Hiệu quả chương trình vay vốn giải quyết việc làm

08:41 29/09/2020     8002

3 Chương trình   Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động trong cả nước.

Hướng dẫn khách hàng vay vốn tín dụng CSXH tại điểm giao dịch xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)

 

Thực hiện Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013, ngày 9 tháng 7 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động trong cả nước.

Tại Hưng Yên, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Để góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, các cấp, ngành của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng.

Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường..., hàng trăm tỷ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

 

Từ nguồn vốn vay, chị Lò Thị Danh ở bản Phiêng Luông 1, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn đầu từ phát triển mô hình chăn nuôi dê đem lại thu nhập cao
 

Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất trong các chương trình tín dụng của Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững”.

Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong năm 2019, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giúp cho 1.755 dự án được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, qua đó có 2,4 nghìn lao động được tạo việc làm ổn định. Hầu hết các dự án vay vốn được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp.

Trong tổng số các dự án cho vay, dự án thuộc kinh tế hộ gia đình chiếm đa số, tập trung ở vùng nông thôn, chủ yếu thu hút lực lượng lao động nông nghiệp nhàn rỗi. Đến hết năm 2019, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt trên 126 tỷ đồng, tăng 31,3 tỷ đồng so với ngày 31.12.2018. Toàn tỉnh có 3.496 khách hàng còn dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Hiện nay, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm thực hiện theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 8 tháng 11 năm 2019 với nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động như: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Người dân nhận vốn vay ngay tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Minh Long (Quảng Ngãi)
 

Để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm, xem xét cấp thêm nguồn vốn cho chương trình cho vay giải quyết việc làm, làm cơ sở để các địa phương thực hiện giải ngân theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, từ đó giúp các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm trong việc duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh; Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn; Ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn.

Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cũng cần đổi mới hoạt động, các hội, đoàn thể lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Tại Lai Châu, đã có hàng nghìn hộ vay vốn từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh và sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình; góp phần giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến 108 Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn.

NHCSXH tỉnh Lai Châu chỉ đạo NHCSXH các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Hiện, nguồn vốn vay giải quyết việc làm chủ yếu từ Trung ương và theo chỉ định của UBND tỉnh, các huyện. Đến hết cuối tháng 5/2020 dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt gần 173 tỷ đồng với 3.865 khách hàng vay. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở SXKD vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn như: dệt, may, thổ cẩm; chế biến miến dong, bún, bánh đa… tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên.

Pa Tần là xã biên giới duy nhất của huyện Sìn Hồ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến nay, NHCSXH huyện đã hỗ trợ 21 hộ vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ gần 1,2 tỷ đồng. Qua vốn vay, các hộ được vay đã đầu tư vào mua cây, con giống chăn nuôi, trồng trọt và mua máy móc sản xuất mở rộng SXKD…

Nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong SXKD, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như năm 2018, gia đình chị Vũ Thị Ngọc ở bản An Tần vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm đầu tư mua 15 con lợn giống, hơn 200 con gà, vịt và sửa sang, xây dựng mới chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi. Từ nguồn vốn đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay tổng thu nhập của gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Hà cho biết: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Để đáp ứng nguồn vốn vay cho người dân, thời gian tới NHCSXH mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện và hàng năm chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang NHCSXH để thực hiện cho vay đạt hiệu quả.

Tại Quảng Ngãi, Thông qua Quỹ Quốc gia về GQVL, Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Nguồn vốn vay này là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và tạo việc làm mới. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL trong tỉnh đã hơn 315 tỷ đồng, với 8.916 khách hàng còn dư nợ.

Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về GQVL thông qua nhiều hình thức, để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Đến nay, nguồn vốn của chương trình mang lại hiệu quả rất tích cực, chất lượng tín dụng an toàn, vì tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp.

Gia đình ông Hồ Văn Quang, dân tộc Cor, trước đây là hộ nghèo ở xã Trà Sơn (Trà Bồng). Từ khi ông quyết định vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL của Ngân hàng CSXH để cải tạo đồi hoang thành vườn cây ăn quả, với bưởi da xanh, bơ, dứa và rừng keo, cuộc sống gia đình ông dần no đủ. Hiện mô hình kinh tế của gia đình ông Quang được huyện Trà Bồng chọn làm điểm giới thiệu cho các hộ dân trên địa bàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về sử dụng vốn vay chính sách và áp dụng kỹ thuật trồng trọt đạt năng suất cao.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết: Nghị định 74 có một số điểm mới đáng chú ý là, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng. Về đối tượng vay vốn chương trình cho vay GQVL không thay đổi so với trước.

Ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh đã phân bổ 20 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn cho vay GQVL của tỉnh. Đồng thời, Ngân hàng CSXH tỉnh đã huy động 33 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Khi được giao vốn, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực giải ngân. Việc bổ sung thêm vốn, tăng hạn mức, thời hạn cho vay vừa làm tăng cơ hội tiếp cận, vừa giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân các địa phương.

Bảo Anh