Kiên Giang: Nhận thức của đoàn viên thanh niên về chủ quyền biển, đảo

09:59 25/12/2014     1490

3 Phong trào   Web.ĐTN: “Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay đứng dưới ngọn cờ hòa bình cần ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, phải trang bị cho mình đầy đủ nhận thức và hiểu biết về tình hình biển đông theo chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Với những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, lớp trẻ Việt Nam hôm nay sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối trong toàn xã hội, thúc đẩy những hành động thiết thực vào trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương”, bạn Huỳnh Ngọc Minh – đoàn viên phường Vĩnh Thanh, chia sẻ tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Đoàn viên thanh niên tham quan tại buổi triển lãm.
Đoàn viên thanh niên tham quan tại buổi triển lãm.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức tại huyện Phú Quốc và thành phố Rạch Giá từ ngày 22- 28/12/2014.
Tại buổi triển lãm, đại biểu và các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên đã được tham quan các tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyển chọn 95 bản đồ và 4 cuốn atlas từ hơn 200 bản đồ và các atlas liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những bản đồ và atlas này được trưng bày theo 4 chủ đề: Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ XVI đến XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI – XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa; hình ảnh các di tích những hùng binh Hoàng Sa và lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); hình ảnh về đời sống và sinh hoạt của quân và dân ở đảo Trường Sa thuộc (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay; những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản ở trong và ngoài nước từ trước đến nay nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Có mặt tại buổi triển lãm, bạn Đặng Thị Ngọc Anh – sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng, nói: “Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc, học sinh, sinh viên hãy góp ngọn lửa vào tình yêu ấy bằng cách học tập, rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức, tôi luyện ý chí, trở thành một đoàn viên ưu tú về mọi mặt; tích cực tìm hiểu để có nhận thức sâu sắc về luật pháp và công ước quốc tế, ý thức về quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm đưa ra những bằng chứng thuyết phục khẳng định chủ quyền biển, đảo. Nhận thức được vấn đề này, mỗi đoàn viên thanh niên cần tuyên truyền những hiểu biết của mình cho người thân, bạn bè và toàn xã hội để cùng chung tay góp lửa bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”. Thông qua việc trưng bày tại triển lãm các bản đồ, hiện vật, tư liệu, hình ảnh, các ấn phẩm xuất bản giúp đoàn viên thanh niên hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước cho thế hệ trẻ: đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố. Đồng thời, bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.