Tỏa sáng vì cộng đồng: Dạy trẻ câm điếc học tiếng Anh
09:08 15/03/2019 4645
Thanh niên tình nguyện Một lớp học không có tiếng giảng bài, cũng không có những lời thì thầm trao đổi của học sinh mà lâu lâu chỉ nghe được hai tiếng 'ơ, a'.
Những tình nguyện viên nỗ lực dạy tiếng Anh cho học sinh câm điếc mỗi ngày
Đây là lớp học của những đứa trẻ không còn khả năng nghe nói và các em đang học tiếng Anh như những học sinh bình thường khác.
Câu chuyện nỗ lực dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính của nhóm bạn trẻ tại TP.HCM khiến người viết tò mò. Lân la dò hỏi đến Trường chuyên biệt Anh Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tận mắt chứng kiến những bạn trẻ của dự án Hear.Us.Now (HUN) đang cố gắng mỗi ngày để biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể, càng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Người thành lập dự án này là Lê Đình Hiếu - Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA, ra trường đầu quân cho tập đoàn tài chính lớn tầm cỡ thế giới nhưng lại từ bỏ tất cả để về nước thực hiện các dự án vì cộng đồng. HUN là một trong những dự án đầy tâm huyết của Lê Đình Hiếu.
Hiếu kể, HUN bắt đầu từ câu chuyện của mẹ anh. Năm anh học lớp 9, mẹ anh điếc hoàn toàn. Kể từ đó, thế giới của bà không còn bất kỳ âm thanh kỳ diệu nào của cuộc sống này.
Ngày nhỏ, mẹ dạy anh chơi đàn piano, hướng dẫn cụ thể, nhận xét từng nốt nhạc. Nhưng dần dần, bà chỉ dạy con cách đặt ngón tay ra sao, dáng ngồi như thế nào. Ngày ấy, không biết bệnh tình của mẹ, anh từng nghĩ mẹ "làm biếng". Những năm đầu bị giảm thính lực, mẹ anh giấu các con và cố gắng thích nghi với cuộc sống thường nhật. Bị khiếm thính và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống nhưng bà luôn lạc quan và động viên các con hãy biến khó khăn thành động lực cố gắng. Nghị lực của mẹ đã tiếp thêm động lực để anh thành lập HUN.
“Mình mong muốn mang lại sự bình đẳng giáo dục dành cho người khiếm thính, lan tỏa đến mọi người thông điệp yêu thương và gửi đến các bạn khiếm thính niềm tin trong cuộc sống. Nhưng cả nước có đến hơn 3 triệu người câm điếc, dự án của mình hiện tại chỉ có thể hỗ trợ khoảng 300 suất học miễn phí. Con số này như muối bỏ bể nhưng mình vẫn cố gắng trong khả năng hữu hạn. Vì thế mình hy vọng mọi người chung tay giúp đỡ người khiếm thính để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh Hiếu gửi gắm.
Anh Lê Đình Hiếu trong một buổi trò chuyện với bạn trẻ
"Với mình, tiền bạc có thể đến và đi bất kỳ lúc nào, nhưng những gì mà chúng ta để lại cho xã hội sẽ luôn còn mãi và là nền móng vững chắc trong việc kiến thiết nên một xã hội tốt đẹp hơn", anh Lê Đình Hiếu nói.
Mang đến nhiều cơ hội học tập
Khi mới thành lập, dự án thử nghiệm cho 7 em khiếm thính tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED), thấy được khả năng và sự ham thích học tiếng Anh của các bé, anh Hiếu quyết định phát triển mạnh dự án này. Hợp tác với Trường giáo dục chuyên biệt Anh Minh và giáo trình được thiết kế theo chuẩn của Bộ GD-ĐT.
Hiện tại dự án đang đảm nhận dạy hoàn toàn miễn phí cho 7 đầu lớp khối THCS tại trường. Nỗ lực của nhóm đã được đền đáp khi năm học 2016 - 2017, lần đầu tiên học sinh câm điếc của Trường tư thục giáo dục chuyên biệt Anh Minh (TP.HCM) được tham gia thi tốt nghiệp THCS cùng học sinh thuộc các trường phổ thông khác, trong đó có cả môn tiếng Anh. Kết quả đạt được của các em khá cao, đa phần đều ở mức 9 và 9,5 điểm môn tiếng Anh.
