Ngăn ngừa bạo lực học đường: Làm sao để trẻ em không đơn độc
15:47 08/04/2019 1097
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Chiều 8/4, Báo Tiền Phong đã tổ chức toạ đàm trực tuyến "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý học đường.
Trong những ngày vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường rất nghiêm trọng gây lo ngại trong cộng đồng. Dù không phải là vấn đề mới, nhưng các vụ bạo lực học đường diễn ra với tần xuất dày đặc, tính chất ngày càng nghiêm trọng đang tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT) chia sẻ |
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, lứa tuổi THCS, THPT có nhiều biến đổi tâm sinh lý. Có những vấn đề chủ quan nhưng nhiều em không kiểm soát được bản thân, cộng với sức ép học tập và xã hội đã gây ra những vụ bạo lực như vừa qua. Điểm chung các vụ bạo lực này đều xuất phát từ mâu thuẫn âm ỉ ngày càng lớn và khi có cơ hội bột phát lên.
Theo ông Linh, khi phát hiện các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên cần tiếp cận ngay vấn đề, qua các kênh trực tiếp, gián tiếp để tìm hiểu rõ bản chất sự việc, trao đổi cùng cha mẹ các em và báo cáo hiệu trưởng nhà trường xin ý kiến chỉ đạo giải quyết ngay.
Bên cạnh đó, giáo viên tư vấn, cán bộ Đoàn - Đội cũng có trách nhiệm quan tâm đến tư tưởng, ý kiến của các đoàn viên, đội viên, học sinh, tuyệt đối không được chủ quan, bỏ qua và chậm trễ trong xử lý các tình huống.
"Chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng trong thời gian tới các bộ, ngành và các địa phương sẽ phải cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tạo môi trường học tập lành mạnh, thân thiện cho các em", ông Bùi Văn Linh nói.
Đồng chí Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam trao đổi |
Đồng chí Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam cho rằng, những vụ bạo lực vừa qua là cá biệt, không phải là phổ biến trong môi trường học đường hiện nay. Tuy nhiên, đây là những vụ việc đau lòng và khiến chúng ta phải rất suy nghĩ, trăn trở.
Theo đồng chí Hoàng Tú Anh, trong thời gian tới, tổ chức Đội sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các em, đặc biệt là học sinh cuối cấp 2 và tổ chức nhiều diễn đàn, mô hình về phòng chống bạo lực học đường như: diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”, mô hình “Hòm thư vì tương lai bè bạn”... cũng như hướng dẫn các em kỹ năng, cách thức phòng tránh bạo lực học đường.
“Không chỉ riêng một ngành một cấp nào mà chúng ta phải đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở để có những giải pháp, hoạt động thiết thực”, đồng chí Tú Anh nói.
Với nhiều năm làm hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - ngôi trường có khá nhiều học sinh cá biệt, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc học sinh lột quần áo, đánh bạn bạn là cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác. Điều này cho thấy những học sinh này chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp để ngăn ngừa bạo lực học đường |
TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất nhiều giải pháp để ngăn ngừa bạo lực học đường, trong đó nhấn mạnh vai trò của cha mẹ, phương pháp giáo dục và các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.
"Phải thường xuyên tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, chỉ ra cho họ cách làm. Vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được tôn trọng, đề cao, trả lương cao. Bồi dưỡng cho giáo viên để hoàn thành trách nhiệm thì mới quy trách nhiệm về họ", TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, các em bị bạo hành là nạn nhân thì đã rõ, nhưng chính các em học sinh bạo hành người khác cũng phần nào là nạn nhân. Bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em, mà lỗi còn ở những cha mẹ, thầy cô giáo, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục để các em trở thành công dân tốt.
Ông Nam đề xuất trong thời gian tới phải tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh, để các em hiểu và tôn trọng pháp luật. Bên cạnh đó, học sinh cần được dạy về đạo lý, lòng nhân ái và được chăm sóc tâm lý.
“Vấn đề tâm lý học đường và dạy kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực cần phải làm cấp bách. Cũng cần trang bị cho các em kỹ năng đối phó với những vấn đề đang nổi lên ngoài xã hội", ông Nam đề xuất.
Theo Nhà văn Phong Điệp, chắc chắn trẻ em không đơn độc trong "cuộc chiến" với bạo lực học đường, nhưng vấn đề là làm sao để các em biết rằng mình không đơn độc.
"Có bao nhiêu em biết rằng có 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ mình? Có bao nhiêu em biết mình sẽ cầu cứu ai khi đối mặt với bạo lực, bạo hành? Có bao nhiêu em biết số tổng đài 111 để khi bị xâm hại, bạo hành mà gọi đến?", nhà văn Phong Điệp đặt câu hỏi.
Kiều Anh Tweet