Hành trình biến cây sim thành cao chữa bỏng của cậu học sinh nghèo

10:11 31/12/2018     16646

Nhịp sống trẻ   Với sản phẩm cao chữa bỏng từ cây sim, học sinh Đinh Anh Tú, Trường Trung học phổ thông Phúc Trạch, tỉnh Hà Tĩnh, đã giành giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao thưởng trong tháng 12 này.

Em Đinh Anh Tú nhận giải thưởng tại Hà Nội

 

Chuẩn hóa bài thuốc dân gian

Tú cho biết, ý tưởng nghiên cứu đến với em một cách ngẫu nhiên khi đến thăm thầy giáo của mình bị bỏng. “Thầy điều trị bằng nhiều loại thuốc nhưng trong một tuần vẫn không đỡ. Tuy nhiên, khi mẹ của thầy nấu cây sim để đắp lên vết thương thì lại có chuyển biến tốt rất nhanh. Cây sim ở quê em rất nhiều nên em nghĩ ngay đến việc sản xuất thuốc điều trị bỏng, nếu nấu thành cao thì sẽ bảo quản được lâu hơn,” Tú chia sẻ.

Có ý tưởng, việc đầu tiên Tú làm là đi tìm người “dẫn đường,” đó chính là cô giáo dạy giáo dục công dân, cũng là vợ của thầy giáo bị bỏng. Tú nhanh chóng nhận được sự đồng ý của cô giáo cũng như sự hỗ trợ tích cực về kinh phí từ Trường Trung học phổ thông Phúc Trạch.

Hai cô trò bắt đầu những ngày đi chặt sim về nấu cao, hỏng, rồi lại nấu. Theo Tú, nguyên nhân chính dẫn đến việc sản phẩm bị hỏng là do em chỉ nấu thủ công nên khó trong việc căn chỉnh nhiệt độ, thành phẩm đôi khi quá khô và thay vì dạng cao thì trở thành… bột. Cũng do nấu thủ công nên nhiệt độ cao nhất chỉ đến 100 độ C, thời gian nấu vì thế cũng lâu hơn. Thời tiết miền Trung những ngày nắng nóng càng làm cho việc nấu cao trở nên khó nhọc và vất vả, cô trò cùng đẫm mồ hôi, chỉ có những cây sim vẫn xanh lá và nở bung hoa tím trên những sườn đồi, sẵn sàng tiếp sức cho những mẻ cao nấu hỏng.

Phải mất 5 tháng nghiên cứu, nấu đi nấu lại, hai cô trò mới có được sản phẩm thành công, rút ra được tỷ lệ các thành phần nguyên liệu và thời gian nấu để có thành phẩm tốt nhất.

Nghiên cứu, điều chế vất vả, nhưng Tú bảo lúc em nản nhất là bị thất bại trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2017. Đề tài của em không đoạt giải do chưa có quy trình chuẩn hóa.

“Lúc đó em rất buồn, thấy phí sự đầu tư kinh phí của nhà trường cũng như công sức của hai cô trò, nhưng cô giáo đã động viên, khích lệ em tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất để có thể tiếp tục dự thi và đạt thành tích hôm nay,” Tú Anh chia sẻ.

Tú cho biết, tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần này, em đã được ban tổ chức giúp kết nối với các nhà khoa học, giáo sư của Đại học Dược, Hà Nội. Em cũng được trường hỗ trợ về phòng thí nghiệm, các thiết bị để có thể thử nghiệm chế phẩm. Điều đó đã giúp Tú chuẩn hóa được toàn bộ quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đến quá trình điều chế. Sản phẩm vì thế đạt chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, giá thành cũng rẻ hơn.

 

Với nguyên liệu là cây sim, sản phẩm cao trị bỏng của Đinh Anh Tú có giá rất rẻ

 

Mơ ước mở xưởng kinh doanh

Cậu học trò Hà Tĩnh khoe chế phẩm trị bỏng của em có đến ba dạng để phục vụ người bệnh, gồm dạng dịch nước, dạng cao và dạng kem. Một bộ ba sản phẩm chỉ có giá 120.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với giá các loại thuốc điều trị bỏng hiện có trên thị trường.

Em cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng em cho biết chỉ sản xuất và bán ở quy mô nhỏ. Để có thể cung ứng ra thị trường lớn hơn, em cần phải có giấy phép kinh doanh.

“Em đã có kế hoạch phát triển và chiến lược marketing theo lộ trình ba bước. Giai đoạn một là phải xây dựng xưởng và quy hoạch vùng nguyên liệu, tuyển nhân công. Giai đoạn hai là thành lập doanh nghiệp và tiến hành marketing sản phẩm trên địa bàn huyện cũng như các tỉnh miền Trung. Giai đoạn ba là mở rộng phạm vi marketing ra cả nước. Để làm được điều này em cũng cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư,” Tú hào hứng nói về dự định mà em đang ấp ủ.

Chia sẻ về giải thưởng đạt được, Đinh Anh Tú bảo đó không chỉ là sự nỗ lực của bản thân mà còn có sự tiếp sức rất lớn từ phía gia đình, cô giáo và nhà trường. Để có thể có sản phẩm chất lượng như hiện nay, em và cô giáo đã bỏ nhiều công sức nhưng Trường Trung học phổ thông Phúc Trạch chính là “nhà đầu tư mạo hiểm” khi hỗ trợ kinh phí lên đến 70 triệu đồng.

“Nhà trường, thầy cô giáo hỗ trợ không chỉ về kinh phí mà cả tinh thần, sự hướng dẫn tận tình. Nếu không có sự hỗ trợ đó thì em sẽ không thể hoàn thành đề tài nghiên cứu. Em rất cảm ơn các thầy cô giáo đã giúp đỡ để em có được vinh dự này,” Tú xúc động nói./.

 

(Nguồn vietnamplus.vn)- ĐH