Đây chính là động lực để anh Hiếu và toàn bộ tình nguyện viên của dự án tiếp tục cố gắng mỗi ngày.
Hiện tại, nhóm cũng đã xây dựng nền tảng học tiếng Anh trực tuyến của các khối lớp 6, 7, 8. Các bạn khiếm thính có thể học tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu hoàn toàn miễn phí mọi lúc mọi nơi. Không những thế, dự án còn thực hiện chuỗi chương trình hướng nghiệp cho các em khiếm thính, đều mang lại những kết quả khả quan.
Bên cạnh tiếng Anh, nhóm còn trang bị cho người khiếm thính kỹ năng tin học tương đương trình độ bằng A và đã phổ cập tin học thành công cho hàng ngàn trẻ mồ côi tại Việt Nam.
Từ bỏ những chân trời đầy mơ ước, về nước thực hiện các dự án vì cộng đồng, nhưng khi được hỏi về động lực, anh Hiếu nói: “Đơn giản thôi, vì mình là người VN, mình muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình cho đất nước và cộng đồng. Với mình, tiền bạc có thể đến và đi bất kỳ lúc nào, nhưng những gì mà chúng ta để lại cho xã hội sẽ luôn còn mãi và là nền móng vững chắc trong việc kiến thiết nên một xã hội tốt đẹp hơn”.
Truyền cảm hứng cho người trẻ Không chỉ thực hiện dự án HUN, Lê Đình Hiếu còn được mọi người biết ở nhiều vị trí khác nhau. Hiếu sáng lập Học viện Đào tạo phương pháp tư duy và kỹ năng sống G.A.P. Hiếu đi khắp cả nước thực hiện dự án JAS (Job Application Skills), đây là hành trình Hiếu đi qua các trường THPT và đại học để kể những câu chuyện về những mô hình giáo dục khai phóng đã phát triển ra sao, các nước đã tiến hành đào tạo một thế hệ công dân toàn cầu mới như thế nào, những người Việt trẻ xuất sắc đã vẽ nên một hình hài mới của nước Việt ra sao… Với mong muốn truyền tải cho các bạn trẻ rằng các bạn hoàn toàn có thể và cũng mong muốn được nghe các bạn trẻ kể lại “các bạn cần gì”, để từ đó Hiếu tiếp tục hành trình vì người trẻ, vì cộng đồng của mình. Mỗi học sinh, người trẻ nghe những câu chuyện truyền cảm hứng của anh Hiếu sẽ hoàn toàn không mất phí. Nhưng thay vào đó, các bạn góp mỗi người một quyển sách không còn dùng đến để quyên góp trực tiếp vào các thư viện địa phương và các dự án sách hỗ trợ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Nỗ lực của nhiều bạn trẻ dự án HUN Phạm Hữu Thịnh, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng như nhiều bạn trẻ của dự án, phải nỗ lực mỗi ngày để học ngôn ngữ ký hiệu và học cách để giảng bài sao cho các em dù không còn khả năng nghe nói vẫn có thể học được tiếng Anh. “Dạy tiếng Việt cho các em đã khó, dạy tiếng Anh lại là cả một quá trình gian nan. Nhất là khi dạy các thì, các động từ bất quy tắc, rồi cách chia động từ… diễn giải mãi nhưng các em vẫn không hiểu. Nhiều khi bất lực muốn nói phắt ra cho xong nhưng những lúc như vậy lại thấy thương nỗ lực để đi học của các em hơn”, Thịnh chia sẻ. “Giờ cũng quen dần nên đỡ vất vả hơn nhiều, lúc đầu đến lớp rất sợ vì các bé không nói gì hết, đến gần mình rồi tay chân cứ múa lung tung. Tuần đầu tiên thử việc đã muốn nghỉ, nhưng càng đi sâu lại càng yêu các em nhiều hơn. Đã tự an ủi bản thân là ráng đến hết học kỳ thôi, nhưng giờ nhìn lại đã đi được cùng các em 4 năm rồi”, Thịnh tâm sự. |
(Nguồn TNO)- ĐH Tweet