Mùa hè xanh trên đảo Lý Sơn
09:22 10/08/2014 1859
3 Phong trào Đảo đang trong những ngày nắng gắt. Sức nóng dường như còn tăng lên với những hoạt động sôi nổi mỗi ngày của đội quân tình nguyện. Và khi những công trình ngày càng rõ hình hài, cũng là lúc mọi người cảm nhận được tình cảm của người dân và chiến sĩ, sự nối liền giữa đất liền và biển đảo.
Tình nguyện dưới cái nóng đổ lửa
Từ sáng sớm, nhóm sửa chữa điện đến nhà bà Nguyễn Thị Phu (72 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Hải) với nhiệm vụ thay mới toàn bộ hệ thống điện nhà. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ do huyện và gia đình cùng gom góp xây dựng từ 12 năm trước, dây điện cũ, mắc ngang dọc tứ tung.
Nhà được chia làm ba phần: nơi thờ cúng xung quanh chất đầy lá chuối khô để dành bán cho những người gói bánh ít nhưng mùa này chẳng ai đến lấy, đám lá vàng vọt và khô rang. Đằng sau nhà là nơi bà ngủ nghỉ với chỉ một chiếc giường nhỏ, bên cạnh chi chít cây củi, bao nilông, bên hông vỏn vẹn có căn bếp nhỏ.
Đi lại dây nguồn mồ hôi cả nhóm nhễ nhại, thay bảng điện mới: lưng áo ai cũng ướt sũng, đi lại đường dây cho đẹp và chỉn chu thì cả đội đã mồ hôi như tắm. Nhà cửa ở đây đều thấp nên càng nóng bức. Sau khi đã được các chiến sĩ lắp đặt một mạng điện mới trong nhà, bà Phu lại... nài nỉ: “Các cháu gỡ hết ra rồi lắp lại cái cũ cho bà, cái này mới quá bà không biết xài”.
Mùa hè năm 2014, lần đầu tiên màu áo xanh tình nguyện của chiến dịch Mùa hè xanh đến với huyện đảo Lý Sơn. |
Cả nhóm té ngửa! Lại mướt mồ hôi giải thích, hướng dẫn bà cách dùng thiệt nhuyễn.
Việc lưới điện quốc gia chưa đến được với huyện đảo (dự kiến đến tháng 10-2014 mới đóng điện) cũng góp phần “làm khó” các chiến sĩ. Bởi đến 5g chiều, khi máy phát điện của cả đảo bắt đầu chạy thì các thành viên nhóm sửa chữa điện mới có thể kiểm tra lại chất lượng hệ thống điện mới, khoan - đóng bảng điện. Lúc đó phải dạo quanh những nhà đã sửa trong ngày để nghiệm thu.
Trong khi đó, tại Trường mầm non An Vĩnh (thôn Đông, xã An Vĩnh), nhóm vẽ trang trí mặt tiền của trường nắn nót từng nét chì, đường cọ và chiến đấu với thời tiết nóng bức. Nóng như thế nhưng cả đội cố gắng “trùm” nào khăn, nào nón, nào áo khoác, găng tay... để “thà như vậy chứ không thôi cả nhóm có thịt nướng để ăn”.
Sau năm ngày, nhóm vẽ đã hoàn tất 12 khung tường ở cổng trường với những hình ảnh đặc trưng của biển đảo, thể hiện bằng nét vẽ nhí nhảnh vui tươi, phù hợp với môi trường trường mầm non. “Hi vọng các em sẽ bất ngờ và thích thú khi trở lại trường trong năm học mới” - một thành viên đội vẽ chia sẻ.
Sức trẻ cuồn cuộn
Anh Phạm Kiều Hưng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, đội trưởng, cho biết đây là lần đầu tiên một đội Mùa hè xanh có sự tham gia của sinh viên từ 14 trường ĐH-CĐ. Ban chỉ huy chiến dịch đã đặt ra các công trình, đặt hàng xuống các trường và các trường cử đại biểu tham dự.
Nhóm vẽ, nhóm sửa chữa điện, nhóm sinh hoạt thiếu nhi, nhóm làm tờ rơi quảng bá du lịch Lý Sơn, nhóm soạn thông tin tuyên truyền chủ quyền biển đảo, nhóm tài liệu song ngữ về hải đội Hoàng Sa, nhóm khảo sát và báo cáo về thói quen xử lý rác của bà con trên đảo...
Công việc tiếp nối công việc, mọi người chủ động phân công và sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ.
Những việc đúng chuyên môn nhanh chóng được các chiến sĩ hoàn tất. Tuy nhiên, những công việc như đổ bêtông, cải tạo đất, giúp bà con thu hoạch hành tỏi, mọi người không tránh khỏi sự lúng túng. Một lần, hai lần chưa quen, mọi người học hỏi từ các anh phụ hồ, bộ đội, người dân địa phương để có thể chung tay, góp sức thực hiện.
Nhờ đó, bản thân các chiến sĩ cũng biết thêm nhiều điều mới lạ, chiếc cầu nối tình cảm giữa người dân địa phương và chiến sĩ Mùa hè xanh cũng nối đôi bờ.
Không được sự ủng hộ của thời gian lẫn thời tiết nhưng những gian nan ấy không làm giảm lòng nhiệt huyết của các chiến sĩ tình nguyện. Tình cảm của bà con dân đảo như ngọn gió biển thổi bay những giọt mồ hôi.
Những nụ cười trao cho chiến sĩ nở khắp đảo, những chiều trẻ em xúm xít bên các điểm đóng quân, tíu tít cùng các anh chị tình nguyện hay quả dưa hấu giải khát, quả mít gói mang về cho cả đội đã thể hiện điều đó.
Lời khen của một cô giáo Cô Lê Thị Gái - Phó hiệu trưởng Trường mầm non An Vĩnh, thôn Đông, xã An Vĩnh - chia sẻ: “Điều làm cô cảm thấy không còn khoảng cách giữa người đất liền và người biển đảo là cách giao tiếp và trách nhiệm của các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh. Các bạn lễ phép với người lớn, thân thiện với trẻ con xung quanh nên khi làm việc chung, cô cảm thấy rất thoải mái, các thầy cô khác cũng quý các bạn vì điều này. Và hơn hết chính là trách nhiệm của chiến sĩ Mùa hè xanh với công việc của mình. Dù thời tiết nắng nóng như thế nào nhưng đúng 6g các bạn có mặt làm việc đến 11g. Ăn uống, nghỉ trưa, các bạn lại tiếp tục công việc đến tận 6g chiều. Nhiều khi thấy trời nắng nóng, cô kêu các bạn nghỉ cho lại sức rồi làm nhưng tất cả đều nhoẻn miệng cười bảo không sao. Đến nay nhìn các mảng tường của trường được trang trí khang trang, mọi người vui không kể xiết”. |