Những người trẻ tử tế

16:07 11/02/2022     527451

Mỗi ngày 1 tin tốt - Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp   ĐTN: Mang tinh thần và năng lượng tích cực, họ cống hiến cho cộng đồng bằng tất cả những gì mình có. Những câu chuyện của họ - là vệt màu sáng tươi ghép nên bức tranh về khát vọng sống tử tế...

Chúng tôi không quên gương mặt nào

Những câu chuyện rời rạc vẫn thường trở lại khi họ đã về với chuỗi ngày bình thường. Nhưng quãng thời gian “chiến đấu” với sinh - tử vẫn mãi trong lòng, khi hai tiếng Sài Gòn bất chợt rung lên, dù trong khoảnh khắc nào.

 

Bác sĩ Nguyễn Khoa Vỹ và Lê Thị Bảo Ngọc

 

Đêm 19.11.2021. Lê Thị Bảo Ngọc (sinh năm 1989) là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đang ở Huế. Cô tắt điện, thắp nến, nhắm mắt trong thanh âm của từng hồi chuông tưởng niệm người mất vì Covid-19.

“Nhưng chỉ được đâu hơn 10 phút. Tôi úp mặt vào tay chạy ra khỏi gian phòng, cũng là vùng vẫy cùng những ký ức với bệnh nhân Covid-19” - Bảo Ngọc kể.

Đêm ấy, những bác sĩ trẻ đã từng làm việc cùng nhau tại Trung tâm Hồi sức tích cực ICU Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh, từ khắp các tỉnh thành cùng nhau hồi tưởng.

“Không một ai mà chúng tôi quên được. Từng người cô, người chú, người phụ nữ mang thai khóc suốt chặng điều trị. Từng gương mặt, từng câu chuyện của họ...” - Bảo Ngọc chia sẻ.

Câu chuyện của chúng tôi lắng xuống, giữa một chiều cuối đông của đất Tam Kỳ. Ngọc vừa trở về sau hai tháng rưỡi tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì khăn gói ra Huế để học. Vừa may, những ngày cuối năm cũ, Ngọc nói bây giờ mình đủ tĩnh lặng để sớt chia những cảm xúc mà có lẽ đời này có muốn quên cũng không được.

 

Bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc cùng đồng nghiệp của mình tại TP.Hồ Chí Minh

 

Những ngày tháng 8.2021, trên mạng xôn xao vì email một nữ bác sĩ gửi cho người phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh. “Em chuyên ngành nội khoa, thời nội trú em cũng có đi hồi sức, đặt nội khí quản, cài đặt máy thở được. Liệu em có thể vào đó không? (...) Sáng nay em nói chuyện với mẹ. Em nói là thời khắc này, em không thể ăn ngon mặc đẹp, đi làm ngày 8 tiếng, về nhà bật điều hòa ngủ được. Em biết sự góp sức của em không là gì, chỉ rất bé, nhưng anh ơi, mỗi cái bé nhỏ mới thành cái lớn được phải không anh?”.

Người phụ trách khi ấy, bác sĩ Lê Minh Khôi nói, email Ngọc như một liều doping với các y bác sĩ lúc đó, để họ mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với Covid-19.

Ngọc nói có những đêm trắng đến sáng, giao ban ca trực, thì có đến 10 trường hợp tử vong. Gần như những ngày ấy trôi qua rất nặng nề trong tầng điều trị cao nhất của Sài Gòn. Bây giờ, Ngọc bảo, nhiều đêm trong giấc ngủ mình, cô còn nghe cả tiếng máy thở, còn mơ hồ bàn tay níu lấy bác sĩ của những bệnh nhân Covid-19 trở nặng...

Khi Ngọc đặt chân vào Sài Gòn được một tuần, thì ở Quảng Nam, một đoàn y bác sĩ tình nguyện - là những người trẻ của các bệnh viện, trung tâm y tế trên toàn tỉnh cũng lên đường vào Nam.

