Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, kiên trì, dũng cảm
22:10 12/05/2024 5761
3 Chương trình Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì, dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách để hướng tới thành công.
Hơn 3.000 dự án và 4.000 ý tưởng khởi nghiệp
Ngày 12.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về dự khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) lần thứ 6 diễn ra tại Trường đại học Cần Thơ. Ngày hội do Bộ GD-ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn, UBND TP.Cần Thơ tổ chức.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Tham dự ngày hội còn có đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV)
Báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết ngày hội là một trong những chương trình có ý nghĩa khoa học và xã hội to lớn, là sân chơi trí tuệ rộng mở để khẳng định, tôn vinh sức sáng tạo, thành quả của HSSV Việt Nam. Đặc biệt sau 6 năm triển khai, Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đến nay, 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. 90% học sinh THPT, sinh viên đại học, cao đẳng được tuyên truyền, giáo dục, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Đến nay, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 học sinh, sinh viên tham gia.
Đông đảo đại biểu và HSSV về dự khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần 6
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xác định việc đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong đối tượng đoàn viên là học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn các cấp đã vận động đoàn viên, học sinh, sinh viên đề xuất ý tưởng, sáng kiến; hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên và hỗ trợ vốn vay. Nhiều hoạt động kết nối, kêu gọi, thu hút nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được tổ chức Đoàn các cấp chú trọng triển khai, tập trung vào tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phát biểu tại ngày hội
Từ đó, nhiều chương trình, hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được triển khai hiệu quả: Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn, Cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên", Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sinh viên", liên hoan "Tuổi trẻ sáng tạo và khởi nghiệp", chương trình "Chắp cánh Sinh viên khởi nghiệp"… Đặc biệt, Đoàn đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030" tạo cơ chế để Đoàn Thanh niên và các bộ ngành chức năng phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong giai đoạn mới.
Đội ngũ tư vấn khởi nghiệp có kinh nghiệm còn ít
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách để hướng tới thành công.
Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp tạo môi trường thuận lợi cho HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025. Trong giai đoạn 2018-2023, Đề án đạt được hầu hết các mục tiêu.
Thủ tướng tham quan các gian hàng tại ngày hội và trao đổi với các sinh viên khởi nghiệp
Thủ tướng vui mừng khi các hoạt động, dự án khởi nghiệp của HSSV đều dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, dựa vào nhu cầu thị trường, tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, đi vào các vấn đề khó khăn, thách thức để đưa ra các giải pháp hóa giải, tháo gỡ… Tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16 .000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỉ đồng.
"Những con số biết nói này cho thấy phong trào khởi nghiệp trong HSSV càng ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…". Thủ tướng nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ rõ hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Cụ thể như hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nói riêng vẫn còn thiếu sự gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu; hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm giúp khởi nghiệp chưa đầy đủ… Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các địa phương còn khá thận trọng; các dự án triển khai còn ở mức độ khiêm tốn, sức lan tỏa chưa cao, tác động chưa lớn. Đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu còn ít. Tâm lý ngại rủi ro vẫn còn trong cả đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và đội ngũ chuyên gia và ngay trong HSSV.
"1 Đẩy mạnh; 2 Tăng cường; 3 Kết nối; 4 Tập trung; 5 Khuyến khích"
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả "1 Đẩy mạnh; 2 Tăng cường; 3 Kết nối; 4 Tập trung; 5 Khuyến khích".
Theo đó, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, HSSV không ngừng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp HSSV có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong HSSV, nhất là nguồn lực xã hội, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (đứng giữa) cùng các đại biểu bấm nút khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần 6
Về kết nối đó là kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với nhau; trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương và mong muốn, nhu cầu của người dân, địa phương. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.
Đối với "4 tập trung" đó là tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, HSSV. Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. Tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp. Có cơ chế bảo đảm các ý tưởng dự án được bảo hộ tránh việc mất bản quyền. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.
Cuối cùng là "5 Khuyến khích" gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, gắn việc học đi đôi với hành, tránh tình trạng học trải nghiệm không có nội dung, phương pháp làm giảm hiệu quả công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm. Khuyến khích HSSV giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu. Khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới để tạo ra giá trị mới, tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau.
Theo TNO Tweet