Tình nguyện viên hè phố
08:20 08/12/2011 2664
Thanh niên tình nguyện Từ hè phố, nhiều người trẻ đã trở thành đồng đẳng viên, tình nguyện viên cho dự án N.A.M (*), để giúp đỡ bạn mình vượt qua những cạm bẫy nơi vỉa hè và phòng ngừa HIV/AIDS.
Ngoài thời gian đi làm, Vương Quốc Sang lại tìm đến giúp đỡ những người bạn cùng cảnh ngộ với mình ngày trước - Ảnh: PHI LONG |
Sau gần 10 năm sống lang thang khi góc phố, lúc ở xó chợ, Vương Quốc Sang (23 tuổi) được các tình nguyện viên của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) giúp đỡ trở về cuộc sống đời thường. Sang cưới vợ, vừa có con và đang làm nhân viên dán đề can cho một siêu thị điện máy tại Q.1 (TP.HCM). “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cuộc sống như ngày hôm nay, không lo thiếu ăn, không lo tối nay sẽ ngủ ở vỉa hè nào. Tôi nghĩ mình phải quay lại giúp đỡ những “chiến hữu” nơi vỉa hè để giúp các bạn trở lại cuộc sống bình thường”, Sang nói về quyết định trở thành đồng đẳng viên cho dự án N.A.M.
Trở lại hè phố
“Bạn ơi, bạn giúp đỡ mình được không, mình muốn đi cai (ma túy - PV)”. Đó là nội dung một tin nhắn Quốc Sang nhận được từ H. - “chiến hữu đường phố” - vào một ngày giữa năm 2011. Sang và H. có mấy năm ăn chung, ngủ cùng nay đây mai đó, nhưng sau này H. không may dính vào ma túy. Đây cũng là người bạn Sang cố công thuyết phục, tư vấn các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, quan hệ tình dục an toàn và cả chuyện kỹ năng sống nơi đường phố, nhưng đều nhận được từ H. sự lạnh nhạt kèm câu cửa miệng: “Bạn cũng từng như tôi, có hơn gì đâu mà bày đặt dạy đời”. Sang kể: “Đã nhiều lần thuyết phục nhưng H. đều từ chối. Và khi nhận được tin nhắn này tôi biết đây là thời điểm bạn đang rất cần mình”. Không chỉ riêng H., mỗi lần có người cần giúp đỡ, bất kể ngày đêm Sang lại chạy ngay đến, khi chỉ để nghe tâm sự, cũng có lúc chở bạn đi cấp cứu vì sốc ma túy.
Sau khi đưa H. đi làm các xét nghiệm cần thiết, Sang cùng với các tình nguyện viên khác đưa H. đến một trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện. H. không còn một đồng xu dính túi nên toàn bộ chi phí Sang đều tự bỏ tiền túi ra và vận động những người xung quanh mình. Nhưng vài tháng sau, trung tâm thông báo H. đã mất do ở giai đoạn cuối của HIV/AIDS. Sang bộc bạch: “Không ít trường hợp tôi đã giúp bạn quay lại với gia đình, có công việc ổn định, nhưng cũng có những người bạn đã mất khi tôi chưa kịp hoàn thành công việc của mình. Buồn cho những trường hợp kém may mắn hơn mình, nhưng cũng là động lực thôi thúc tôi phải làm nhiều hơn nữa. Tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc sau những ngày tháng không lối thoát nơi đường phố, và tôi muốn những bạn khác cũng được như mình”.
Với thu nhập hơn 4 triệu đồng hằng tháng, Sang dành phần lớn trang trải cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình. Nhưng khi cần, Sang sẵn sàng chia sẻ tiền bạc để giúp đỡ bạn bè tái hòa nhập cuộc sống. Và không ít lần đồng nghiệp thấy thời gian anh ở đường phố “làm chút chuyện cho bạn cũ” còn hơn cả thời gian ở chỗ làm.
Tình nguyện vì bạn
Anh Lê Quang Nguyên, quản lý dự án N.A.M của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, cho biết tất cả đồng đẳng viên, tình nguyện viên của dự án đều làm việc trên tinh thần tự nguyện với mong muốn giúp đỡ những người bạn hè phố của mình. Những đồng đẳng viên có lương tượng trưng khoảng 2 triệu đồng/tháng, trong khi các tình nguyện viên chỉ có tiền hỗ trợ theo từng công việc cụ thể. Anh Nguyên nói: “Tôi thật sự khâm phục các em biết nghĩ đến chuyện quay lại giúp đỡ bạn bè mình, nghĩ đến tương lai của bạn, trong khi chính bản thân mình cũng đang thiếu thốn, khó khăn. Bản thân các em đã nỗ lực rất nhiều để làm tấm gương cho bạn bè noi theo, chứ không đơn thuần là việc tư vấn, truyền đạt kiến thức mình học được”.
Chỉ có Sang đã có gia đình và công ăn việc làm ổn định, trong khi V. vẫn còn gắn với cuộc sống hè phố về đêm để kiếm sống. “Kể từ khi làm tình nguyện viên cho dự án, tôi mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình. Nếu trước kia tôi chỉ đi chơi thâu đêm, nhậu nhẹt bê tha thì giờ đây đã có thể giúp đỡ bạn bè cách phòng tránh lây nhiễm HIV bằng chính kiến thức mình học được” - V. chia sẻ.
N.T.P., 15 tuổi, ở Q.6, mới làm tình nguyện viên được ba tháng, nói đây là lần đầu tiên mình có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức phòng chống lây nhiễm HIV. P. nói: “Giúp bạn cũng là giúp chính bản thân mình. Cùng cảnh ngộ hè phố, tôi hiểu bạn mình muốn gì và tôi biết phải mang đến những gì bạn đang thiếu để không phải chết do thiếu hiểu biết”.
Tweet