Thái Nguyên: Thanh niên làm giàu trên đất quê hương mình

09:04 18/06/2014     1783

3 Chương trình   Web.ĐTN: Từ 1 mẫu chè và 3 sào ao nuôi cá giống, với nghị lực của bản thân, anh Trần Bình Trọng (SN 1983, trú tại xóm Tân Long, xã Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên) đã tạo dựng được mô hình VAC hiệu quả, mỗi năm thu lãi trên 150 triệu đồng.
Anh Trọng là con trai cả trong một gia đình nông dân nghèo. Từ khi còn là cậu học trò lớp 6, anh đã biết phụ giúp bố mẹ trồng, hái chè, chăm sóc và bán cá giống. Đến năm 14 tuổi, bố anh đột ngột qua đời, mẹ thì đau ốm bệnh tật, 2 em còn nhỏ, cuộc sống gia đình lại càng khó khăn. Vì vậy, học hết lớp 9, anh phải xin mẹ nghỉ học để tập trung vào trồng chè, nuôi cá, mong muốn giúp gia đình vượt qua cảnh nghèo khó. Lúc đầu, việc nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi. Rồi vừa làm, anh vừa tìm hiểu thông tin trên báo, đài, nhờ đó mô hình nuôi cá cũng dần ổn định. Đến năm 2006, với gần 40 triệu đồng vốn liếng tích góp được cùng 5 triệu đồng vay từ nguồn vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế, anh tiếp tục mua thêm 7 sào ao và thuê 2 ha hồ của xóm để thả cá. Mỗi năm, anh thả từ 3-4 lứa cá giống, trừ hết chi phí, thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Kéo lưới cá lên, anh Trọng vui vẻ: “Đây là lứa cá đầu tiên của năm nay. Mỗi lứa cá kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Thời gian nuôi 1 lứa cá tùy theo nhu cầu của khách hàng. Lứa này, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, thời tiết lại thuận lợi nên tỷ lệ cá sống cao, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 25 triệu đồng. Sau đợt này, tôi sẽ thả thêm khoảng 10 nghìn con cá các loại”. Cá giống bắt đầu thả từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 8 âm lịch hằng năm. Để cá đạt tỷ lệ sống cao, cần tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc như: vét bùn, vãi vôi khử trùng ao mỗi năm 1 lần. Cá giống phải chọn những con khỏe mạnh, có vảy đều, không bị xây xát. Cần chú ý phòng bệnh cho cá ngay sau khi thả…
5
Anh Trọng với mô hình VAC của mình

Không chỉ nuôi cá, anh Trọng còn tập trung đầu tư vào chăn nuôi lợn và trồng chè. Ngoài 01 mẫu chè hạt, anh tiếp tục cải tạo đất đồi để trồng thêm 0,7 mẫu chè cành. Trừ chi phí thuê nhân công chăm sóc, thu hái, đầu tư phân bón…, mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ chè khoảng 30 triệu đồng. Mấy năm gần đây, sau khi tìm hiểu về lợi ích của mô hình VAC, anh Trọng quyết định đầu tư xây dựng 3 gian chuồng để nuôi lợn thịt. Một năm 4 lứa, mỗi lứa anh nuôi khoảng 20-30 con, trung bình mỗi năm bán ra thị trường trên 5 tấn thịt thương phẩm, thu lãi trên 30 triệu đồng/năm. Phế phụ phẩm trong chăn lợn dùng nuôi cá, tưới chè.
Với niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm cùng với sự giúp sức của các em, cuộc sống gia đình anh cũng dần có của ăn của để. Đến nay, các em của anh đều đã có gia đình riêng. Anh cùng vợ tiếp tục đầu tư phát triển mô hình VAC. Với kinh nghiệm chăn nuôi trong hơn 15 năm, cùng vốn kiến thức mới tích lũy qua các lớp tập huấn, mô hình VAC của anh chị ngày càng phát triển, mỗi tháng tạo việc làm cho 3 lao động công nhật tại địa phương (mỗi tháng 20 công/người, 100-150 nghìn đồng/công).
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trọng còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình với hơn 12 năm kinh nghiệm. Hiện tại, Chi đoàn có 15 đoàn viên. Vào các ngày lễ, Tết, Chi đoàn phối hợp với các đoàn thể khác trong xóm, vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ… Với vai trò và nhiệt huyết của cán bộ Đoàn, anh thường mang khát vọng, kinh nghiệm làm giàu của bản thân để chia sẻ, hướng dẫn các đoàn viên trong Chi đoàn vào các buổi sinh hoạt hàng tháng. Nói về anh, chị Phạm Thị Lan Anh, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Lương cho biết: "Anh Trọng là một cán bộ Đoàn năng nổ và nhiệt tình, tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng".
Với những nỗ lực của bản thân, nhiều năm liên tục, anh và Chi đoàn do anh làm Bí thư được UBND huyện, huyện đoàn Phú Lương tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn. Cá nhân anh Trọng được tỉnh đoàn tặng Giấy khen “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2008-2012, Thanh niên làm kinh tế giỏi...