Bác sĩ Nguyễn Khoa Vỹ (sinh năm 1993; công tác tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam) được tin cậy chọn làm trưởng đoàn y tế chi viện cho TP.Hồ Chí Minh. Với 30 y bác sĩ, tuổi đời rất trẻ, họ lựa chọn sống tử tế bằng cách đi vào tâm dịch, tham gia cùng đồng nghiệp săn sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Giữa vùng đỏ, là tuổi xanh, thanh xuân của những người lựa chọn màu áo trắng làm sự nghiệp cuộc đời.

Nguyễn Khoa Vỹ nói, anh cũng như tất cả đồng nghiệp xung phong vào tâm dịch khi ấy, đều mang trong mình tinh thần xung kích của thanh niên, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng vì người bệnh của thầy thuốc.

Và cả tâm thế sẵn sàng cho thời gian công tác kéo dài... Những hành trang đó, giúp từng gương mặt trẻ của Quảng Nam đương đầu với khó khăn của những ngày Sài Gòn bất ổn.

Rất nhiều gương mặt chúng tôi gặp trong thời gian vừa qua. Những người bận áo blouse trắng đều tuổi đời rất trẻ. Họ có thể là Nhung từ Phú Thọ vào, là bác sĩ Huỳnh Hữu Đại từ Sài Gòn ra Quảng Nam chi viện, và rồi là Vỹ, là Ngọc, là Đặng Minh Hiệu...

Họ đều không muốn làm anh hùng, được xưng tụng là anh hùng. Chỉ đơn giản, những người trẻ trong sắc phục trắng của ngành y, đang hết lòng vì công việc của mình. Công việc ấy cho họ niềm hạnh phúc, cho họ nụ cười mỗi khi bệnh nhân ra viện, cho họ cái siết tay thật chặt của những đồng nghiệp dù có thể chưa từng thấy mặt nhau...

Hạnh phúc, ở đâu cũng sẽ có

Trà Thị Thu vẫn đang tất bật chuẩn bị cho học trò của mình được “ăn tết”. Hình ảnh cô giáo nhỏ nhắn, gương mặt lúc nào cũng rạng ngời đã truyền đi những năng lượng tích cực...

 

Cô giáo Trà Thị Thu

 

Đã gần 8 năm, cô giáo Trà Thị Thu gắn bó với nhiều điểm trường của huyện vùng cao Nam Trà My. Từ giáo viên mầm non, đến tiểu học, từng thôn của xã Trà Tập đều in dấu chân cô giáo trẻ này.

Nhưng phải đến năm học 2019 - 2020, ở điểm trường Tắk Pổ, Trà Thị Thu được nhiều người khắp nơi biết tới vì những bức ảnh gây xúc động về buổi tựu trường của học trò vùng cao. Cơ duyên này đã giúp trẻ con nơi đây được học tập trong một ngôi trường mới với tường xây ngói đỏ, từ sự hỗ trợ của cộng đồng khắp nơi.

Quen với từng nóc, từng người dân, từng đứa trẻ của Trà Tập, Trà Thị Thu như quen luôn cả việc mình được bà con ở đây xem như người của làng. Và đó cũng là niềm hạnh phúc để Thu gắn bó thanh xuân của mình tại đây.

“Mình còn trẻ, nếu thấy ở đâu khó khăn, đủ sức và có ham muốn đi tới thì cứ đi. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc ở đâu cũng sẽ có, mình tự tạo được niềm vui thôi. Giờ tôi thấy mọi thứ mình đang có, đang hằng ngày ở đây là quá đủ rồi” - Thu nói.

Có lẽ những ngày tháng đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất trong nghề dạy học của cô giáo trẻ này là ở ngay đây, trên những ngôi trường của các nóc vùng cao.

Trà Thị Thu là nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2020. Năm học 2020 - 2021, Trà Thị Thu là đại diện duy nhất của Quảng Nam được tuyên dương giáo viên tiêu biểu xuất sắc toàn quốc và cũng là người trẻ nhất trong số 50 điển hình được tuyên dương.

