Người đi đánh thức vùng đất mới

09:32 06/07/2021     5139

3 Chương trình   ĐTN: Anh Đỗ Minh Vương, một thanh niên cần mẫn, năng động trong lao động sản xuất, cùng với khát khao của tuổi trẻ không cam chịu đói nghèo, tạo lập cuộc sống gia đình ngày một sung túc, ấm no tại Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, một vùng đất mới giữa đại ngàn Đông Trường Sơn.

 

Anh Đỗ Minh Vương cùng đàn heo ki giống

 

Vườn xanh trên núi

Sau bữa cơm giản dị trên tám mươi phần trăm là “rau vườn lá nhà”, với dĩa cá trê kho, dĩa thịt heo luộc, bát canh chả cá kèm dĩa ớt xanh bắt mắt, tôi nhờ Vương đưa ra vườn tiếp tục câu chuyện dở dang trong bữa cơm.

Vương cho biết, lúc mới vô làng, được cấp thửa đất 1.200 mét vuông, anh dành gần 200m2 cất nhà, bếp, công trình phụ và khoảng sân sinh hoạt, chừa lại hơn 1.000m2 xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.

Có đất, nhưng vì đất núi mới san ủi khô cằn xen lẫn sỏi đá, lại thiếu nguồn nước tưới... nên anh xin dùng tạm nguồn nước của đơn vị thi công khu nhà Ban quản lý dự án làng, rồi vợ chồng anh bắt tay vào việc cải tạo đất trồng rau quả, tự tay xây chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm.

Nhiều người khen vườn nhà anh Vương được thiết kế khá khoa học. Giữa khu vườn có hòn đá mồ côi, anh chọn làm hòn non bộ, xây hồ, bơm nước, thả bèo nuôi cá trê. Còn phía sau cuối vườn, anh chọn làm chỗ xây dãy chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm tách biệt. Anh Vương cho biết, trong chuồng hiện giờ có khoảng 120 con gà, mỗi con nặng cỡ 1,8kg. Kế bên cạnh là chuồng heo ki, cửa chuồng lúc nào cũng mở, khi thì chúng nằm chuồng, khi thì chúng kéo nhau trong khoảng sân vài chục mét vuông được rào kín xung quanh bởi lưới B40. Vương bảo, lúc đầu anh thả 12 con giống, hôm tết, vợ chồng anh bán 4 con với tổng trọng lượng khoảng gần tạ hơi.

Trong vườn, ngoài bưởi, chuối do Ban quản lý làng cấp giống, anh còn trồng thử khá nhiều cây ăn quả như chery Mỹ, ổi lê Đài Loan,… Vừa qua, anh Vương đã bỏ ra gần hai triệu đồng để đầu tư hệ thống máy bơm tăng áp với đầu béc phun mưa, béc tưới nhỏ giọt vừa để tiết kiệm thời gian tưới cây mỗi ngày, vừa đảm bảo độ ẩm thường xuyên cho rau quả trong vườn; nhờ vậy, cây cối phát triển tốt tươi, sau hai tháng trồng, 80 cây ổi lê Đài Loan ghép mắt nay đã ra hoa và bắt đầu kết trái lứa thứ nhì.

 

Vườn rau sạch của vợ chồng anh Vương đã thay đổi hoàn toàn quang cảnh của Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua

 

Ngồi trên thành hồ, vục tay vào thùng xác mì ném qua mép đá, chỉ đàn cá trê dày đặc chen nhau bò lên rìa hòn non bộ giữa hồ để ăn xác mì, anh Vương bảo, đầu năm ngoái anh xây hồ khoảng 20m2 rồi thả khoảng 400 cá trê đen, nuôi lớn rồi bán dần, hiện nay còn khoảng 200 con dưới hồ. Loài cá trê háu ăn và tinh lắm. Bình thường thì nó nằm im dưới bèo nhưng hễ thấy bóng người hoặc nghe tiếng ném thức ăn sát mép nước là quẫy đuôi cuồn cuộn lao tới.

Trí thức trẻ đi xây cuộc sống mới

Đỗ Minh Vương, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh bén duyên với vùng đất cực Tây tỉnh Quảng Ngãi này từ năm 2012. Lúc đó vừa tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), anh đã đăng ký tham gia Dự án 600 trí thức trẻ của tỉnh Quảng Ngãi và được cử về làm Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua. Đến nay, sau khi hết nhiệm kỳ, anh được phân công phụ trách công tác tài chính - kế toán xã. Gần 10 năm đến với Sơn Bua, anh đã đóng góp tích cực và chứng kiến  sự phát triển về mọi mặt của xã vùng cao này.

Khi dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi triển khai xây dựng, đầu năm 2019, vợ chồng anh Vương người tiên phong, mở đầu cho công cuộc khai lập làng mới trong điều kiện nhiều khó khăn, vất vả, anh Vương cho biết. Đến lúc các hạng mục làng đã cơ bản hoàn thành theo mục tiêu dự án, đường sá hoàn chỉnh, nhà cửa ổn định, điện, internet được Ban quản lý làng hỗ trợ, cuối năm 2020, đã có 30 hộ thanh niên vào lập nghiệp. Trong đó, có trên chục hộ xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

 

Nhờ những bàn tay thanh niên tích cực canh tác, Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua giờ đã được khoác chiếc áo màu xanh tươi

 

Gắn bó với cuộc sống vùng cao, xem đây là quê hương thứ hai để lập nghiệp, năm 2013, anh Vương xây dựng gia đình và có con với chị Đinh Thị Mực. Kinh tế gia đình lúc này còn khá khó khăn, chưa có nhà cửa nên vợ chồng anh phải ở nhờ nhà bà con phía vợ, chị Mực thì còn đang theo học sư phạm tại trường Đại học Phạm Văn Đồng, vợ chồng sống nhờ vào thu nhập của mình anh, khi sinh được đứa con đầu lòng, anh chị đành gửi về dưới quê cho ông bà nội nuôi.
Năm ngoái, chị Đinh Thị Mực cũng có cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ khách hàng là một số hộ thanh niên trong làng và công nhân thi công công trình Ban quản lý làng… đến tháng 12/2020, vừa lúc đơn vị thi công dự án xong việc, rút quân cũng là lúc cô giáo Mực lại được nhận hợp đồng đi dạy trở lại. Chị bảo, nghỉ dạy lâu rồi nên cũng thấy buồn. Ngoài giờ dạy ở trường, về nhà chị vội ra vườn chăm sóc mấy luống rau muống, xà lách, hàng chục gốc dưa leo. Vườn nhà chị nay là “vựa” cung cấp rau xanh trong vùng. Hằng ngày, chị Mực cắt rau, hái dưa, hái bí, ship cho chị em thân quen, “siêng nhặt chặt bị”, ngày thu kiếm ít tiền cải thiện thu nhập, cô giáo bộc bạch kể.

Không chỉ chịu khó mày mò, học hỏi, làm kinh tế cho riêng gia đình mình, với vai trò là thành viên “chủ chốt” của Làng thanh niên lập nghiệp, anh Vương, chị Mực còn sẵn lòng giúp đỡ các gia đình khác trong làng. Anh chị tích cực truyền đạt, phổ biến kỹ thuật cải tạo đất, trồng, chăm sóc cây ăn quả cho nhiều hộ khác trong làng. Nhiều gia đình thanh niên làm theo. Nhờ vậy, diện mạo làng thanh niên giờ đã đổi thay, dường như được khoác lên một màu xanh tươi mới hoàn toàn, nhà cửa rào giậu tươm tất, đường làng khang trang, sạch sẽ, thoáng mát hơn.

Nhờ thay đổi tư duy tập quán, tham gia canh tác sản xuất, kết hợp chăn nuôi nhiều cặp vợ chồng trẻ đã tạo lập được cuộc sống mới khá tự chủ, tự cung, tự cấp với rau quả, heo, gà có đủ; vì vậy, dạo này hiếm gặp bóng dáng của người bán thực phẩm dạo vào làng như trước đây nữa.

Ngước nhìn bầu trời đang nắng hừng hực bỗng cuồn cuộn mây đen, anh Vương bảo, mấy hôm nay, xế chiều nào cũng có mưa, những con mưa rào đầu mùa hạ làm giảm nhiệt cái nóng bức mùa hè. Sau những ngày chờ đợi thì những cơn mưa đầu mùa cũng đến giúp cây trồng tươi tốt hơn, mắt anh sáng lên vui mừng khi nhìn những mầm cây trong vườn nhú lên, lá xanh mơn mởn./.

 

Dương Thành Tuyên