Nghề “gieo chữ” không lương: Hạnh phúc từ sự sẻ chia

08:12 21/11/2011     2688

Thanh niên tình nguyện   Không quà cũng không hoa trong ngày nhà giáo, nhưng những tình nguyện viên tại CLB Tình nguyện trẻ hàng sáng thứ bảy hay chủ nhật, mang “con chữ” cho những trẻ em nghèo phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

Yêu thương những học trò bướng bỉnh

Đã hơn 13 năm miệt mài gia sư cho những trẻ em nghèo phường Phúc Xá, nhưng những tình nguyện viên nơi đây vẫn không thể quên được những khuôn mặt bướng bỉnh, đôi khi khó chịu của các em với những thầy cô “bất đắc dĩ” này.

Những “thầy cô” tình nguyện vẫn hăng say giảng bài trong ngày 20.11
Những “thầy cô” tình nguyện vẫn hăng say giảng bài trong ngày 20.11
Cô bé Phương Anh vui vẻ khoe tấm thiệp tự làm tặng thầy cô
Cô bé Phương Anh vui vẻ khoe tấm thiệp tự làm tặng thầy cô

Chúng tôi đến tổ 7, cụm 2 phường Phúc Xá vào một sáng chủ nhật cùng CLB Tình nguyện trẻ, những tình nguyện viên còn rất trẻ, nhiều em mới chỉ bắt đầu rời xa gia đình để đi học, nhưng lại có niềm đam mê giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Con đường dẫn vào nhà các em trong phường Phúc Xá khá vòng vèo và xa khu đô thị ồn ào náo nhiệt. Những bụi cây, rác rưởi rải đều từ ngõ vào trong những xóm trọ tiêu điều.

Được gia sư cho một cậu học trò 7 tuổi, bướng bỉnh và nghịch ngợm, N (sinh viên ĐH Điện Lực) đôi khi cũng tỏ ra bất lực trước sự phá phách của em. Tuy nhiên, thay vì dừng lại, Ngọc luôn cố gắng tạo ra môi trường thoải mái, thân thiện nhất giữa thầy và trò.

Khi được hỏi, N chia sẻ: “Hầu hết trẻ em tại nơi đây đều nghịch ngợm, bướng bỉnh, nhưng bản thân em không thấy nản, và lại càng mong muốn sẽ hướng dẫn các em tốt hơn để các em có một tương lai thật sự”.

Bố ly dị mẹ từ khi còn bé, những đêm tối em phải ra chợ Long Biên để mong người ta thuê mình khuân vác, kiếm chút tiền giúp mẹ và em trai “gắng gượng” qua ngày. Nhìn khuôn mặt Minh, tôi nghĩ em phải 13 hay 14 tuổi, nhưng em mới 9 tuổi.

Em bướng bỉnh nhất trong những học trò mà “thầy cô” tình nguyện biết đến, nhưng chính sự bướng bỉnh của em khiến họ càng đam mê và mong muốn giúp các em thoát nghèo nhiều hơn.

Ngọc (ĐH Lao động Xã hội) chia sẻ: “Các em không có được một gia đình trọn vẹn, sớm phải lao động kiếm tiền nên sự bướng bỉnh trong em là lẽ đương nhiên. Mình vừa thông cảm vừa thương các em và luôn mong các em có một cuộc sống đẩy đủ, hạnh phúc”.

Niềm vui không cần quà và hoa


Có lẽ, tại cái xóm nhỏ phường Phúc Xá này, ngày nhà giáo Việt Nam là ngày xa lạ và xa xỉ đối với các em nhỏ cũng như những gia đình nơi đây.

Hai thầy trò say mê học trong căn phòng thiếu ánh đèn
Hai thầy trò say mê học trong căn phòng thiếu ánh đèn

Khi được hỏi, các em có biết ngày nhà giáo không, sao không mua hoa tặng cô, các em nhoẻn miệng cười trong veo, chỉ gật đầu rồi lại chạy đi.

Vẫn như thường lệ, các “thầy cô” tình nguyện vẫn đến từng nhà và lần lượt phân công nhau dạy các em. Những ngôi nhà lụp xụp, thiếu ánh đèn, trầm lặng. Không một bông hoa hay một gói quà nhỏ, nụ cười vẫn nở trên môi, họ vẫn hăng say giảng bài và không một chút chạnh lòng.

Hằng (nhân viên trung tâm tiếng anh Linking World) đã “gia sư” cho các em được hơn một năm, khi được hỏi về ngày 20.11, bạn cho biết: “Món quà mình mong muốn nhất từ các em là sự cố gắng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để được học hành và có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Không chỉ riêng Hằng, hầu hết “thầy cô” tình nguyện đều có chung một nguyện vọng, mang “cái chữ” đến cho các em. Nhiều bạn cũng chia sẻ, tình nguyện không chỉ giúp họ trưởng thành hơn về cách nghĩ, lối sống mà quan trọng hơn đó là sự sẻ chia với những người khó khăn hơn mình.

Cô Lịch, một người dân nơi đây cho biết: “Nhờ có những CLB tình nguyện như Tình Nguyện Trẻ mà ba đứa con nhà cô ngoan và học tốt hơn hẳn, cô hy vọng CLB Tình Nguyện Trẻ sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa để mang “con chữ” đến cho những người có cuộc sống khó khăn hơn gia đình cô”.