Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2013

08:46 01/02/2013     1786

Xây dựng Đoàn   Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực; chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; quy định mới về đào tạo liên thông; chỉ thành lập Phòng công chứng nếu không phát triển được Văn phòng công chứng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2013.

a
ảnh minh họa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực

Có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể như tiếp tục mở rộng và tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là về các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; hoàn thiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng thực chất hơn giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu từ phía các đối tượng bị tác động trực tiếp; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng để xác minh, làm rõ; sửa đổi các quy định có liên quan đến Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Ở Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.

Chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2015, thay thế các Quyết định 32/2007/QĐ-TTg126/2008/QĐ-TTg.

Đối tượng được vay vốn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sống ở các xã (phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành; có phương án sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.

Các hộ đủ điều kiện có thể vay vốn một hoặc nhiều lần với tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ mà không phải dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Như vậy, tổng mức vay theo quy định mới sẽ tăng hơn 3 triệu đồng/hộ so với mức quy định tại Quyết định 32/2007/QĐ-TTg (5 triệu đồng/hộ).

Lãi suất cho vay bằng 0,1%/tháng, tương ứng với 1,2%/năm.

Thời hạn cho vay được căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay nhưng tối đa không quá 5 năm.

Niêm yết công khai quyết định giải thể doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, trong đó bổ sung quy định phải niêm yết công khai quyết định giải thể doanh nghiệp.

Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp theo quy định, doanh nghiệp phải sao gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải niêm yết công khai quyết định giải thể doanh nghiệp tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp và đăng ký quyết định này trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Hỗ trợ tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 8 triệu đồng/xã/năm

Theo chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt, hỗ trợ tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã nghèo; thôn, bản đặc biệt khó khăn là 8 triệu đồng/xã/năm; 3 triệu đồng/thôn, bản/năm.

Hỗ trợ 6 triệu đồng/xã/năm; 2 triệu đồng/thôn, bản/năm để thành lập, củng cố và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo; thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Việc biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật và các tài liệu pháp luật khác; thu và sao băng cát-xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số được hỗ trợ 2 triệu đồng/xã/năm; 500 nghìn đồng/thôn, bản/năm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ 3 triệu đồng/xã/lần (2 lần/8 năm); 1 triệu đồng/thôn, bản/lần (2 lần/8 năm) để đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Ủy ban nhân dân, Trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cung cấp Báo Pháp luật Việt Nam cho Ủy ban nhân dân và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý các xã nghèo theo giá phát hành của Báo Pháp luật Việt Nam.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2013.

Chỉ thành lập Phòng công chứng nếu không phát triển được Văn phòng công chứng

Nghị định 04/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng vừa được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/2/2013.

Theo Nghị định, việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng phải tuân theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khuyến khích thành lập các Văn phòng công chứng. Chỉ thành lập Phòng công chứng trong trường hợp không phát triển được Văn phòng công chứng. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc thành lập và phát triển các Văn phòng công chứng ở những địa bàn khó khăn.

UBND cấp tỉnh xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên cơ sở bảo đảm sự công khai, minh bạch, phù hợp với quy hoạch, khuyến khích phát triển các Văn phòng công chứng có nhiều công chứng viên, có cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động và đội ngũ công chứng viên, nhân viên lành nghề.

Mức thu phí công chứng được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng trong phạm vi toàn quốc.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng phí công chứng.

Quy định thanh tra về tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BNV quy định quy trình, nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, hiệu lực từ ngày 1/2/2013.

Theo đó, khi thanh tra việc tuyển dụng công chức, sẽ tiến hành thanh tra từ việc thông báo thi tuyển, xét tuyển công chức; tiếp nhận hồ sơ dự thi, hồ sơ xét tuyển; việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển.

Nội dung thanh tra tuyển dụng công chức gồm cả về việc tổ chức thi và chấm thi tuyển, xét tuyển công chức; thời hạn nhận việc và xếp lương, chế độ tập sự...

Theo Thông tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ có thẩm quyền ký quyết định thanh tra và chỉ đạo ban hành quyết định thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trong thời hạn quy định của pháp luật.

Quy trình thanh tra bao gồm 3 bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành và kết thúc thanh tra. Trong đó, trước khi đưa ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra để quyết định việc khảo sát, nắm tình hình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra; sau đó, căn cứ báo cáo kết quả khảo sát, nắm tình hình (nếu có) và chương trình kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt để quyết định thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra trong thời gian chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra; có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết quả thanh tra.

Miễn tiền thuê đất xây bãi đỗ xe của DN vận tải hành khách công cộng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 55/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 62/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

Theo Quyết định 62/2009/QĐ-TTg, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã được Nhà nước cho thuê đất để kinh doanh vận tải hành khách công cộng tại các quận, thành phố, thị xã thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất đối với diện tích để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng) phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Tại Quyết định 55/2012/QĐ-TTg bổ sung quy định: Riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, việc miễn tiền thuê đất theo quy định nêu trên được áp dụng đối với mọi địa bàn mà không bị giới hạn trong phạm vi tại các quận, thành phố, thị xã thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyết định cũng nêu rõ, đối với diện tích đất không sử dụng vào mục đích nêu trên (nếu có) phải nộp tiền thuê theo quy định hiện hành.

Khai báo y tế tại các cửa khẩu để phòng bệnh truyền nhiễm

Bộ Y tế ban hành Thông tư 32/2012/TT-BYT quy định về khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam.

Theo đó, việc công bố thời điểm bắt đầu áp dụng hoặc chấm dứt việc khai báo y tế tại các cửa khẩu phải dựa trên một hoặc toàn bộ các điều kiện như: Quyết định công bố/chấm dứt dịch bệnh truyền nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Văn bản thông báo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra (hoặc đã được loại trừ) ở nước ngoài hoặc yếu tố  nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế ban hành.

Việc áp dụng hạn chế khai báo y tế áp dụng trong trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vẫn đang xảy ra nhưng đã được khống chế về phạm vi hoặc đối tượng. Việc công bố thời điểm áp dụng hạn chế khai báo y tế phải dựa vào văn bản thông báo dịch bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng đã được khống chế do Bộ Y tế ban hành.

Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam sẽ nhận tờ khai y tế trên tàu bay, tàu thuyền, đại lý hàng hải, công ty du lịch hoặc nhân viên hướng dẫn du lịch ở trong nước và nước ngoài; tại khu vực dành cho khai báo y tế ở các cửa khẩu Việt Nam; tại các cửa khẩu nước xuất cảnh hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam theo địa chỉ www.ytdp.cimsi.org.vn, vào mục Kiểm dịch y tế biên giới để lấy tờ khai y tế.

Quy định mới về đào tạo liên thông

Theo Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 7/2/2013, đối với tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển.

Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm.

Còn đối với tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi 3 môn: Một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển.

Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học hình thức vừa làm vừa học.