Chàng trai trẻ và món quà đặc biệt gửi đảo xa

07:31 01/03/2015     1395

Thanh niên tình nguyện   Chỉ cần 500.000- 1 triệu đồng, mọi gia đình có thể sở hữu thiết bị trồng rau sạch ăn quanh năm. Điều tuyệt vời hơn thiết bị không tốn diện tích, không cần để ngoài ban công và tiết kiệm nước… Đây là sáng kiến của Nguyễn Duy, lớp 12 Sử, THPT Chu Văn An (Hà Nội).
 “Kì cạch” làm nông dân

"Nhà mình may mắn khi mẹ quen một địa chỉ cửa hàng bán rau sạch đảm bảo chất lượng nhưng mua rau về mẹ vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại mới dám ăn. Còn rất nhiều gia đình lao động khác vì không có điều kiện, thời gian nên phải ăn rau bẩn hàng ngày. Chính bản thân mình và bạn bè không ít lần ăn phải rau bẩn, kém chất lượng ngoài hàng", Duy chia sẻ.

Tìm hiểu thêm các thông tin trên mạng Duy phát hiện ra nhiều chiêu trò "kinh khủng" để phù phép rau bẩn thành những mớ rau tươi ngon, xanh mơn mởn. Cậu học trò quyết tâm thiết kế ra một thiết bị trồng rau sạch để giải quyết tình trạng rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, giúp người dân có nguồn rau sạch hữu cơ ăn hàng ngày.

Khảo sát thêm thực tế, Duy dần có ý tưởng về thiết bị trồng rau sạch trong nhà. Anh chàng liền chia sẻ với bạn bè nhưng một số người phá lên cười. "Họ bảo, chỉ nông dân mới lo trồng rau thôi, ý tưởng này thật dở hơi", Duy kể.

a
Nguyễn Duy (thứ hai từ trái sang)
 
Những lời bàn tán càng khiến Duy quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng của mình. Để không ảnh hưởng đến việc học tập, Duy phải tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau giờ học để đọc tài liệu.

Anh chàng cũng phải nhờ đến một người anh họ là cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp "quân sư" cho những kiến thức về trồng trọt, cách chọn cây và cả chế độ dinh dưỡng của cây rau.

Thiết kế ra mô hình Duy chỉ mất ba ngày nhưng để biến bản vẽ thành hiện thực để trồng rau phải kì cạch cả tháng trời, thậm chí rất nhiều hôm phải thức đến quá nửa đêm.

Quà tặng hải đảo thân yêu...

Sau nhiều ngày nỗ lực, Duy đã hoàn thành thiết bị trồng rau sạch trong nhà. Thiết bị này gồm 4 phần. Phần khung vỏ có tác dụng cách nhiệt và là nơi chứa và nâng đỡ khay trồng.

Duy thiết kế theo kiểu tủ kéo, với các ngăn kéo ra kéo vào được dễ dàng. Mỗi ngăn tủ được thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt trong lòng khay và đáy khay được đục lỗ nhằm thoát nước giúp cây không bị úng.

Tiếp theo là hệ thống tưới tiêu có tác dụng cung cấp nước cho cây và thoát nước khi cây bị thừa nước. Hệ thống tưới tiêu được lập trình 30 phút tưới một lần và mỗi lần tưới 30 giây nhằm giúp tiết kiệm nước, hơn nữa làm môi trường trong lòng thiết bị không quá ẩm tránh các mầm bệnh đặc biệt là các loại nấm gây hại cho cây trồng.

Ở đáy các khay là hệ thống thoát gồm các lỗ được đục sẵn nối với các ống nhỏ dẫn xuống bình chứa nhằm tiết kiệm tối đa nước sử dụng. Bên cạnh đó là hệ thống thông khí có tác dụng làm khí trong thiết bị lưu thông, làm giảm khả năng bị bệnh của cây, hơn nữa cung cấp đủ khí CO2 cho cây quang hợp.

Đang bế tắc trong việc tìm thiết bị thay thế Duy bắt gặp quảng cáo về bóng đèn led. Ngay lập tức anh chàng tìm hiểu và quyết định sử dụng hệ thống chiếu sáng là các đèn led đỏ được lắp phía trên các khay trồng nhằm cung cấp ánh sáng cho cây, hệ thống này có công tắc thay đổi cường độ sáng để thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau. Sử dụng các đèn led đỏ vừa giảm năng lượng điện tiêu thụ cung cấp cho hệ thống vừa rất tốt cho sự quang hợp của cây.

a
Mô hình thiết bị trồng rau sạch của Duy

"Thiết bị này khác với các loại thiết bị trồng rau khác là trồng được trong nhà dù là nhà chung cư, nhà tập thể hay là nhà riêng mà không đòi hỏi phải có đất trồng", Duy cho biết.

Theo tính toán của Duy, khung vỏ hoàn toàn có thể thay thế bằng nhựa để giảm giá thành. Như vậy, một gia đình chỉ mất khoảng 500 nghìn đến một triệu đồng là đã sở hữu một thiết bị trồng rau sạch theo ý muốn.

Đặc biệt, thiết bị trồng rau sạch này vô cùng tiết kiệm nước nên có thể ứng dụng ở ngoài hải đảo – nơi thường xuyên thiếu nước ngọt. "Mình muốn dành tặng thiết bị này tới những người lính nơi hải đảo xa xôi. Thiết bị là lời động viên tinh thần để các anh luôn vững vàng tay súng và có thêm những bữa ăn tươi ngon nhất là trong những ngày Tết", Duy tâm sự.

Sẽ trở thành nhà kinh tế...

Đơn giản, dễ làm nhưng tính ứng dụng cao nên thiết bị trồng rau sạch trong nhà của cậu học trò trường THPT Chu Văn An đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2014.

Đây là lần đầu tham gia cuộc thi nhưng Duy đã đoạt giải cao vì cậu luôn nhớ lời dặn của bố. "Con muốn làm đề tài gì cũng phải hướng đến mục tiêu nhân văn – phục vụ con người, cộng đồng".

Bố là phiên dịch viên tiếng Lào ở Đài Tiếng nói Việt Nam, mẹ làm việc tại Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), nhà chỉ có hai anh em nhưng bố mẹ không cưng chiều mà để anh em Duy tự lập. Những câu chuyện của bố mẹ luôn là bài học cho Duy phấn đấu. Cũng vì thế, anh chàng rất thích nghiên cứu các hiện tượng trong cuộc sống.

Ở trường, Duy rất hòa đồng với bạn bè và thường xuyên có mặt trong  đội hình văn nghệ. Ngoài năng khiếu bơi lội, Duy còn có biệt tài đóng kịch. Rất nhiều bạn sợ môn Sử nhưng riêng anh chàng đã bị môn học này "hớp hồn" từ nhỏ thông qua các câu chuyện lịch sử của những người thân trong gia đình kể. Vì thế, Duy quyết định "đầu quân" vào lớp chuyên Sử của trường THPT Chu Văn An.

Duy chia sẻ: "Nếu bạn học Sử qua các câu chuyện bạn sẽ nhớ rất lâu. Học Sử cũng cần sự tìm tòi khám phá như những môn khác. Lúc đó bạn sẽ hiểu tận gốc vấn đề và thấy lịch sử thật thú vị. Bạn đừng bao giờ học vẹt vì học vẹt sẽ nhanh nhàm chán".

Ngoài môn Sử, Duy rất yêu thích học môn Văn. Tuy nhiên dự định của chàng trai này sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ theo học trường kinh tế hoặc kiến trúc.