Chàng trai vá đường

10:12 29/11/2011     2873

Thanh niên tình nguyện   Vá đường giữa trưa nắng nóng, xe cộ qua lại quả là vất vả và nguy hiểm nhưng khi thấy mọi người chạy xe trên đường thông thoáng, anh em chúng tôi biết mình đã góp chút sức trẻ cho quê hương

Gần 4 năm nay, người dân ở cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đều quen với hình ảnh một thanh niên thường xuyên đi tìm “ổ gà” trên những tuyến đường để vá lại một cách tự nguyện. Đó là anh Trần Minh Trung, người góp phần vào việc bảo đảm an toàn giao thông của địa phương và là một tấm gương sáng vì cộng đồng.

Chuyên trị “ổ gà”

Cù lao Tân Lộc nằm tách hẳn với quận Thốt Nốt, khi muốn đến đây phải sang một chuyến đò. Tiếng là cù lao nhưng đường sá khang trang, hầu hết đều được lót bê tông, trải nhựa.
Ông Võ Phú Huống, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội UBND phường Tân Lộc, cho biết: “Hệ thống đường nhựa, bê tông của địa phương có tổng chiều dài gần 48 km. Toàn phường có hơn 7.100 hộ nhưng trong đó có đến 90% hộ có xe máy nên yêu cầu đường sá thông thoáng là hết sức cần thiết”.
Chúng tôi tình cờ được tiếp chuyện với Trung khi anh đang nấu nhựa chuẩn bị vá những “ổ gà” trước cổng UBND phường Tân Lộc.
Dáng người gầy, gương mặt hiền từ và lúc nào cũng nở nụ cười trên môi, chàng trai 25 tuổi này dễ tạo được thiện cảm với mọi người. Anh Trung hồ hởi: “Được UBND phường tài trợ mấy bao cát, đá và nhựa đường, tôi sẽ tìm những nơi đường bị bể để vá tiếp, chắc làm hết nửa tháng”.

Trần Minh Trung (trái) và Nguyễn Hoàng Hậu vá xong một “ổ gà” trên đường ở cù lao Tân Lộc

Nói xong, anh Trung cùng một người em khiêng thùng nhựa và chuẩn bị củi, lửa nấu nhựa, tiếp tục công việc. Anh Trung cho biết: “Nhựa nấu càng loãng thì khi lấp ổ gà mới không bị tróc. Một thùng nhựa 190 kg có thể trám 40 “ổ gà” đường kính 4 tấc. Nếu tráng “ổ gà” bằng nhựa đường thì có thể trong 4 năm, nó không bị bể”.
Kể về hành trình vá đường, anh Trung cho biết: “Cách đây 4 năm, thấy bà con chạy xe khó khăn khi vấp phải “ổ gà”, có khi xảy ra tai nạn nên tôi tự nguyện đi mua dụng cụ rồi từ đó đi vá đường”.
Khi bắt đầu làm công việc này, anh Trung cũng gặp nhiều khó khăn do không biết trộn xi măng, những chỗ được vá chỉ trong vòng 1 - 2 tháng lại bị tróc.
“Ban đầu, nhiều bà con thấy mình lui cui vác đồ nghề ra vá đường, họ nói mình làm công việc tào lao. Rồi khi đường vá xong bị bể, tôi còn bị mắng cho một trận” - anh Trung kể. Không dừng lại ở đó, dần dần khi quen với công việc này, anh cũng nâng cao được “tay nghề”.
Khó khăn nhất là trong 2 năm đầu khi chưa có nhựa đường, phải dùng xi măng để vá và anh Trung làm công việc thầm lặng này từ 20 giờ đến 3-4 giờ sáng.
Với chiếc xe máy cà tàng, anh chở lỉnh kỉnh xi măng, cát, đá… đi mọi ngõ ngách ở cù lao để vá đường theo yêu cầu của bà con.
Kể về những khó nhọc, anh nói: “Có hôm khuya vá đường bị bể dưới chân cầu, xe máy chạy lên xuống mà tôi thót cả tim vì nhiều khi xe xuống dốc nhanh, lao vào mình thì nguy. Rồi những lúc đường mới vá xong gặp trời mưa giữa đêm hôm, phải đem theo tấm cao su để đậy lại. Đến khi trám đường bằng nhựa, nhựa nóng đổ vào tay chân rất rát và đau nên giờ tôi sắm thêm đôi ủng và bao tay”.

