Sinh viên làm nông, buôn bán, kiếm chục triệu đồng giáp Tết
11:55 11/01/2019 1750
Nhịp sống trẻ Không ngại làm việc nặng nhọc, đầu tư vốn kinh doanh hay cả làm tăng ca, ôm việc về nhà làm đêm…, các sinh viên tỉnh lẻ bắt đầu lao vào vụ mùa làm thêm tháng cuối năm khi thị trường Tết đang dần sôi động.
Phượng (trái) cho biết rất hào hứng với công việc tỉa nụ cúc Tết, tuy công việc khá vất vả nhưng thu nhập cao và được nhận tiền công ngay cuối ngày làm
Việc làm thêm vụ Tết của sinh viên cũng không ít chuyện khóc cười và với họ là những trải nghiệm, những bài học để lớn.
Sinh viên làm nông dân
Đến các vựa cúc Tết lớn ở Đà Nẵng như khu Nam Cẩm Lệ, khu vực Hòa Vang những ngày này, không khó gặp từng tốp từ vài người đến vài chục người trẻ đang cặm cụi tỉa búp hoa cúc. Công việc vốn chỉ có người nông dân chân lấm tay bùn quen làm, nay là "nghề hot" thu hút rất đông sinh viên cả nam lẫn nữ.
Thoăn thoắt tỉa búp cho những chậu cúc cao quá đến bụng, Nguyễn Thị Phượng (sinh viên năm 3 trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) nói: "Qua trang tìm việc làm trên Facebook, mình và đứa bạn đã nhận làm công việc này được hơn 1 tuần nay. Những ngày đầu chưa quen, tối về, cả hai mỏi nhừ, phải xoa dầu nóng cho đỡ mỏi, nhưng làm liên tục rồi quen việc, bớt mệt hơn".
Phượng cho biết cô và bạn cùng lớp vừa kết thúc kỳ thi học kỳ I, được nghỉ học 2 tuần liên tiếp. Đây là cơ hội cho Phượng tìm việc làm thêm phụ trang trải Tết cho gia đình.
Đã theo nghề ngắt nụ cúc Tết đến năm thứ 3, Lê Quang Liêm (sinh viên năm 4, ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng) cho biết đã khá quen với công việc làm nông. "Ngày xưa ở quê mình còn làm những việc nặng nhọc hơn, nên thấy tỉa cúc cũng khỏe. Con trai thường ngại làm nông nhưng mình nghĩ cứ làm việc gì có tiền và chân chính là được".
Công việc của các bạn những ngày này là tỉa bớt các bông cúc nách, chừa lại trên mỗi cành chỉ đúng một bông. Theo ông Hải, chủ một vựa cúc ở Cẩm Lệ, nghe có vẻ công việc nhẹ nhàng nhưng làm liên tục 8 tiếng mỗi ngày không phải dễ.
"Đứa nào chịu khó lắm mới đứng giam mình giữa trời cả ngày được, chưa kể nhặt bông cúc tê hết cả hai đầu ngón tay, đau lưng mỏi cổ nữa", ông Hải nói.
Tiền công mỗi ngày các bạn được nhận từ 150.000 đồng. Bữa trưa, các vựa hoa thường ở khá xa trung tâm thành phố nên nhiều người phải dậy từ sớm, nấu cơm mang theo hoặc mua cơm hộp ăn tại vườn. Mùa tỉa cúc kéo dài gần cả tháng trước Tết, công việc vất vả nhưng cuối ngày được nhận công nên sinh viên khá hào hứng.
Không chỉ nhận tỉa búp hoa, các bạn trẻ cho biết từ mối làm cúc, khoảng 23 Tết trở đi sẽ theo các chủ buôn nhận trông coi hoa tại điểm bán hoa trong thành phố. Việc trông giữ hoa bán Tết còn vất vả hơn nhiều và làm suốt ngày đêm, phụ thêm bốc hàng, chở hoa cho khách. Nhưng tiền công cũng tăng lên gấp đôi ngày thường tỉa búp nên được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Sinh viên làm thêm dịch vụ dọn nhà dịp Tết
Nước mắt muộn ngày cuối năm
Đa số sinh viên ở Đà Nẵng chọn làm những công việc mùa vụ dịp Tết là sinh viên tỉnh lẻ. Nhiều bạn cho biết kiếm được cả chục triệu đồng trong một tháng cuối năm. Đoàn Thị Năm (sinh viên năm 3 khoa Quản lý dự án, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) chia sẻ: "Ngoài tinh ý và chịu khó thì có gan kinh doanh dịp Tết sẽ cho thu nhập nhiều hơn đi phụ việc, còn chủ động được thời gian về quê".
Cô sinh viên quê Quảng Trị bắt đầu kinh doanh Tết từ năm nhất. Năm cho biết mỗi mùa Tết, từ đầu tháng 12ÂL thì nhận tỉa hoa cúc, nhưng những ngày giáp Tết là chuyển sang kinh doanh. Năm tự tay làm các mẫu hoa giả rao bán trên Facebook và bán trực tiếp ở chợ thu về từ vài chục đến vài trăm nghìn một sản phẩm.
Năm tranh thủ thời gian rảnh làm hoa handmade bán mùa Tết
Thời gian này, Năm bắt đầu đặt nhận bao lì xì từ miền Bắc vào, ngoài bỏ sỉ bạn bè cùng bán. Mỗi tối Năm đi chào mời ở các quán nhậu, quán café. Năm cho biết làm chưa đầy một tháng trước Tết, cô thu gần chục triệu đồng từ cả ba việc.
Kinh doanh một vốn bốn lời nhưng cũng có khi phải rơi nước mắt. "Mình phải mua hàng nên bỏ vốn ra thì phải bán hết, thấy có lời lại ham nên lấy nhiều. Có khi đến 28 - 29 Tết, sinh viên về quê hết mà mình vẫn phải đi bán cho xong để kịp về, nước mắt cứ chực trào ra. Tâm lí sinh viên mà, ai cũng mong được về quê sớm", Năm tâm sự.
Không chủ động kiếm tiền như Năm, Diệu Hiền (sinh viên năm 2 trường ĐH Kinh Tế Đà Nẵng) kể đã bị buộc phải ở lại đến tối 30 Tết mới về quê. Năm ngoái Hiền đã khóc ròng trong ngày cuối năm và ám ảnh với làm thêm Tết. Cô kể: "Mình xin phục vụ quán nhậu, lương ngày thường là 2,2 triệu mỗi tháng một ca. Dịp Tết mình làm luôn cả 3 ca mỗi ngày và được hứa là sẽ thưởng thêm.
Mình đã nói trước chỉ làm đến ngày 27 là về quê nhưng khi đến ngày, xin nhận tiền công thì chủ quán không trả và bắt phải làm đến tối 30 Tết khi quán nghỉ bán. Vừa tủi thân vừa bức xúc, nhưng đành về quê ăn Tết muộn để được nhận tiền lương", Hiền nói. Năm nay Hiền xin vào làm ở một công ty vệ sinh nhà ở để mong dịp trước Tết có nhiều việc làm và được về quê sớm.
Không ít sinh viên cho biết đã khóc ròng vì bị dính bẫy các chiêu trò lừa đảo tuyển việc, giao việc làm thêm tại nhà dịp Tết… rồi biến mất cùng số tiền đặt cọc, khiến họ không có tiền về quê ăn Tết. Khi nhớ lại, ai cũng cho rằng những vấp váp, rủi ro trong các công việc làm thêm đều cho mình những bài học khó quên và trưởng thành hơn.
(Nguồn TTO) - ĐH Tweet