3 địa phương đi đầu trong thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” tại miền Bắc
19:10 24/03/2012 4608
Xây dựng Đoàn Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đi đầu trong việc triển khai thí điểm xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” ở miền Bắc là 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nam Định và Thái Bình.
PV: Việc thực hiện "cánh đồng mẫu lớn" tại các tỉnh Nam Bộ đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Ông có thể cho biết những hiệu quả thiết thực của "cánh đồng mẫu lớn" đã được hiện thực hóa?
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt |
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Tháng 3/2011, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa tại các tỉnh Nam Bộ. Chủ trương này đã được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân hưởng ứng tích cực, bước đầu thu được kết quả quan trọng. Vụ hè thu 2011 tại 13 tỉnh diện tích “cánh đồng mẫu lớn” đạt 7.803 ha, 6.400 hộ nông dân tham gia; vụ Đông Xuân 2012 có 20 tỉnh tham gia, diện tích đạt gần 19 nghìn ha.
Qua quá trình triển khai, có thể thấy những hiệu quả thiết thực của “cánh đồng mẫu lớn” như: Nông dân được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và tiêu thụ sản phẩm theo đặt hàng về chủng loại, số lượng, chất lượng nên tránh được rủi ro biến động giá; được tư vấn kỹ thuật nông nghiệp.
Thông qua thực hiện các dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch, quản lý dịch hại và áp dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất nên giảm chi phí nhân công, giảm số lần phun thuốc, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Bên cạnh đó, giá bán cao hơn lúa thường, đồng thời nông dân giảm được chi phí phơi sấy, vận chuyển, lúa tươi được sấy đúng kỹ thuật đã giảm được thất thoát trong khâu sau thu hoạch nên sau khi trừ chi phí tập huấn, chứng nhận chất lượng... nông dân vẫn có lợi hơn sản xuất theo tập quán.
"Cánh đồng mẫu lớn" tại 1.700 ha lúa mùa 2012 ở 3 tỉnh
PV: Từ những kết quả triển khai ở miền Nam, năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương đưa "cánh đồng mẫu lớn" ra miền Bắc. Xin ông cho biết việc thí điểm xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" ở miền Bắc sẽ được triển khai tại những địa phương nào, với diện tích bao nhiêu?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Để triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công văn số 354/BNN-TT ngày 17/2/2012 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc về việc xây dựng kế hoạch thí điểm cánh đồng mẫu lớn tại địa phương.
Đi đầu trong việc triển khai thí điểm xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” ở miền Bắc là 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nam Định và Thái Bình.
Tại Thanh Hóa, tổng diện tích triển khai thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” vụ Đông xuân 2011 - 2012 khoảng 300ha, tập trung tại huyện Yên Định. Tại Thái Bình, tổng diện tích triển khai khoảng 240ha và tại Nam Định tổng diện tích triển khai khoảng 490 ha.
Kế hoạch triển khai “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa vụ mùa 2012 của Thanh Hóa khoảng 700 ha; Nam Định khoảng 600 ha và Thái Bình khoảng 400 ha.
Có thuận lợi và cả khó khăn khi triển khai
PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn của miền Bắc khi thực hiện "cánh đồng mẫu lớn"?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Thuận lợi của miền Bắc khi thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” phải kể đến là việc xây dựng mô hình nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được phát động vào thời điểm sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi phải được tổ chức và sắp xếp phù hợp với phương thức sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường và gia tăng thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất.
Thăm quan mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" - Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại các tỉnh phía Bắc được kế thừa nhiều kinh nghiệm về tổ chức và triển khai tại các tỉnh phía Nam nên việc nhận thức và tổ chức thực hiện sẽ được tiếp cận nhanh.
Nông dân đã tham gia nhiều chương trình, mô hình và sẵn sàng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Việc tham gia vào mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là một hình thức mới vừa thực tiễn vừa khoa học, vừa mang yếu tố cộng đồng vừa cụ thể về các lợi ích kinh tế.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đã có bước đổi mới trong nhiều năm qua, tương đối hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành phương thức sản xuất lúa theo hướng hiện đại hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”.
Một số Ban chủ nhiệm hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có kỹ năng điều hành tốt, có năng lực hoạt động và tham gia thương thảo ký kết hợp đồng.
Bên cạnh những thuận lợi trên, khi triển khai “cánh đồng mẫu lớn” ở miền Bắc cũng gặp những khó khăn như phần lớn các hộ nông dân trồng lúa ở các tỉnh phía Bắc có diện tích trồng lúa nhỏ, diện tích manh mún, sản xuất lúa theo hướng tự cung, tự cấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa có hướng sản xuất lúa hàng hóa theo quy mô lớn.
Nông dân chưa tiếp cận nhiều với quy trình sản xuất lúa theo VietGAP, trình độ nông dân không đồng đều nên việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật bị hạn chế, nhận thức về sản xuất cây trồng an toàn chưa được nâng cao; việc ghi chép nhật ký sản xuất là một yêu cầu quan trọng nhưng chưa được nông dân quan tâm đúng mức.
Ở phía Bắc, sản xuất lúa thường theo tập quán, thị hiếu của người tiêu dùng nên khả năng đáp ứng được thị trường xuất khẩu gạo lớn là khó khăn hơn. Chưa kể sản xuất lúa có hiệu quả thấp nên các lao động chính thường lên thành phố tham gia các hoạt động dịch vụ khác hiệu quả kinh tế cao hơn, nên công lao động thời vụ trong sản xuất lúa thường khan hiếm, giá thuê công lao động trở nên đắt đỏ.
Hơn nữa, doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ gạo tại các tỉnh phía Bắc chưa nhiều, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, ảnh hưởng tới chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất lúa gạo.
Mối liên kết 4 nhà chưa được chặt chẽ do còn thiếu doanh nghiệp tham gia việc tiêu thụ sản phẩm và thiếu cung cấp thông tin thị trường cho nông dân.
Ưu tiên áp dụng với cây lúa
PV: Việc thí điểm "cánh đồng mẫu lớn" sẽ áp dụng với tất cả các loại cây trồng hay tập trung ưu tiên vào những cây trồng nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Việc thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” áp dụng đối với tất cả các loại cây trồng. Tuy nhiên hiện nay, ưu tiên áp dụng đối với cây lúa, sau đó tiếp tục áp dụng đối với các loại cây trồng khác như: đậu tương, lạc, khoai tây…
PV: Xin ông cho biết cơ chế chính sách hiện nay để khuyến khích việc triển khai “cánh đồng mẫu lớn”?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Hiện nay, chưa có cơ chế chính sách riêng cho việc triển khai “cánh đồng mẫu lớn”.
Tuy nhiên, việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” được thực hiện trên cơ sở áp dụng các chính sách đã có của Trung ương và địa phương về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, nông thôn mới, chính sách VietGap, thông tin thị trường, đào tạo tập huấn...
Đồng thời, một số địa phương đã chủ động đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đạt kết quả tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tweet