Để biển đảo gần hơn

15:51 04/09/2014     3125

3 Phong trào   Web.ĐTN: Sau sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tại thành phố Cần Thơ, các trường học vẫn tiếp tục tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho sinh viên, học sinh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN).
 Theo nhiều cán bộ Đoàn, đây là một công việc thường xuyên, qua đó giúp các bạn trẻ ngày càng vun đắp tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Vun bồi tình yêu biển, đảo

Buổi sinh hoạt về chủ quyền biển, đảo ở Trường Tiểu học Tây Đô (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) càng lúc càng sôi nổi với những câu hỏi của thầy Phạm Quốc Dũng, giáo viên Tổng phụ trách (TPT) Đội, đưa ra và các câu trả lời của học sinh. Sau buổi sinh hoạt, các em hiểu hơn về vị trí địa lý, những nét cơ bản của từng đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Hai năm qua, những buổi sinh hoạt dưới cột mốc chủ quyền Trường Sa của học sinh Trường Tiểu học Tây Đô vẫn đều đặn diễn ra, qua đó giúp các học sinh - dù chỉ là cấp tiểu học, cũng đã nhận thấy trách nhiệm của bản thân đối với biển, đảo Tổ quốc. Em Phạm Ngọc Trâm, học sinh lớp 5A, cho biết: "Em rất yêu biển đảo của Tổ quốc. Tuổi nhỏ nên em nghĩ mình cần học tập tốt và tích cực tham gia các chương trình vì biển, đảo để thể hiện tình yêu của mình". Nguyễn Đình Thống - bạn cùng lớp với Trâm, thì cho biết ước mơ của Thống sau này trở thành bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam. Vì vậy, từ năm lớp 3, Thống đã đi học bơi. Bên cạnh đó, Thống luôn tích cực tham gia các chương trình vì biển, đảo thân yêu.
 Bản đồ về các quần đảo của Việt Nam đã góp phần cung cấp thông tin về biển, đảo cho học sinh, sinh viên và ĐVTN.
Bản đồ về các quần đảo của Việt Nam đã góp phần cung cấp thông tin về biển, đảo cho học sinh, sinh viên và ĐVTN.

Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa ở Trường Tiểu học Tây Đô được xây dựng vào đầu năm học 2012-2013. Chi phí công trình này gần 4 triệu đồng do giáo viên và học sinh đóng góp. Điều đặc biệt, chính giáo viên, học sinh trường đã cùng nhau thiết kế, lắp ráp mô hình nhiều ý nghĩa này. Theo thầy Phạm Quốc Dũng, giáo viên TPT Đội, dưới mô hình cột mốc chủ quyền này Liên đội thường tổ chức các buổi tuyên truyền, cung cấp thông tin về biển, đảo, kể chuyện về các anh hùng dân tộc, tổ chức lễ kết nạp Đội… Hiện nay, Liên đội đang có kế hoạch xây dựng thêm mô hình Nhà giàn DK. "Chúng tôi cũng thường tham khảo, tập hợp các thông tin trên mạng Internet, sách, báo, các đoạn phim tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa để cung cấp cho các em. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ tuyên truyền về biển, đảo để giúp các em được trải nghiệm cảm xúc nhiều hơn"- Thầy Phạm Quốc Dũng cho biết.

Từ tháng 5-2014 đến nay, Văn phòng Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ luôn trưng bày 3 tấm bản đồ về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Tây Nam. Trên các bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những thông tin về địa lý, lịch sử còn có thông tin về quá trình xác lập chủ quyền cũng như các mốc thời gian Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt một số đảo tại đây. Theo anh Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ, Đoàn trường cũng thường xuyên mời báo cáo viên của Thành đoàn Cần Thơ, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đến nói chuyện về chủ quyền biển, đảo nhằm cung cấp những thông tin mới nhất và định hướng cho các sinh viên thể hiện tình yêu biển, đảo đúng cách. Đoàn trường đang xây dựng kế hoạch thiết kế sân trường thành mô hình thu nhỏ về Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời tổ chức phát động cuộc thi thiết kế các mô hình về biển, đảo bằng vật liệu tái chế.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền

Anh Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào trong vùng biển của Việt Nam, Đoàn trường đã có nhiều hoạt động như: quyên góp ủng hộ các lực lượng đang làm nhiệm vụ và ngư dân ở Hoàng Sa, Trường Sa; tổ chức nói chuyện về biển, đảo… Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, Đoàn trường vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền nhưng gắn với hoạt động thiết thực tại trường. Đó là định hướng tập trung cho các sinh viên học tập tốt, nhiệt tình tham gia các phong trào; hướng các chi đoàn quan tâm vào công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ ĐVTN là con thương binh, liệt sĩ… "Theo tôi, để nâng cao chất lượng tuyên truyền biển, đảo trong sinh viên cần có thêm những chuyến về nguồn, đến với các cán bộ, chiến sĩ Hải quân và các ngư dân để các bạn thấy đồng cảm, hiểu hơn về nhiệm vụ của những người giữ biển" - anh Hưng nói.

Công tác tuyên truyền biển, đảo trong ĐVTN huyện Phong Điền luôn có sự phong phú về hình thức, nội dung. Tuy nhiên cũng còn hạn chế do thời lượng tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt còn ít, công tác tập hợp học sinh, ĐVTN còn khó khăn... Thầy Phạm Quốc Dũng, giáo viên TPT Đội Trường Tiểu học Tây Đô, cho rằng: Cần đưa việc giáo dục về chủ quyền biển, đảo vào chương trình học, bởi hiện nay giáo viên không có nhiều thời gian để giúp các em hiểu rõ hơn về vấn đề này. "Các em chỉ nghe trên đài thì không hiểu vĩ độ, kinh độ… là gì. Vì vậy, cần tổ chức nhiều hoạt động để hình thành ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong mỗi học sinh" - thầy Dũng đề nghị. Anh Đỗ Ngọc Quới, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền, cho biết: "Thời gian tới, các cơ sở Đoàn sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đi sâu vào từng vấn đề để học sinh, ĐVTN không chỉ hiểu về chủ quyền biển, đảo mà còn nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo".

Theo một số cán bộ Đoàn, việc tuyên truyền biển, đảo trong sinh viên cần làm quyết liệt, thường xuyên nhằm điều chỉnh một số tư tưởng lệch lạc. Lê Hoàng Toàn, Bí thư Chi đoàn lớp Sư phạm Văn-Sử k.38, Trường Cao đẳng Cần Thơ, chia sẻ: Nhiều sinh viên chưa quan tâm, về chủ quyền biển, đảo, chưa biết mình phải làm gì để thể hiện trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Do đó, tổ chức Đoàn cần thường xuyên định hướng, cung cấp thêm thông tin về tình hình biển, đảo. Dư Thanh Hiếu, sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn khóa 39, Trường Đại học Cần Thơ, bày tỏ: "Để công tác tuyên truyền biển đảo được sâu rộng, ĐVTN cần tìm hiểu và nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tuyên bố và luật biển của quốc tế... Từ đó, ĐVTN mới trở thành những người đi đầu trong việc tuyên truyền, kịp thời điều chỉnh những thông tin lệch lạc, định hướng cho gia đình, người thân và bạn bè những tư tưởng đúng đắn".