìm vô cùng khó. Còn có cả nguyên nhân là các cơ quan quản lý cán bộ không đánh giá đúng cán bộ, nể nang, né tránh. Phải sửa điều đó và thực hiện nghiêm túc các quy định khi đã ban hành.

Đất nước phát triển sẽ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ

-Thưa Chủ tịch nước, đất nước đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; xin Chủ tịch nước cho biết yếu tố nào sẽ giúp chúng ta vượt qua được những thách thức này?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Từ thuở đất nước chúng ta có vài triệu người cho đến bây giờ trên 90 triệu, trong suốt chiều dài lịch sử đó, cả dân tộc ta đã đồng lòng chung sức, đoàn kết thành một khối vững chắc nên không một kẻ thù nào có thể đánh bại chúng ta được. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nội lực của đất nước là nguồn sức mạnh vô địch để chúng ta bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; bạn bè chúng ta ngày càng đông, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam ngày càng nhiều. Đây là sức mạnh to lớn để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp tục thực hiện đường lối này, thêm bạn bớt thù, khép lại quá khứ hướng về tương lai thì chắc chắn sự ủng hộ của thế giới dành cho Việt Nam sẽ ngày càng tăng; đồng thời, đất nước chúng ta ngày càng phát triển vững chắc và ổn định, nội lực của đất nước được tăng cường, thì chúng ta ngày càng có sức mạnh để vượt qua mọi thách thức và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

-Chủ tịch nước có thể nói rõ hơn vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trong bối cảnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam vẫn ổn định và phát triển, vẫn là điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư, thì đây là kết quả của 30 năm đổi mới. Nói rộng hơn thì đó là thành quả cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ đường lối đúng đắn, đặc biệt là khi chúng ta có đường lối đổi mới thì nguồn lực trong nước được phát huy, cộng với huy động nguồn lực bên ngoài làm cho nền kinh tế chúng ta phát triển, chính trị xã hội ổn định. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, được thế giới đánh giá cao. Tại hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc trong năm qua, tôi đi dự họp cũng gặp nhiều đại biểu có chung đánh giá như vậy. Thành tựu phát triển của đất nước và đường lối đối ngoại đúng đắn, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tham gia có trách nhiệm vào những vấn đề của khu vực và thế giới đã nâng cao vai trò, vị trí, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

-Thưa Chủ tịch nước, trước thềm năm mới, Chủ tịch có thông điệp cũng như là chia sẻ gì với nhân dân cả nước?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Năm mới 2016 là năm bản lề giữa hai nhiệm kì Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ, năm chuyển tiếp giữa hai kế hoạch 5 năm 2011-2015 và 2016-2020. Trong năm 2016 và 5 năm tới, thuận lợi nhiều mặt tăng lên, nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Trong bối cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu cao hơn, mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và có sức chiến đấu cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tương xứng với thời kỳ hội nhập sâu rộng và tiêu chí cao, tiếp tục nâng cao đời sống và quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, phải tập trung nâng cao được hiệu quả sử dụng các nguồn lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế; đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước… như được thể hiện trong các Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Nhân dịp Xuân về, tôi xin chúc toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, mang hết trí tuệ, sức lực, khả năng của mình để góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trong giai đoạn mới.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!