Xây dựng Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên vững mạnh
14:28 25/02/2015 1207
3 Phong trào Trở thành huyện đảo của tỉnh Quảng Trị từ ngày 1-10-2004, đảo Cồn Cỏ ngày nay căng tràn nhựa sống với những công trình mới khang trang, vững vàng giữa trùng khơi. Để có được sự đổi thay ngoạn mục đó, trước hết phải nói đến sự đóng góp của lớp thanh niên tình nguyện ra đảo.
Năm 2002, 43 thanh niên xung phong đầu tiên của Tổng đội Thanh niên Xung phong tỉnh Quảng Trị đã tình nguyện ra Cồn Cỏ xây dựng đảo Thanh Niên. Họ đã vượt mọi khó khăn, gian khổ bám trụ giữa trùng khơi, vừa khai hoang trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi đảm bảo cuộc sống, vừa sát cánh với đơn vị bộ đội trên đảo xây dựng các công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng (KTQP). Trong số những cư dân dân sự đầu tiên đến định cư ở đảo Cồn Cỏ, có cô gái Nguyễn Thị Hạnh Nhân (Ban quản lý cảng cá Cồn Cỏ). Thời gian gắn bó với đảo cũng trở thành cơ hội để cô bén duyên với người lính đảo. Sau Hạnh Nhân, những cô gái tuổi ngoài đôi mươi như Phan Thị Thùy Trang, Hoàng Thị Thắm… cũng lần lượt ra đảo, gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Phan Thị Thùy Trang hiện là phóng viên Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Cồn Cỏ.
Vườn rau của chiến sỹ trên đảo Cồn Cỏ |
Theo ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho đến nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên. “Từ định hướng ban đầu, đến nay, nguồn nhân lực cho đảo Cồn Cỏ chủ yếu là thanh niên. Có thể nói, số đoàn viên thanh niên ra đợt đầu năm 2002 cho đến lứa thế hệ thanh niên sau này ra đảo đều phát huy tốt vai trò của lực lượng đi đầu, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trên đảo hoàn thành rất nhiều công việc. Bộ mặt của huyện đảo sau 10 năm thành lập đã có nhiều đổi thay”, ông Lanh chia sẻ.
Quả thật, có đến Cồn Cỏ hôm nay mới thấy sự đổi thay nhanh chóng của hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từ một hòn đảo bị bom đạn cày xới tan hoang, đến nay Cồn Cỏ đã hình thành những dãy nhà xây khang trang, nằm ven những con đường mới, có các công trình phục vụ KTQP và dân sinh. Theo ông Lê Quang Lanh, kể từ khi thành lập huyện đảo Cồn Cỏ năm 2004, thời gian 10 năm không được trọn vẹn như 10 năm trên đất liền nhưng đảo đã có bước đổi thay nhảy vọt. Trong 10 năm qua, tổng vốn đầu tư của Nhà nước trên 1000 tỷ đồng, đặc biệt các công trình thiết yếu phục vụ cho dân sinh, phục vụ cho quốc phòng an ninh và từng bước cho phát triển kinh tế. Ví dụ như âu cảng cá đã hoàn thành với tổng trị giá lên tới 350 tỷ đồng; hay đường bảo vệ quanh đảo dài 2,2km chống xói lở kết hợp quốc phòng-an ninh và phát triển du lịch cơ bản hoàn thành với vốn đầu tư 300 tỷ đồng; các hệ thống giao thông, nước, điện, trung tâm y tế, nhà văn hóa, trạm phát điện, nhà trẻ mẫu giáo, phát thanh-truyền hình, phòng truyền hình cũng đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, dân sinh, phát triển kinh tế-văn hóa. Đặc biệt, Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu rất quan trọng, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng rất chặt chẽ. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ dân sinh phát triển kinh tế, việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng để đảm bảo quốc phòng an ninh, kết hợp việc xây dựng các doanh trại quân đội với việc tăng cường vũ khí, công sự để đủ sức bảo vệ chủ quyền hàng hải trong giai đoạn mới.
Vườn rau của các chiến sĩ trên đảo.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Cồn Cỏ là việc áp dụng mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch”, hiện do ông Lê Quang Lanh đảm nhiệm. Mô hình này là chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mô hình đã giúp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
Theo ông Lanh, từ mô hình này, UBND huyện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và vai trò của Mặt trận. “Bí thư và Chủ tịch là hai trong một nhưng trách nhiệm vẫn rõ ràng. Đảng bộ hiện có hơn 100 đảng viên, chiếm 40% lực lượng lao động trên đảo. Do tỷ lệ đảng viên chiếm đa số nên chúng tôi xác định trách nhiệm của Đảng bộ là rất lớn trong việc lãnh đạo đảo phát triển kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng và phát triển văn hóa ở hải đảo xa đất liền. Mặt khác, chính quyền nhà nước quản lý trên một hải đảo và vùng biển rộng lớn nên có nhiều thử thách. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, việc điều hành, tổ chức thực hiện diễn ra rất suôn sẻ. Kết quả của việc phát triển kinh tế-xã hội đã cho thấy điều đó”, Bí thư Lê Quang Lanh chia sẻ. Ông Lanh cũng cho biết, năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện lần thứ II, là năm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Do đó, UBND huyện đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các mặt, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức.