Nguyễn Văn Diện làm giàu từ nuôi lợn thương phẩm

09:38 23/10/2016     1131

3 Chương trình   Web.ĐTN: “Nhìn mồ hôi, nước mắt và bao công sức của mình ra đi theo dịch bệnh, tôi xót đến tím ruột tím gan nhưng không nản. Coi đó là bài học kinh nghiệm cho mình, cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình, tôi cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để khôi phục đàn vật nuôi của mình”, anh Diện nói.
Từ hơn 2 mẫu đất chuyển đổi canh tác của gia đình, anh Nguyễn Văn Diện (sinh năm 1980, thôn Mai Thượng, xã Hưng Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình VAC, tập trung trọng tâm vào nuôi lợn thương phẩm. Nhờ chăm chỉ, cần cù, đàn lợn hơn 500 con được nuôi xen gối cho gia đình anh lợi nhuận trên 300 triệu đồng mỗi năm…

Sinh ra trong gia đình đông con ở huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn  Văn Diện từng ấp ủ mong ước được phục vụ trong lực lượng quân đội nhân dân lâu dài khi có 4 năm trong quân ngũ. Tuy nhiên, vì cảnh nhà neo người, các anh, chị em đều lập gia đình và làm việc ở xa nên Diện quyết định trở về quê hương.

Trong khi rất nhiều bạn bè đồng trang lứa chọn cách đi xuống các khu công nghiệp làm công nhân hay đi làm thuê, làm mướn ở những thành phố lớn để thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì anh Diện có suy nghĩ hoàn toàn khác. Không đắn đo, do dự, anh nghĩ, quê hương là mảnh đất phù hợp nhất với mình.


c
Anh Nguyễn Văn Diện bên mô hình chăn nuôi

Trong căn nhà khang trang mới được xây dựng, Diện hồ hởi khoe về gia đình, về những đứa con đáng yêu và những thành quả khó khăn lắm anh mới có được. “Tôi bắt đầu với mô hình VAC tại gia đình từ năm 2005 với diện tích khoảng trên 2 mẫu đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi ấy là bộn bề những khó khăn, thiếu thốn do kinh nghiệm chưa có và bản thân còn quá nhiều những bỡ ngỡ”, anh Diện kể.

Múc đất, đào ao trên hơn 2 mẫu đất nông nghiệp, anh Diện bắt đầu với việc nuôi cá, thả vịt mỗi năm cho thu hoạch 2 lứa và trồng các cây ăn quả trên bờ. Với chàng trai quê hay lam hay làm lại ham học hỏi, việc chăn nuôi không có quá nhiều khó khăn, trắc trở. Tuy nhiên, cũng từ đây, anh nhận thấy nếu chỉ đơn thuần tập trung vào ao cá và đàn vịt, bản thân anh và gia đình khó có cơ hội “đổi đời” khi hiệu quả kinh tế từ những đàn cá, vịt không cao. “Tôi tìm hiểu rất nhiều các loại gia súc, gia cầm và các con vật nuôi khác rồi cuối cùng đi đến quyết định lựa chọn chăn nuôi lợn là con vật nuôi chủ đạo của gia đình. Lý do là bởi, lợn là con vật nuôi khá dễ, ít bệnh tật và cho năng suất cao”, anh Diện chia sẻ.

Mạnh dạn đầu tư vào nuôi lợn thương phẩm, anh bỏ ra một số vốn ban đầu xây dựng chuồng trại kiên cố và chọn con giống. “Không phải là con vật nuôi quá khó nhưng nếu không may mắc dịch bệnh, nguy cơ sạt nghiệp vì đàn lợn không phải là không có”, anh Diện cho biết. Bản thân anh cũng trải qua giai đoạn khó khăn đến tưởng chừng như khó có thể vượt qua được. Ấy là năm 2013, cả đàn lợn vài trăm con của gia đình anh “dính” phải đợt dịch lợn tai xanh. Khi đó, anh bị thua lỗ đến hơn 200 triệu đồng. Trong khi không ít hộ nông dân bỏ chuồng vì sợ dịch bệnh, giá bán lợn bấp bênh, giá thức ăn cho lợn leo thang thì anh Diện vẫn kiên trì chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình.

Anh giãi bày: “Nhìn mồ hôi, nước mắt và bao công sức của mình ra đi theo dịch bệnh, tôi xót đến tím ruột tím gan nhưng không nản. Coi đó là bài học kinh nghiệm cho mình, cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình, tôi cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để khôi phục đàn vật nuôi của mình”.

Giữa những ngày hè nắng như chan lửa, đều đặn ngày hai bận, hai vợ chồng anh cặm cụi trong các khu chuồng trại, kiểm tra việc vệ sinh của đàn vật nuôi, thức ăn, nước uống, che chắn và làm vệ sinh chuồng trại tránh để dịch bệnh xuất hiện và lây lan. Anh nông dân chăm chỉ nhắc đến công việc chăn nuôi là hào hứng, phấn khởi vô cùng. Điều đó đủ để thấy, anh tâm huyết và yêu quý công việc của mình đến nhường nào. Đàn lợn, nhất là lợn nái được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin để phòng bệnh. Đồng thời định kỳ hàng tuần, hàng tháng anh phun thuốc khử trùng tiêu độc, khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh luôn phòng tránh được dịch bệnh.

Với đàn lợn trên 500 con chăn nuôi theo hình thức xen, gối cho xuất chuồng khoảng 2 tháng/lứa, anh Diện thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Tới đây, anh đang tìm hiểu và nghiên cứu việc mở rộng chuồng trại thêm khoảng 300 con. “Sau hơn chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi không ít khó khăn, thách thức này, tôi nhận ra rằng, chỉ cần sự chăm chỉ, cần cù và nỗ lực hết sức, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được quả ngọt xứng đáng. Không nơi đâu bằng quê hương mình”, anh Diện chia sẻ.