Trong gian khó, sáng ngời y đức: Những "vị tướng" ở tuyến đầu
10:04 27/02/2022 633511
Mỗi ngày 1 tin tốt - Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp Những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM, có một nam bác sĩ còn khá trẻ, tuổi ngoài 30, nhà ở trung tâm thành phố nhưng hằng ngày chạy đi chạy về, chống dịch ở huyện Củ Chi. Đó là BS Trần Chánh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Dã chiến Củ Chi.
BS Xuân vốn là Phó Giám đốc BV huyện Củ Chi. Tháng 2-2020, khi BV Dã chiến Củ Chi được thành lập, BS Xuân được Sở Y tế TP HCM giao kiêm thêm vai trò phó giám đốc BV này. Từ ngày 12-6, BV huyện Củ Chi chuyển đổi công năng thành BV Điều trị Covid-19, BS Xuân lại đảm đương 2 vai trò mới: Giám đốc BV Điều trị Covid-19 kiêm Phó Giám đốc BV Dã chiến Củ Chi, phải chạy qua chạy lại điều phối công việc chuyên môn giữa 2 BV.
BS Trần Chánh Xuân giám sát việc phòng chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi
Thời điểm dịch bùng phát mạnh, BV Điều trị Covid-19 Củ Chi điều trị gần cả ngàn ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó nhiều ca nặng và nguy kịch. Bệnh nhân đông, quá nhiều việc, nhân viên y tế nhiều lúc đuối sức nhưng phải cố gắng bám trụ. Cũng từ đó, BS Xuân cùng nhiều đồng nghiệp phải "cắm chốt" 24/24, tạm thời xa gia đình, vợ con để tập trung cứu người.
Nhớ lại quãng thời gian dài không về với gia đình, BS Xuân hồi tưởng câu chuyện không thể quên trong cuộc đời thầy thuốc của mình. Trong lúc gần như "nội bất xuất, ngoại bất nhập" tuyến đầu chống dịch, vợ của BS Xuân cũng là một bác sĩ làm việc tại một BV ở trung tâm thành phố, không may trở thành F1, phải cách ly. Thế là 2 con nhỏ 9 tuổi và 4 tuổi "tự bơi" ở nhà.
"Nghe con thỏ thẻ qua điện thoại: "Ba ơi, khi nào ba về, khi nào mẹ về?", mình không kìm lòng được, an ủi con: "Ráng nghen con, ít bữa nữa ba, mẹ về với các con...". Dự là sẽ về nhà ít hôm với tụi nhỏ nhưng công việc cứ cuốn mình theo. Mà về cũng khó vì lo ở đây, bệnh nhân đông quá. Mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng gặp khó khăn riêng nhưng chúng tôi xác định phải dồn hết sức để chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân" - BS Xuân trải lòng.
Tất bật với bệnh nhân Covid-19 suốt nhiều tháng làm việc với cường độ cao, khốc liệt, nghiệt ngã, đối với BS chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115, là những khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời.
Thời điểm đó, BV Nhân Dân 115 là một trong những tuyến điều trị Covid-19 cao nhất trực thuộc Sở Y tế TP HCM. Với quy mô 500 giường hồi sức, trước lượng người nhập viện mỗi ngày một tăng, các y - bác sĩ của BV vừa căng mình giành giật sự sống cho các ca bệnh chuyển biến nặng vừa điều trị các bệnh thông thường.
BS Trần Văn Sóng (bên phải) tham gia cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 giai đoạn dịch bệnh khốc liệt
Bên cạnh đó, BV Nhân Dân 115 còn quản lý BV Dã chiến Bình Chánh với 2.000 bệnh nhân, cùng với chi viện nhân sự cho Khoa Hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở huyện Cần Giờ. "Có thời điểm bệnh nhân đổ dồn lên rất nhiều, xuyên ngày đêm cả hệ thống bệnh viện đôn đáo lo tiếp nhận, chăm sóc, điều trị. Chúng tôi nhập cuộc điều trị từ rất sớm với tất cả tinh thần và trách nhiệm của người thầy thuốc" - BS Sóng kể lại những ngày cao điểm chống dịch.
Ở vị trí chỉ huy chống dịch, gần như không một ngày nào "vị tướng" này ngon giấc. Hành trình chống dịch được khắc sâu trong ký ức của ông: "... Nhớ những tháng ngày cũng đi về trên con đường ấy, đường tối om, chỉ còn một mình tôi chạy xe trên đường, xa xa le lói một ánh đèn. Nhìn hình ảnh đồng đội trên xe cứu thương ngược xuôi trên đường, cảm giác buồn vời vợi, đôi mắt cay xè, thương những người bệnh không may mắn, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, thương anh em đồng đội... Tất cả anh em can trường, chiến đấu đến cùng".
Xuyên suốt những ngày dịch hoành hành cả nước, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 TP HCM, thường dẫn đoàn chi viện từ TP HCM đến nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ hỗ trợ chống dịch. Đích thân ông cùng các bác sĩ của BV khảo sát thực tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ ngành y tế địa phương sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Với những địa phương gặp khó khăn, ông quyết định xuất kho hỗ trợ thiết bị chống dịch Covid-19 ngay lúc đó.
TS-BS Nguyễn Tri Thức (thứ 7 từ phải qua) dẫn đoàn chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh
Giữa tháng 7-2021, trong lúc họp giao ban, BS Thức nhận điện thoại của một lãnh đạo TP HCM, trao đổi về việc điều động ông kiêm nhiệm giám đốc BV Hồi sức Covid-19, đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Dù bất ngờ và lo lắng liệu có đảm đương nổi cùng lúc 2 BV hay không nhưng vì được lãnh đạo thành phố tin tưởng giao phó nên ông nhận trọng trách quan trọng này và bắt tay vào việc ngay.
Đến thời điểm này, BV Hồi sức Covid-19 hoàn thành sứ mệnh. Đây là dấu son ghi đậm tinh thần chiến đấu, tinh thần đoàn kết của tất cả người con TP HCM và các tỉnh, thành đã hỗ trợ TP HCM chống dịch. Điều hạnh phúc nhất đối với BS Thức là nhịp sống đã quay lại bình thường, dù phía trước cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn tiếp diễn.
Nhớ lại những tháng ngày chống dịch dầu sôi lửa bỏng, BS Thức đúc kết: "Sự đoàn kết, hy sinh, tình người và trách nhiệm của người thầy thuốc là điều tiên quyết chiến thắng đại dịch".
TS-BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ: "Suốt thời gian qua, chúng tôi cảm nhận rõ tình người trong đại dịch, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương của nhân dân TP HCM, của cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Điều này tạo động lực rất lớn, không cho phép các y - bác sĩ gục ngã mà phải đứng lên chiến đấu hết mình".
Nguồn Báo Người Lao động Tweet