Anh là nguồn sáng mãi mãi không mờ trong nhân dân

15:59 07/10/2013     2333

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN - Ðồng chí Võ Nguyên Giáp, mà quân đội ta thường gọi với một cái tên trìu mến, kính trọng "Anh Văn", sinh vào mùa thu năm 1911.
Một sự trùng hợp lịch sử, khi anh Văn ở tuổi 34, đất nước ta, dân tộc ta diễn ra một sự kiện vang dội, đó là cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945. Anh là một trong lớp cán bộ đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Bác Hồ, phát động toàn dân đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đồng bào Điện Biên nhân  kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đồng bào Điện Biên nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: TTXVN)


Ðồng chí Võ Nguyên Giáp đã qua nhiều cương vị trong Chính phủ cách mạng lâm thời, đặc biệt khi được giao làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ đầy hy sinh, nhân dân ta đã giành được thắng lợi hết sức vĩ đại, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thắng lợi vẻ vang ấy là kết tinh sức mạnh của quân và dân ta, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta, cùng trí tuệ của một tập thể cán bộ tài năng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng và Bác Hồ, trong lớp cán bộ lãnh đạo ấy, có đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Ðồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò gần gũi, xuất sắc của Bác Hồ. Trước, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chín năm, đồng chí Võ Nguyên Giáp được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, được Bác Hồ giáo dục, rèn luyện. Ðồng chí coi đây là một dịp hiếm có trong cuộc đời của mình, nên đã nỗ lực phấn đấu học tập ý chí, tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, luôn luôn tu dưỡng rèn luyện, nói và làm theo gương Bác Hồ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp rất coi trọng tổng kết thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống. Và qua đó, đồng chí càng hiểu sâu hơn tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Sau này, khi Ðảng ta xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp càng tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và có những công trình rất giá trị.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quân sự mà đồng chí phụ trách trong nhiều năm, là mạch xuyên suốt chủ đạo trong quá trình hoạt động cách mạng của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ðại tướng vẫn luôn nhắc nhở chúng ta điều có ý nghĩa quyết định trong việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là phải làm theo và làm đúng tư tưởng của Người.

Vốn giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, lại được Ðảng, Bác Hồ đào tạo, giáo dục, cùng với sự kiên trì học tập, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu và tài trí thông minh, sáng tạo, có thể nói, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn. Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào, hỗ trợ cho nhau, đều hay, đều giỏi: quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa; văn hóa - chính trị - kinh tế - quân sự.

Một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, để chiến thắng những tên đế quốc, thực dân giàu về kinh tế, mạnh về quân sự, tiên tiến về khoa học - kỹ thuật, thì điều có ý nghĩa quyết định là Ðảng ta phải đề ra một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, hợp quy luật, huy động sức mạnh, trí tuệ của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống kẻ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân. Học thuyết đó kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm của ông cha ta: lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo; lấy nhỏ thắng lớn; lấy ít địch nhiều. Học thuyết đó được xây dựng trên nền văn hóa độc đáo Việt Nam: độc lập tự chủ mà hạt nhân là tinh thần yêu nước nồng nàn, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng với trí thông minh, tài thao lược của cả dân tộc.

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên không năm 1972, nhà sử học Pháp Pi-e-ri-ca-phê-ray đã nói: "Những tên lửa SAM được sử dụng bởi lý tưởng trong sáng, bởi nền văn hóa Việt Nam, bởi tư chất Việt Nam". Tháng 11-1995, trả lời câu hỏi luôn luôn ám ảnh không dứt và không trả lời được là: "Vì sao Mỹ thua ở Việt Nam?" của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác Na-ma-ra. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng: "Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu Việt Nam: lịch sử - địa lý - văn hóa - phong tục - con người, dân tộc nói chung, những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi có một nền văn hóa bền vững, một học thuyết quân sự độc đáo được thử thách trong lịch sử. Vì vậy, chúng tôi đã thắng". Nghe xong, Mác Na-ma-ra thốt lên: "Ngài nói đúng".

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học; luôn gắn lý luận với thực tiễn. Ðồng chí rất coi trọng quá trình tổng kết lịch sử, nhất là những bước ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn để rút ra những bài học bổ ích cho lãnh đạo và cho chính bản thân mình. Với những lĩnh vực này, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một người có kiến thức rộng và rất quan tâm với một tư duy mới.

Về công cuộc đổi mới của đất nước, với trách nhiệm cao và nhiệt tâm của một người cách mạng lão thành đối với sự phát triển của đất nước, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp những ý kiến rất quan trọng cho Ðảng và Nhà nước.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp luôn khẳng định công cuộc đổi mới của nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Nước Việt Nam ta từ một nước thiếu ăn đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Nhưng chúng ta phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ yếu kém, nhược điểm tránh cho được bệnh "chủ quan, kiêu ngạo cộng sản", nhìn rõ mâu thuẫn, thực tế của đất nước, của thế giới để có quyết sách đột phá phù hợp với quy luật, đưa đất nước phát triển tiến lên, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.

Trong xây dựng kinh tế, lực lượng sản xuất của ta còn ở trình độ thấp; khoa học công nghệ của ta còn kém, lạc hậu, để đưa kinh tế nước ta phát triển, dân ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh: phải ưu tiên phát triển trình độ lực lượng sản xuất, đương nhiên phải xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; phải lấy giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nội dung và động lực của công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải phát huy cao độ tài năng, trí tuệ, tiềm lực của toàn dân, của mọi tầng lớp nhân dân, của các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, phát huy cao nhất nội lực của đất nước, chủ yếu là yếu tố con người Việt Nam, trên cơ sở đó mà chủ động hội nhập khu vực và quốc tế. Chỉ có như vậy, mới giữ được độc lập dân tộc, vị trí của Việt Nam mới được nâng cao trên trường quốc tế.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Về xây dựng Ðảng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh, phải xây dựng Ðảng ta trong sạch, vững mạnh; giữ vững nguyên tắc Ðảng, sử dụng hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình; đoàn kết, thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Ðảng; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí... xóa bỏ tệ nạn xã hội để Ðảng ta xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, mà xây dựng, củng cố Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân; mỗi cán bộ, công chức nhà nước phải là công bộc của dân như Bác Hồ đã từng căn dặn.

Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cả cuộc đời Ðại tướng Võ Nguyên Giáp chiến đấu vì sự nghiệp của dân tộc, của Ðảng nên Ðại tướng luôn nhắn nhủ toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân nhận thức sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ đất nước, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, quốc phòng với an ninh; phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, quốc phòng toàn dân là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc nhở chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Khắc phục tư tưởng chủ quan, bảo thủ, giáo điều, máy móc.

Phải có giải pháp, biện pháp cụ thể, tích cực để thực hiện bằng được đường lối, chủ trương, quyết sách của Ðảng và Nhà nước đề ra.

Nhân dân ta đánh giá cao công lao của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi xứng đáng là "Anh cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bạn bè thế giới, các nhà chính khách, học giả, các nhà quân sự khâm phục, kính trọng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và coi Ðại tướng là một danh tướng tài ba thao lược,...

Ðại tướng là nguồn sáng mãi mãi không mờ trong nhân dân, quân đội và những người cộng sản Việt Nam.

-------------

* Theo Lê Khả Phiêu Tuyển tập 1999 - 2010, Tập 2 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H.2010

LÊ KHẢ PHIÊU (Nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng)
Theo Nhân Dân