Sẻ chia - không đợi giàu có
14:42 09/03/2015 1040
3 Phong trào Họ là những thợ hồ, thợ cắt tóc, giáo viên, công chức trẻ... tình nguyện san sẻ yêu thương với những trẻ em nghèo, người bất hạnh, bất chấp việc cơm áo vẫn trĩu nặng trên vai mình. Ở huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam) có một nhóm người như vậy. Họ gọi tên câu lạc bộ của mình là Kết nối yêu thương.
Thợ hồ làm tình nguyện
Nằm chót vót trên dãy Ngọc Linh cao hơn 2.000m, cách quốc lộ 1A gần 150km, cũng như những đứa trẻ vùng cao khác, trẻ em Xê Đăng chật vật với cái ăn cái mặc, chuyện học hành. Để theo cái chữ, nhiều em phải vượt gần một ngày đường mới đến trường học.
Những năm trước học sinh và phụ huynh cùng thầy cô đều phải dựng lều cho các em ở trọ. Sau này, nhiều trường bắt đầu có nhà bán trú dân nuôi để các em tá túc khi đến lớp.
Nằm chót vót trên dãy Ngọc Linh cao hơn 2.000m, cách quốc lộ 1A gần 150km, cũng như những đứa trẻ vùng cao khác, trẻ em Xê Đăng chật vật với cái ăn cái mặc, chuyện học hành. Để theo cái chữ, nhiều em phải vượt gần một ngày đường mới đến trường học.
Những năm trước học sinh và phụ huynh cùng thầy cô đều phải dựng lều cho các em ở trọ. Sau này, nhiều trường bắt đầu có nhà bán trú dân nuôi để các em tá túc khi đến lớp.
Câu lạc bộ Kết nối yêu thương của huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) chuyển vật liệu để đi xây dựng các công trình từ thiện cho trẻ em và người nghèo - Ảnh: Trần Vỹ |
Anh Nguyễn Trần Vỹ, công tác tại Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My, chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối yêu thương, chia sẻ dù những năm gầy đây Nhà nước có đầu tư nhà ở, gạo cho các em ăn nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất.
Nhiều gia đình khánh kiệt, nhiều trẻ em mồ côi cả cha mẹ, xem như tắc nghẽn con đường học hành. Vậy là câu lạc bộ lại tìm đến kết nối và chia sẻ mong sao các em đến được trường, có bạn, có thầy.
Em Đinh Thị Quyên - học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Vân - mồ côi mẹ, bố bệnh nặng, hai chị em ở trong căn nhà lá dột nát. Củ khoai mớ sắn qua ngày nhưng các em vẫn quyết bám trường.
“Chúng tôi quyết định “tìm một cái gì đó” cho em. Tôi gọi điện khắp nơi, qua Facebook cũng có. Rồi một người tốt bụng ở tận Bình Dương cho em 30 triệu đồng. Vậy là câu lạc bộ vào cuộc” - anh Vỹ kể.
Với 30 triệu đồng cho việc xây dựng một căn nhà ở lưng chừng núi, số tiền ấy chỉ vừa đủ công chuyển vật liệu. Anh Vỹ cùng câu lạc bộ của mình quyết định tự tay xây nhà cho Quyên.
Ngày chủ nhật, cán bộ Đoàn, công chức ở đây bắt đầu ra tay. Họ tự xẻ gỗ, gánh cát, gùi ximăng, tự tay xây nhà. Vất vả mấy tuần rồi căn nhà cũng hoàn thành.
Anh Vỹ hồ hởi khoe: “Câu lạc bộ mình vui lắm. Mấy anh thợ hồ nghèo rứa, nuôi vợ con cũng thiếu trước hụt sau nhưng nghe nói đi xây nhà tình nghĩa hay đi làm nhà cho học sinh là các anh cầm thước, cầm bay lên đường”.
Anh thợ hồ Trà Văn Tiến cho biết từ ngày vào câu lạc bộ anh không có một ngày nghỉ. Cả tuần đi xây nhà cho người khác, thứ bảy, chủ nhật anh lại khuân vác đồ nghề leo núi giúp dân.
“Thợ hồ ở đây không như TP, công việc ngày có ngày không, thu nhập cũng chẳng đủ nuôi con nhưng thấy gia đình nhiều em học sinh còn khó khăn hơn, thế là mình đi. Không có tiền thì có công sức, miễn giúp ích cho đời bằng sức lực của mình là vui rồi” - anh Tiến tâm sự.
Cha nuôi của học trò nghèo
Anh Trần Văn Lâm, chủ tịch Hội đồng Đội - Huyện đoàn Nam Trà My, cho biết lúc đầu câu lạc bộ chỉ hơn 10 người nhưng nay đã có 38 thành viên với đủ thành phần.
Họ làm những ngành nghề khác nhau nhưng chung một lòng thiện nguyện. Ai công chức mỗi tháng đóng góp 100.000 đồng, ai làm thợ hồ thì thôi, thợ cắt tóc mỗi tháng cũng góp 100.000 đồng tiền mặt.
“Những năm trước thấy nhiều đoàn từ thành phố đến cứu trợ, các anh chị không có thông tin nên chỗ đáng trao không trao, có những nơi trao rồi lại trao thêm. Mình ở đây kết nối và khảo sát giúp việc đó để việc chia sẻ đến tận nơi, đúng địa chỉ” - anh Lâm nói.
Để thêm cái ăn cho các học sinh nghèo, câu lạc bộ mua heo gửi nhà trường nuôi và hằng tháng đều có heo xẻ thịt, bổ sung vào phần thực đơn cho bọn nhỏ.
Câu lạc bộ còn tổ chức nuôi thêm gà, vịt... để hằng tháng trong chuyến công tác xa, các anh chị lại vai xách nách mang lên tận trường, tự tay làm thịt nấu cho các em một bữa cơm có thịt.
“Nhìn các em ăn mình vui rớt nước mắt. Các em ăn thịt, buổi tối các anh chị câu lạc bộ gom xương và chân gà, tối nướng ngồi uống chén rượu giao lưu mà cũng thấy ấm lòng” - anh Vỹ tâm sự.
Ngoài việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo, làm đường, xây trường, năm qua câu lạc bộ đã giúp đỡ nhiều học sinh mồ côi vào TP.HCM để học.
“Chúng tôi tìm những trường trong TP.HCM có nhiều hoạt động chăm sóc người trẻ mồ côi, khuyến khích các em thi vào để được học bổng. Chúng tôi còn tìm các mạnh thường quân giúp đỡ. Có lần chúng tôi tìm đến tận nhà bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó chủ tịch nước, nhờ bà giúp và may mắn nhiều học trò nghèo vùng núi này đã đổi thay” - anh Lâm kể.
Bây giờ các em được ăn học ở xa, tên phụ huynh học sinh là tên chủ nhiệm câu lạc bộ. Mỗi lần họp phụ huynh nhà trường nhắn tin vào điện thoại.
“Khi đó câu lạc bộ lại làm báo cáo gửi ban giám hiệu chứ làm sao vào TP.HCM đi họp cho các cháu được. May mà các em đều học khá và giỏi, chăm ngoan được nhà trường biểu dương. Anh em cũng đỡ lo phần nào” - anh Lâm nói.