Giải thưởng này được trao cho giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Vẫn không ngừng tìm kiếm những phương pháp giáo dục gần gũi và dễ tiếp cận với học sinh, Thu ngày đêm học hỏi và đưa ra những kiến giải phù hợp với học sinh vùng cao.

Người ta sẽ còn nhớ mãi một cô giáo Thu với chiếc xe máy chất hàng cao quá đầu, vượt những gập ghềnh tới từng nóc, không ngại hiểm nguy rình rập, mang nhu yếu phẩm cho học trò đang thực hiện cách ly, vào những ngày Nam Trà My bùng dịch hồi tháng 10.2021.

Thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My nói, nếu không tâm huyết, không yêu thương học trò, thì những giáo viên trẻ, sẽ chẳng thể nào trụ bám lại cùng học sinh miền núi.

Trà Thị Thu, vẫn một nụ cười thật tươi: “Hạnh phúc, ở đâu cũng sẽ có, chỉ cần tin yêu”!

Tiên phong cùng chuyển đổi số

Không ngừng sáng tạo trong công việc, anh Võ Ngọc Viên (SN 1991, công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh) là công chức trẻ duy nhất của Quảng Nam được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc” lần thứ VIII - năm 2021.

 

Đồng chí Võ Ngọc Viên

 

Gần 4 năm đảm nhiệm vị trí chuyên viên tin học, thuộc Phòng Tài vụ - Quản trị, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ khắc phục, xử lý kịp thời sự cố về máy tính, đảm bảo an toàn thông tin mạng, Võ Ngọc Viên còn có nhiều sáng kiến nổi bật, góp phần rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết công việc và thủ tục hành chính tại đơn vị.

Ngọc Viên kể, năm 2018 - năm đầu vào làm việc ở cơ quan, được lãnh đạo phòng giao nhiệm vụ hỗ trợ triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến cho Văn phòng Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh và các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn Quảng Nam, anh nhận thấy mỗi loại chữ ký số tương thích với một phiên bản Java khác nhau nên việc hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.

Nhận ra vấn đề, anh vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm các phiên bản Java khác nhau để tìm ra phiên bản phù hợp nhất. Sau thời gian ngắn, anh đã tìm ra phiên bản Java version 8 update 181 tương thích nhất với chứng thư số dùng cho chương trình DVC.

Sáng kiến này được Cục Công nghệ thông tin - KBNN cho phép sử dụng tại Quảng Nam. Sau hơn 5 tháng áp dụng, sáng kiến đã giúp việc vận hành chương trình DVC trực tuyến KBNN trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, thông suốt.

Trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực KBNN, những cán bộ, công chức trẻ là hạt nhân tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, góp phần quản lý quỹ ngân sách nhà nước minh bạch, hiệu quả, an toàn.

Bằng trí tò mò của “dân” công nghệ thông tin, anh Viên thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc các ứng dụng, phần mềm dùng chung trong ngành. Đồng thời trực tiếp ghi nhận, nắm bắt ý kiến của người sử dụng để kịp thời hỗ trợ, khắc phục hoặc cải tiến để các phần mềm phát huy tối đa hiệu quả...

Gần đây nhất anh phối hợp cùng kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng ứng dụng “Lập báo cáo chi phòng chống dịch Covid-19”, giúp việc tổng hợp, báo cáo số liệu dễ dàng, nhanh chóng.

Từ những ngày đầu nhận công tác, Võ Ngọc Viên tham gia hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về sử dụng DVC trực tuyến trong thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực KBNN.

Đến nay, tất cả đơn vị quan hệ ngân sách đã tham gia DVC trong giao dịch với KBNN (trừ khối an ninh, quốc phòng) và đều được thực hiện trực tuyến ở mức độ 4. Hàng năm, anh còn cùng cán bộ công nghệ thông tin ở đơn vị về KBNN các địa phương để kiểm tra, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống máy tính...

