Thực phẩm chức năng của học sinh Việt giành giải Nhất thi khởi nghiệp

13:43 11/02/2019     1634

3 Chương trình   Dự án Sản xuất thực phẩm chức năng Nano Rutin của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội, đã xuất sắc giành giải Nhất khối trung học phổ thông trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2018.

Bùi Hương Ly đại diện cho nhóm nhận giải nhất từ ban tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” 2018

 

“Rutin thông thường có kích cỡ hạt micromet nên rất to và khó hòa tan trong nước. Sản phẩm của chúng em là rutin được bào chế theo dạng nano với kích thước nhỏ hơn 50 nanomet, gần như hòa tan trong nước, vì thế có hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần rutin thông thường. Đây là sản phẩm rất tốt cho người bị đột quỵ hoặc muốn phòng ngừa đột quỵ,” Dương Xuân Anh, thành viên nhóm dự án tự hào nói.

Đánh thức tiềm năng của rutin

Nhóm của Xuân Anh có 5 thành viên, gồm nhóm trưởng Bùi Hương Ly, nhóm phó Lưu Hải Long, cùng 3 thành viên khác là Dương Xuân Anh, Nguyễn Đức Hiếu, Phạm Quang Huy. Trong đó có tới bốn bạn có người thân bị đột quỵ. “Đó cũng là lý do chúng em có ý tưởng nghiên cứu, điều chế loại sản phẩm này, trước hết là để giúp cho người thân của mình có loại sản phẩm tốt nhất để sử dụng,” Xuân Anh chia sẻ.

Nói về dự án của mình, nhóm trưởng Bùi Hương Ly, cũng là thành viên nữ duy nhất cho biết, rutin được chiết xuất từ thảo dược, có trong cây vân hương (tên khoa học là cây ruta graveolens), hoa hòe, hạt kiều mạch, vỏ các quả cam, nho, chanh…

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rutin có tác dụng làm vững bền thành mạch, giảm tính thấm mao mạch, phục hồi sự đàn hồi của mao mạch nên thường được dùng trong các chứng giãn tĩnh mạch, dễ chảy máu. Rutin còn là một phân tử tự nhiên có đặc tính chống oxy hóa mạnh và dọn dẹp gốc tự do có hiệu quả, vì thế có nhiều tiềm năng điều trị các bệnh như ung thư, các chứng viêm mạn tính, các bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson…

“Rutin có giá trị y tế lớn nhưng sinh khả dụng của rutin qua đường uống rất thấp vì ít hòa tan trong nước. Việc sản xuất rutin dưới dạng các tiểu phần có đường kính anomet, sau đó kết hợp với các hệ dẫn thuốc khác nhau, tạo ra các phức hợp khác nhau, sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn cho người bệnh,” Ly phân tích.

Với mục tiêu sản xuất rutin kích thước nano, bắt đầu tiến hành nghiên cứu từ tháng 1/2018, nhóm của Xuân Anh mất 11 tháng để có thể điều chế thành công sản phẩm. Nguyên liệu đầu vào là sản phẩm rutin 98% của một công ty chuyên cung cấp nguyên liệu thực phẩm chức năng, nhóm được sự hỗ trợ về thiết bị thí nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Chúng em đã gặp rất nhiều khó khăn, không thể nhớ nổi đã bị thất bại bao nhiêu lần. Cứ điều chế nhưng lại không thể ra được kích thước sản phẩm nhỏ như mong đợi. Cả nhóm lăn lê ở phòng thí nghiệm. Rất may là dù mất gần một năm cứ làm rồi lại hỏng, nhưng không ai nản lòng. Cuối cùng thì chúng em cũng điều chế được hạt nano với kích thước nhỏ hơn 50 nanomet,” Phạm Quang Huy chia sẻ.

Theo nhóm trưởng Bùi Hương Ly, sản phẩm Nano Rutin của nhóm với sinh khả dụng gấp nhiều lần rutin thông thường với chức năng làm bền thành mạch máu, giảm nguy cơ tăng huyết áp, giảm nguy cơ tái đột quỵ, tăng sức đề kháng, chống oxy hóa sẽ giúp cho người dùng phòng ngừa bệnh đột quỵ và hỗ trợ cho người phục hồi sau đột quỵ. Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng bởi các cơ quan chức năng.

 

Các thành viên của nhóm trong phòng thí nghiệm điều chế sản phẩm nano rutin. (Ảnh: NVCC)

 

Start-up kiểu ‘nhà nghèo’

Phạm Quang Huy cho biết, nhóm đang triển khai kế hoạch kinh doanh sản phẩm của mình. Để được bổ sung kiến thức về thương mại hóa sản phẩm, nhóm đã liên hệ và được sự giúp đỡ của Đại học Ngoại thương trong việc lên kế hoạch.

Định hướng phương thức kinh doanh hiện đại, nhóm đã ứng dụng công nghệ Blockchain và thiết kế ra phần mềm ứng dụng App Nano Rutin trên nền tảng Android.

Không thể quảng cáo trên Facebook hay Google vì giá cả đắt đỏ, nhóm đã chọn cách tiếp cận các tài xế Grap và nhờ họ làm kênh trung gian giới thiệu app cũng như sản phẩm cho khách hàng.

“Chúng em phải tiếp cận với từng tài xế, đi xe của họ và tranh thủ thời gian đó giới thiệu sản phẩm, giới thiệu app cũng như chế độ khi họ bán được sản phẩm. Cách này cũng rất khó khăn vì các tài xế đôi khi không hiểu hoặc có những khi chuyến đi quá ngắn, trong khi mỗi lần đi chỉ tiếp cận được với một tài xế. Vì thế, chúng em tốn rất nhiều thời gian, công sức,” Bùi Hương Ly chia sẻ.

Đội trưởng của nhóm nghiên cứu bày tỏ mong muốn được tiếp cận với các công ty vận tải tổ chức một buổi giới thiệu chung cho các tài xế, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời tạo sự tin tưởng hơn cho họ trong quá trình quảng bá sản phẩm.

“Chúng em hy vọng sản phẩm của mình sẽ lan tỏa, mang lại cơ hội điều trị cho nhiều người, nhất là những người bị bệnh đột quỵ hoặc có nguy cơ bị đột quỵ,” Ly nói./.

 

(Nguồn vietnamplus.vn)- ĐH