Giao lưu trực tuyến 5 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020
15:37 06/03/2021 959
Nhịp sống trẻ ĐTN: Ngày 5/3, tại Hà Nội, Báo Tiền phong tổ chức giao lưu trực tuyến với 5 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 là CEO Nghiêm Tiến Viễn, Hạ sĩ Tống Văn Đông, cô giáo Hà Ánh Phượng, Võ Minh Quang và Hoàng Thị Yến.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam cho biết, năm nay, từ 154 hồ sơ đề cử, Ban Tổ chức Giải thưởng đã chọn ra 20 đề cử vào vòng bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Trong những ngày qua, 12 cơ quan báo chí đã cùng báo Tiền Phong và trang điện tử các Tỉnh, Thành đoàn trong cả nước tổ chức bình chọn trực tuyến. Đến nay đã có trên 10 triệu lượt bình chọn cho 20 đề cử và dự kiến sẽ đạt mốc 12 triệu khi vòng bình chọn khép lại.
5 khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay gồm:
CEO Nghiêm Tiến Viễn (đề cử trong lĩnh vực Kinh doanh khởi nghiệp), người đã sáng tạo GoStream - công cụ Live Stream giúp hỗ trợ cho công việc kinh doanh online hiệu quả. GoStream là một trong 4 startup nhận được đầu tư ở vòng seeding từ VinaCapital Ventures năm 2019; quán quân Techfest 2020. Anh Viễn là đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup 2021, tổ chức tại Mỹ.
Hạ sĩ Tống Văn Đông (đề cử lĩnh vực An ninh trật tự), người đã dũng cảm lao vào ngọn lửa cứu nhiều nạn nhân thoát khỏi nguy hiểm trong vụ cháy tòa nhà Cty CP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa tháng 1/2020. Trong lúc cấp bách, anh đã đưa bình dưỡng khí cho nạn nhân và bất tỉnh ngay tại hiện trường vụ cháy.
Cô giáo Hà Ánh Phượng (đề cử lĩnh vực Hoạt động xã hội) là diễn giả chính của nhiều sự kiện quốc tế như tuần lễ học tập về phát triển đa ngôn ngữ của tổ chức VVOB tại Bỉ, các hội thảo quốc tế. Cô còn là chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE Expert) và được đề án hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ ghi nhận vì những đóng góp trong giảng dạy và hỗ trợ đồng nghiệp dạy học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 năm 2020.
Võ Minh Quang (đề cử lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật), người đã giành nhiều giải trong các cuộc thi piano, như: Giải nhất và giải đặc biệt (Grandfix) bảng 13 - 17 tuổi cuộc thi Atlanta Festival Academy Competition 6/2020 tại Mỹ; giải nhất piano Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên giữa các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2020.
Hoàng Thị Yến (đề cử lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật), là liên đội trưởng năng động, đa tài; giành 2 giải nhất, 1 giải nhì cuộc thi âm nhạc của Úc dành cho người trẻ tuổi của trường Somerset College; giải nhất Piano hội thi âm nhạc cổ điển quốc tế của Mỹ năm 2020...
Chọn nhiệm vụ nhiều hiểm nguy nhưng không hối hận
Chia sẻ tại buổi giao lưu, Trung sĩ Tống Văn Đông cho biết, xuất phát từ mong muốn góp phần đem lại sự bình an cho những người xung quanh và cộng đồng, anh đã đăng ký thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng Công an Nhân dân, qua đó bén duyên trở thành chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn.
Trong lần thực hiện nhiệm v chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại tòa nhà Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Thanh Hóa (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, ngày 16/1/2020, Đông cùng đồng đội đã xả thân dập lửa và đưa các nạn nhân bên trong toà nhà ra ngoài. Đặc biệt, trong lúc cấp bách, Đông đã nhường bình dưỡng khí cho nạn nhân và bất tỉnh ngay tại hiện trường vụ cháy.
Sau hai năm làm nghề đối diện với nhiều hiểm nguy, nhưng Đông khẳng định, anh không hối hận quyết định thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn. Trong tình huống nguy cấp, Đông luôn sẵn sàng "vì nhân dân quên mình".
Với anh, đơn vị là mái nhà thứ hai và đồng đội là những người anh người em ruột thịt. “Niềm vui của chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ là có thể giúp đỡ càng nhiều nạn nhân càng tốt, giải cứu được nhiều tài sản của nạn nhân không để đám cháy lan sang các khu vực khác. Nét lãng mạn của tôi và đồng đội là được cùng nhau tham gia làm nhiệm vụ, cùng nhau đối mặt với khó khăn thử thách phía trước", Đông cho biết.
Chỉ số hạnh phúc tăng lên khi về cống hiến cho quê hương
Tốt nghiệp đại học, cô giáo Hà Ánh Phượng từ bỏ nhiều lời mời làm việc hấp dẫn tại Thủ đô Hà Nội để trở về quê hương là một xã miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Vượt qua khó khăn, Phượng đã mang đến làn gió mới cho trẻ em dân tộc thiểu số học ngoại ngữ.
Bằng niềm đam mê, khát khao được giúp trẻ dân tộc thiểu số học tiếng Anh một cách gần gũi, thân thuộc, chị đã mày mò, tìm hiểu sử dụng nền tảng chính từ nhóm giáo viên sáng tạo của Microsoft, xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới. Mô hình cho phép việc kết nối các lớp học với nhau, không hạn chế lớp học ở 4 bức tường, đặc biệt là các lớp học trên thế giới có thể kết nối với nhau cùng làm dự án, nghe giảng, gặp gỡ chuyên gia...
Không dừng lại ở đó, cô giáo Phượng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, dạy học cho các em học sinh tại khu ổ chuột Ấn Độ; lan tỏa dự án Nói không với ống hút nhựa đến hơn 40 quốc gia và đang triển khai dự án Phòng chống bạo lực trên không gian mạng.
Với sự nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ đó, cô giáo dân tộc Mường Hà Ánh Phượng trở thành 1 trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do Quỹ Varkey bình chọn năm 2020.
Nói về quyết định trở về quê làm giáo viên, Phượng chia sẻ: “Được trở về quê hương là một cơ hội chứ không phải một thách thức. Từ ngày trở về Việt Nam, tôi thấy chỉ số hạnh phúc của cá nhân tăng lên rất nhiều”.
Kiều Anh Tweet