Thanh niên Đắk Lắk khởi nghiệp hướng đến bảo vệ môi trường
09:08 27/11/2024 630
3 Chương trình Nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, các tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, Huyện đoàn Ea Kar đã rà soát các mô hình, ý tưởng của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp hướng đến bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và lựa chọn ra các mô hình để tập trung hỗ trợ trong năm.
Nuôi dế thương phẩm, đoàn viên Nguyễn Văn Nhi tận dụng phân dế làm phân hữu cơ hướng đến bảo vệ môi trường
Mô hình “Dùng phân dế làm phân hữu cơ” của đoàn viên Nguyễn Văn Nhi (xã Ea Kmút). Từ việc nuôi dế thương phẩm để cung cấp cho cửa hàng chim cá cảnh, làm thức ăn cho gia cầm, gia súc đến việc tận dụng nguồn phân dế sẵn có để bón cây trồng đều mang tính chất bảo vệ môi trường.
Nuôi dế có thể sản sinh ra ít khí CO2 hơn so với các hình thức chăn nuôi khác, giúp giảm tác động đến biến đổi khí hậu; phân dế là một loại phân bón tự nhiên, giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện độ màu mỡ của đất mà không cần sử dụng hóa chất độc hại, làm giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu;…
Huyện Đoàn Ea Kar phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật
Mô hình “Vườn ao chuồng” (VAC) của anh Nguyễn Văn Kỳ (xã Cư Ni) áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Với sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, mô hình này không chỉ tối ưu hóa diện tích sử dụng mà còn tạo ra một hệ sinh thái tự nhiên bền vững.
Mô hình nuôi dê sinh sản của thanh niên trên địa bàn tỉnh
Mô hình “Nuôi bò sinh sản” của anh Vũ Văn Hoạt (xã Ea Păl), được áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi giúp giảm thiểu dịch bệnh và tăng năng suất chăn nuôi. Ngoài ra, mô hình này cũng góp phần giảm thiểu chất thải nhờ vào việc xử lý phụ phẩm từ chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Anh Y Bling Niê (thị trấn Ea Kar) với mô hình nuôi dê sinh sản đang trở thành xu hướng mới trong chăn nuôi. Với kỹ thuật nuôi hiện đại và quy trình tuần hoàn, đã góp phần giảm thiểu được lượng chất thải ra môi trường.
Dự án “Phát triển mô hình trái cây sấy tại địa phương” của chị Phạm Thị Nga (xã Ea M'nang, huyện Cư M'gar) tận dụng được tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế. Mỗi tháng, cơ sở của chị Nga tiêu thụ khoảng 15 tấn trái cây tươi.
Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị thuê thêm nhiều lao động thời vụ. Năm 2023, doanh thu từ sản phẩm trái cây sấy khô các loại đạt hơn 2 tỷ đồng, trong đó dứa sấy muối ớt chiếm 50%.
Dự án “Phát triển mô hình trái cây sấy tại địa phương” của chị Phạm Thị Nga là dự án duy nhất của tỉnh Đắk Lắk lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024
Dự án này của chị Nga là 1 trong 32 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Dự án “Phát triển mô hình trái cây sấy tại địa phương” của chị Phạm Thị Nga là dự án duy nhất của tỉnh Đắk Lắk lọt vào vòng chung kết. Vòng Chung kết diễn ra từ ngày 26/11 đến 29/11/2024 tại tỉnh Thái Bình.
Theo TPO Tweet