"Người hùng" Phạm Bá Huy nhảy xuống dòng lũ dữ để cứu người
22:13 04/08/2019 2224
Mỗi ngày 1 tin tốt - Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp “Lúc quyết định bơi ra, tôi không nghĩ được gì nhiều, chỉ mong sao cứu được người đàn ông đang kiệt sức, chới với giữa dòng lũ dữ”, đó là tâm sự của anh Phạm Bá Huy, bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn khi nhắc đến câu chuyện cứu ông Lương Văn Chon (52 tuổi, bản Sa Ná, xã Na Mèo) vào chiều ngày 3/8.
Nhắc đến câu chuyện cứu người, anh Phạm Bá Huy (26 tuổi, hiện đang làm công nhân tại xưởng chế biến lâm sản ở bản Hiềng, xã Na Mèo) cho biết: Sáng ngày 3/8, trời mưa to, lại mất điện nên xưởng anh được nghỉ làm. Đang ở trong nhà nghe tiếng gào thét của dòng nước lũ từ trên thượng nguồn đổ về nên anh cùng mọi người đã chạy ra xem thì phát hiện ông Lương Văn Chon đang chới với giữa dòng nước lũ giữa sông Luồng. Mọi người liền ra hiệu cho ông Lương Văn Chon bám và trèo lên cành cây ở gần đó.
Anh Phạm Bá Huy kể lại sự việc |
Từ khi ông Chon bị mắc kẹt, có rất đông người đứng trên bờ lo lắng, các lực lượng chức năng tính toán nhiều phương án giải cứu nhưng do dòng nước quá hung dữ, không thể đưa xuồng hay bơi ra tiếp cận được nạn nhân. Khoảng 1h chiều cùng ngày, sau khi thấy ông Chon đã đuối sức nên mọi người quyết định chọn phương án cuối cùng là lợi dụng sợi dây cáp rồi buộc thêm sợ dây thừng để đưa áo phao, phao bơi cùng các vật dụng cứu trợ cần thiết tiếp cận nơi ông Chon bị mắc kẹt.
Trước tình thế nguy cấp ấy, anh Phạm Bá Huy đã xung phong, đề xuất với cơ quan chức năng bơi ra dòng lũ dữ để cứu ông Chon. Anh Huy được trang bị áo phao, can nhựa làm phao bơi rồi lần theo dây cáp. “Sau khi vật lộn với dòng nước đang cuồn cuộn chảy, tôi đã ra được điểm ông Chon bị mắc kẹt. Trong quá trình di chuyển, dòng nước đã làm cho các vật dụng quấn chặt vào dây cáp nên phải mất gần 2h đồng hồ tôi mới gỡ được áo phao, phao bơi để mặc được vào người cho nạn nhân và ra hiệu cho mọi người kéo nạn nhân vào bờ an toàn. Lúc này nạn nhân gần như đã kiệt sức, trên người có rất nhiều vết thương, tinh thần hoảng loạn”, anh Huy cho biết.
Thế nhưng, đúng lúc anh Huy bám theo sợi dây, chuẩn bị trở lại vào bờ, thì nước lũ sông Luồng dâng cao cuồn cuộn, chảy xiết, khiến sợi dây cáp bị đứt, buộc lòng anh Huy phải quay trở lại chính vị trí của người mình vừa cứu thoát.
Anh Phạm Bá Huy một mình giữa dòng lũ dữ |
Sự cố này xảy ra, khiến hàng trăm người dân, lãnh đạo huyện Quan Sơn, lực lương chức năng, như Công an, Quân đội... đã tập tập trung về bờ sông, để tìm phương án cứu hộ anh Huy.
Tuy nhiên, nước sông Luồng ngày càng dâng cao, chảy xiết, khiến mọi phương án cứu trợ tại chỗ gần như... vô vọng. Càng về chiều tối, trời mưa càng lớn, nước sông Luồng dâng cao cuồn cuộn. Xung quanh nơi anh Huy mắc kẹt có một cây gỗ và bụi luồng rất lớn bị nước xô đẩy, đe dọa cuốn trôi. Nếu cây gỗ và bụi luồng kia bị bật gốc, chắc chắn sẽ kéo theo cả gốc cây anh Huy đang bị mắc kẹt trên ngọn.
Bên cạnh đó, nước lũ xoáy vào chân cột điện cao thế bắc qua sông Luồng, đe dọa sẽ bị đổ cột. Ở phía trong bờ, lãnh đạo xã Na Mèo dùng loa cầm tay để kêu gọi anh Huy hãy bình tĩnh, chờ đội cứu nạn, cứu hộ lên giúp đỡ. Nhiều người đứng trên bờ bắt đầu lo lắng, sốt ruột vì trời sắp tối, nước sông dâng mỗi lúc một lớn, mà đội cứu hộ cứu nạn chưa lên tới hiện trường. Đúng lúc mọi người đang trở nên hoang mang, lo lắng nhất, thì bỗng thấy anh Huy đứng trên ngọn cây, huơ chân, huơ tay làm động tác khởi động.
Sau đó, mọi người hốt hoảng khi thấy Huy ôm hai chiếc can nhựa, lao mình xuống dòng nước lũ, tự bơi xuôi vào bờ tả sông Luồng. Lúc này, ai nấy ở trên bờ đều hò la chạy xuôi dòng sông Luồng để theo dõi anh Huy. Sau khi vật lộn với dòng lũ dữ, anh Huy đã tiếp cận được vào phía bờ tả sông Luồng, cách hiện trường bị mắc kẹt khoảng 500 mét.
Anh Phạm Bá Huy khi đã bơi được sang bờ bên kia sông |
Nhớ lại thời khắc kinh hoàng ấy, anh Huy cười bảo: "Trời tối, nước lũ tiếp tục dâng cao, người bắt đầu thấm mệt, không còn cách nào khác, tôi đành đánh liều nhảy xuống sông, bơi theo dòng lũ sang bên kia sông. Sau khi bơi khoảng 500m, tôi tiếp cận được bờ, lúc này cảm thấy sức mình như đã kiệt, tôi chui vào chòi canh ngô của dân bản mượn quần áo để mặc và ngủ nhờ. Sáng hôm sau, tôi đi dọc bờ sông rồi tìm cách bơi ngược về bản".
Bao nhiêu năm sống dọc bờ sông Luồng, ngay từ khi 7, 8 tuổi Phạm Văn Huy đã biết bơi thành thạo. Thế nhưng, nghĩ lại thời điểm đứng giữa dòng nước hung dữ ấy, anh vẫn còn run sợ. “Lúc ấy, chỉ nghĩ đến người thân đang chờ mình ở trên bờ nên phải bằng cách nào đó để giành sự sống cho mình. Nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn cách nhảy xuống dòng lũ dữ để cứu người”, anh Huy mỉm cười.
theo Báo Thanh Hoá (KA) Tweet