Bản đồ tình nguyện

11:28 26/08/2012     2739

Xây dựng Đoàn   Tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” trong các hoạt động thiện nguyện của trường khiến Phạm Tấn Phúc trăn trở từ nhiều năm nay. Điều đó đã nhen nhóm cho cậu sinh viên trẻ Trường ĐH Bách Khoa này ý tưởng về một trang thông tin các mái ấm, nhà mở tại TPHCM.
Nhóm chiến sĩ CLB Công nghệ và ý tưởng đi khảo sát cho “bản đồ tình nguyện”, kết hợp dạy học ở chùa Diên Thọ (Q.12, TP.HCM
Nhóm chiến sĩ CLB Công nghệ và ý tưởng đi khảo sát cho “bản đồ tình nguyện”, kết hợp dạy học ở chùa Diên Thọ (Q.12, TP.HCM. Nguồn TTO
Sau hai năm gắn bó, Phạm Tấn Phúc sớm nhận ra nhiều bất cập trong các hoạt động công tác xã hội của trường. Trước hết đó là tình trạng nhiều mái ấm, nhà mở vô danh không nhận được sự quan tâm hỗ trợ. So với các trung tâm được nhà nước và xã hội chăm lo nhiều thì những trung tâm này chịu thiệt thòi rất nhiều. Điều “bất công” đó thôi thúc cậu sinh viên trẻ phải làm gì cho những nơi này được biết đến nhiều hơn. Mặt khác, dù có hàng trăm mái ấm, nhà mở trên địa bàn TPHCM nhưng thông tin về chúng lại không đầy đủ. Thiếu thông tin nên các đội công tác xã hội không thể mở rộng phạm vi hoạt động. Có những chuyến đi không đạt hiệu quả, vừa không phục vụ được cho nhu cầu lại vừa lãng phí công sức cả nhóm. Điều này khiến Phúc vô cùng trăn trở. Một hệ thống với đầy đủ các thông tin, địa chỉ, tình trạng của các mái ấm và nhà mở tại TPHCM dần được phác họa ra trong đầu cậu.

Trang web bandotinhnguyen.co.cc mà Phúc cùng các bạn xây dựng là kết tinh của hai năm khảo sát và thu thập thông tin. Công trình này xuất phát từ ý tưởng “Bản đồ tình nguyện và hệ thống hóa công tác xã hội” mà Phúc đã đoạt giải ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TPHCM năm 2010. Đầu chiến dịch Mùa hè xanh này, Phúc quyết định “hệ thống hóa” lại toàn bộ thông tin mà nhóm khảo sát thu thập được vào trang web trên.

Điểm đặc biệt mà trang web bandotinhnguyen.co.cc đem lại chính là thông tin về cơ sở vật chất và nhu cầu của các mái ấm, nhà mở. Đây là mục mà Phúc cùng nhóm khảo sát “chăm chút” kỹ lưỡng nhất. Nó giúp cho các nhóm, các tổ chức hoạt động thiện nguyện thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm những nơi phù hợp với khả năng của mình.

Hai năm khảo sát trên 24 địa bàn quận huyện TPHCM, nhóm hoạt động của Phúc nắm được thông tin của hơn 60 mái ấm, nhà mở. Địa bàn rộng, nhân lực ít nhưng nhóm hoạt động với quyết tâm rất cao để có được thông tin chính xác nhất. Một mặt, các bạn lấy thông tin từ các cơ quan, chính quyền địa phương hay từ người phụ trách các mái ấm, nhà mở, một mặt khảo sát, lấy ý kiến trực tiếp từ người dân xung quanh để tổng hợp dữ liệu.

Phúc quyết định đem Bản đồ tình nguyện tham dự cuộc thi Diễn đàn khởi nghiệp với mong muốn góp sức cho các hoạt động thiện nguyện. Từ đây, Phúc ấp ủ dự định phát triển một cộng đồng tình nguyện trong tương lai. Cộng đồng này sẽ tập trung nhiều bạn đam mê công tác xã hội, hoạt động dưới một đường lối chung sao cho thật hiệu quả để phục vụ cộng đồng một cách lâu dài.