“KBNN nói chung và KBNN Quảng Nam nói riêng đang tích cực đi đầu trong chuyển đổi số bằng triển khai DVC trực tuyến, giúp các đơn vị giao dịch hoàn toàn bằng phương thức điện tử, từ việc nhập chứng từ cho đến đối chiếu đều thực hiện trên hệ thống DVC của KBNN...

Là công chức hỗ trợ DVC KBNN cho các đơn vị quan hệ ngân sách trên địa bàn, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và trau dồi thêm kỹ năng nhằm đóng góp phần nhỏ công sức vào công cuộc chuyển đổi số của KBNN, hướng đến hình thành “kho bạc số”, giúp các dịch vụ quan hệ ngân sách nhận thấy được tiện ích của việc sử dụng DVC KBNN” - anh Viên chia sẻ.

Khát vọng thể hiện từ cách sống, cách làm việc

“Lợi thế của mình là sức trẻ, khả năng tiếp cận những điều mới mẻ lẫn nhiệt huyết làm việc và cống hiến. Đó sẽ là điều kiện quan trọng để bổ khuyết cho những mặt còn thiếu sót, giúp mình phấn đấu thực hiện tốt nhất những gì mình có thể làm. Khát vọng sẽ được thể hiện ở ngay chính vị trí công việc mà mình đang làm, ở cách tiếp nhận và thái độ sống, thái độ làm việc” - Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Cục Quản lý thị trưởng tỉnh chia sẻ.

 

Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bí thư Chi đoàn Cục Quản lý thị trường tỉnh

 

Vừa bước qua tuổi 31, Mỹ Linh đang là Bí thư Chi đoàn Cục Quản lý thị trường. Những năm tháng làm việc tại Đội số 10 thuộc Chi cục Quản lý thị trường (cũ, nay đã được nâng lên thành Cục Quản lý thị trường) giúp Linh hiểu thêm về đặc thù công việc, biết tính chất công việc ở cơ sở, từ đó làm tốt vai trò tham mưu trong công tác tổ chức, hành chính của đơn vị.

Linh chia sẻ, nơi cô công tác có gần nửa nhân sự là người trẻ, là điều kiện thuận lợi để phát huy được sự nhanh nhạy, đoàn kết, tác phong chuyên nghiệp trong công việc.

Chi đoàn Thanh niên Cục Quản lý thị trường ra đời chỉ hơn một năm, sau khi được tách ra từ Chi đoàn Sở Công Thương, song đã để lại khá nhiều dấu ấn bằng các công trình, phần việc. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi đơn vị, các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội của Chi đoàn như phối hợp xây dựng nhà trẻ cho trẻ em xã Trà Leng (Nam Trà My), tham gia phòng chống dịch Covid-19, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn… được phát động, tạo sức lan tỏa rộng.

Được lãnh đạo tin tưởng và đồng nghiệp hỗ trợ, những người trẻ tại Cục Quản lý thị trường như Mỹ Linh có cơ hội thể hiện tinh thần nhiệt huyết, cống hiến của mình. Đặc thù của công việc giúp người trẻ tiếp cận với nhiều người, nhiều địa bàn, nhưng ở vai trò, vị trí nào, cũng phải đặt tinh thần, ý thức về phẩm chất đạo đức của người công chức, người thực thi công vụ lên hàng đầu.

Với cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Linh, làm tốt nhất phần việc của mình, giữ được hình ảnh thân thiện, gần dân, vì dân là cách thiết thực nhất để thể hiện khát vọng của mình với quê hương.

“Người trẻ sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới, từ đó nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tìm kiếm những sáng kiến đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Nhưng không thể tách rời việc học tập chuyên môn mà quên đi nhiệm vụ trau dồi, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức.

Biết lắng nghe, biết mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết ứng xử hài hòa với người dân và biết gắn mình với trách nhiệm cộng đồng trong các hoạt động an sinh là cách thiết thực nhất để thể hiện khát vọng tuổi trẻ, khát vọng thanh xuân của mình” - Mỹ Linh tâm sự.

 

Tỉnh đoàn Quảng Nam