Khi người trẻ vui vẻ đăng ký hiến tạng

11:56 07/01/2019     2952

Nhịp sống trẻ   Sinh nhật tuổi 24, Đặng Vi Uyển Nhi (24 tuổi) tặng cho mình một chuyến đi. Trước khi đi, cô làm một việc khác: đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học.

Uyển Nhi đăng ký hiến tạng ở tuổi 24 - Ảnh: NVCC

 

Uyển Nhi đang là nhân viên digital marketing (tiếp thị các dịch vụ số) của một công ty ở Bình Thạnh, TP.HCM. Không chỉ Uyển Nhi, trong những ngày có ý nghĩa của cuộc đời mình, nhiều bạn trẻ đã chọn điều rất tốt đẹp: hiến tạng, hiến xác.

"Chào tuổi 24, mình dành tặng cho bản thân một chuyến đi để đời. Nhưng trước khi đi, mình đã quyết định làm một việc ý nghĩa là đi đăng ký thủ tục hiến tạng và hiến xác sau khi chết", Đặng Vi Uyển Nhi  nói.

Đi qua giới hạn của bản thân

"Sinh nhật năm nay mình không làm rình rang như năm trước, không có bộ ảnh mới, không mong chờ quà cáp. Chào tuổi 24, mình dành tặng cho bản thân một chuyến đi để đời. Nhưng trước khi đi, mình đã quyết định làm một việc ý nghĩa là đăng ký thủ tục hiến tạng và hiến xác sau khi chết.

Đây là việc làm mình đã muốn thực hiện từ rất lâu rồi, đến bây giờ mới dám hành động" - Uyển Nhi chia sẻ. Cô sinh ra và lớn lên ở Bình Định, đang làm việc tại Sài Gòn.

Uyển Nhi nói sau khi đăng ký hiến tạng và hiến xác, cô cảm thấy yêu đời và tự tin vào cuộc sống hơn rất nhiều.

Thông thường một người có ý định hiến tạng khi họ trải qua những thăng trầm, biến cố của cuộc sống, hoặc khi họ ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Còn những người trẻ đang khỏe mạnh, yêu đời và đang hưởng thụ cuộc sống, trước họ là cả một đoạn đường dài chưa đi, việc nghĩ đến sẽ cho người lạ một phần cơ thể mình là rất khó.
 

Ngày càng nhiều bạn trẻ như Quỳnh Trang đăng ký hiến tạng - Ảnh: NVCC

 

Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang - cô gái 24 tuổi, làm công việc dựng phim cho một công ty truyền thông ở TP.HCM - cũng vậy.

"Mình còn may mắn, có sức khỏe, chưa phải nằm viện hoặc đi chăm bệnh cho ai. May mắn đó đem lại cho mình một thái độ sống thờ ơ mà trước đó bản thân không nhận ra" - Quỳnh Trang mở đầu câu chuyện về lý do quyết định hiến tạng cho y học của mình.

Trong trường hợp lý tưởng, một người hiến tạng có thể cứu được 8-10 người. Mình nghĩ hiến tạng khi còn sống thì... quả là cần đắn đo, nhưng qua đời rồi mới hiến thì mình làm được", Quỳnh Trang nói.

"Mình biết hiến tạng là rất quý, các bệnh viện cho biết luôn thiếu và rất thiếu. Trong trường hợp lý tưởng, một người hiến tạng có thể cứu được 8-10 người. Mình nghĩ hiến tạng khi còn sống thì... quả là cần đắn đo, nhưng qua đời rồi mới hiến thì mình làm được" - Quỳnh Trang bộc bạch.

Cũng giống như hai cô gái trên, Hoàng Hà (30 tuổi, nhân viên truyền thông, TP.HCM) quyết định hiến xác khi qua đời và Hà muốn cho người khác thấy thái độ lạc quan, dí dỏm về quyết định này. "Mình tin bản thân đủ chín chắn để ra quyết định. Tất nhiên nếu bạn có muốn làm thì hãy làm sớm, lúc còn đang trẻ trung, khỏe mạnh, xinh đẹp và yêu đời" - cô nói.

Đấu tranh với người thân

Nhưng không phải ai cũng tự quyết hoặc được gia đình, người thân ủng hộ về quyết định hiến tạng, hiến xác. Có những ý kiến "chống hiến tạng" ra đời. Lý do và lập luận của những người ngoài cuộc đưa ra lời khuyên không nên hiến tạng thường cũng rất có lý.

"Khi mình hỏi bạn bè có đưa ra lời khuyên gì cho quyết định hiến xác của mình không thì đa số mọi người đều ngăn cản. Thấy sợ là cảm giác của nhiều người, họ cho biết dù lúc đó chết rồi nhưng vẫn thấy ghê ghê. Kiểu như chết không toàn thây" - Uyển Nhi cho biết khi tham khảo ý kiến bạn bè về vấn đề này.

Rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng ngày nay vẫn là định kiến và quan niệm cũ. Ngay cả với những người đồng ý cho người thân hiến tạng sau đó cũng phải chịu áp lực từ những chỉ trích của họ hàng và bạn bè.

Quỳnh Trang cho biết mình vẫn thường nhắc bản thân "Focus on the good" (Tập trung vào những điều tốt đẹp). Cô tin vào những bác sĩ có tâm, có tài và mong muốn mọi người thấy niềm tin vào y học để có cái nhìn thoáng hơn về quyết định mình đưa ra.

Như chính cô cũng gặp những cản ngại ấy: "Người thân của mình thì cho rằng đó là điềm gở. Họ khuyên mình sống hay chết cũng phải đầy đủ bộ phận. Nhiều lúc cũng bị dao động và có hơi sợ trước những lý do mà họ đưa ra để cản, nhưng rồi mình vẫn vượt qua".

Giới trẻ đã cởi mở hơn

Theo ThS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy - trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, một cuộc khảo sát trên cộng đồng trẻ cho thấy tỉ lệ bạn trẻ đồng ý hiến tạng lên đến 67-70%, đây là một con số khả quan. Nhưng đó là khảo sát, còn trong thực tế chưa thống kê được con số cụ thể.

Bác sĩ Diễm Thúy cho rằng giới trẻ rất cởi mở, tuy nhiên có vài vấn đề xã hội chung khiến họ còn đắn đo trong việc hiến tặng tạng. Vấn đề về tôn giáo, văn hóa, gia đình và các định kiến xã hội về "cái chết toàn thây" là rào cản khiến các bạn bị lung lay ý chí khi thực hiện việc làm ý nghĩa này.

Cách làm tốt nhất để mọi người có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này, theo bà, là phải tuyên truyền dài hơi và bền bỉ. Tuyên truyền thông qua những người nổi tiếng, lãnh đạo các tôn giáo và những người có uy tín.

Gần 4.000 người được ghép tạng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, truy tặng cho anh Dương Hồng Quý ở Ninh Bình. Anh Quý qua đời hôm 12-12-2018 và đã hiến tim, gan, phổi, thận, mạch máu để cứu sáu người.

Trong những năm qua, nhờ mô tạng hiến tặng mà đã có gần 4.000 người được ghép tạng, trong đó có 105 người được ghép gan, gần 20 người được ghép tim, ba người được ghép phổi, hàng ngàn người được ghép thận, ghép giác mạc... Hiện có gần 20.000 người đã đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời, tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2018.

 

(Nguồn TTO) - ĐH