Trần Minh Trung đổ nhựa nóng vá một “ổ gà”

Giờ đây, thấy trước nhà có “ổ gà” là người dân lại gọi cho anh Trung nhờ vá lại. “Chàng trai này còn tự móc tiền túi mua vật liệu vá đường. Nhiều khi bà con cho tiền nhưng Trung không nhận, nếu nhận thì em ấy cũng dùng để mua vật liệu vá lại những nơi con đường bị hư hỏng” - ông Huống khen ngợi chàng trai của phường mình.

“Không có tai nạn là vui rồi!”

Ông Lê Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho biết: “Việc làm của Trung hết sức có ý nghĩa, đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho địa phương. Đồng thời, anh ấy còn là một tấm gương sáng để thanh niên địa phương noi theo”. Trong đó, có em Nguyễn Hoàng Hậu (17 tuổi) cũng phụ Trung mấy tháng nay.
Hậu cho biết: “Thấy anh Trung làm một mình không xuể nên em ra phụ, tiếp ảnh một tay”. Trung tâm sự: “Khi vá đường giữa trưa nắng nóng, xe cộ qua lại quả là vất vả và nguy hiểm, nhưng khi thấy mọi người chạy xe trên đường thông thoáng, anh em chúng tôi thấy mình đã góp chút sức trẻ cho quê hương”.
Vừa chuyện trò vừa không ngơi tay làm việc, Trung cùng Hậu vớt nhựa đã được nấu nóng chảy vào thùng. Trung cầm thùng nhựa đổ vào “ổ gà”, còn Hậu rắc đá lên. Hai người  cứ thế mà trám cho đến hết “ổ gà” trước cổng UBND phường.
Chị Lê Thị Nga, người dân khu vực Phước Lộc, nhìn nhận: “Ngày nay, nhiều thanh niên nông thôn hay sa vào các tệ nạn xã hội, ít ai chịu làm công tác xã hội như Trung. Việc làm của Trung khuyến khích tinh thần vì mọi người của nhiều thanh niên ở địa phương”.
Ngoài việc vá đường, Trung còn tham gia đội lao động tình nguyện, nhóm xây nhà đại đoàn kết ở địa phương. Đến nay, hầu như tuyến đường nào ở cù lao Tân Lộc xuất hiện “ổ gà” đều có mặt của Trung. Anh bày tỏ: “Tôi đi vá đường cũng giống như bao thanh niên khác đi nhặt rác, giúp dân xây nhà… Thấy người dân đi lại dễ dàng, tránh tai nạn vì “ổ gà” là tôi vui rồi”.

Chưa lấy vợ vì còn đi vá đường !

Trung là con út trong gia đình có 4 anh em và chưa lập gia đình. Hai anh đã có vợ ra riêng, hiện Trung đang sống với cha mẹ già và người anh thứ tư. Nguồn thu nhập chính của họ là nhờ vào mấy con bò, cuộc sống không mấy khá giả.
Khi không vá đường thì Trung đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Trung nói: “Lúc mới bắt đầu đi vá đường, cha mẹ tôi phản đối dữ lắm vì mình làm tự nguyện, không công, đôi khi còn nguy hiểm, rồi bỏ bê việc làm thuê, một tháng có khi tôi đi vá đường hết 10-15 ngày.
Nhưng giờ gia đình cũng hiểu và thông cảm vì tôi làm việc này vì mọi người”. Không những thế, chàng trai này còn chưa chịu lấy vợ vì theo anh, có vợ rồi sẽ khó đi làm công việc mà không kiếm ra tiền này.