Dư nợ ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 206.670 tỷ đồng
11:01 24/12/2019 1593
3 Chương trình Web.ĐTN: Hiện dư nợ cho vay theo phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị- xã hội đạt 206.670 tỷ đồng (chiếm 99,6% tổng dư nợ), với 177.460 Tổ TK&VV. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Đoàn Thanh niên chiếm 13,59%, Hội Nông dân chiếm 31%, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,93%, Hội Cựu chiến binh là 16,47%.
Hỗ trợ vốn giúp hơn 6,5 triệu hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Dương Quyết Thắng tại Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2019 giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức Hội, đoàn thể diễn ra vào chiều nay (23/12), tại Hà Nội.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các tổ chức Hội, đoàn thể tham gia nhận ủy thác với Ngân hàng gồm: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN), Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị chuyên môn nghiệp vụ thuộc Hội sở chính Ngân hàng CSXH.
Theo báo cáo kết quả thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến hết tháng 12/2019, toàn hệ thống ngân hàng CSXH có tổng dư nợ cho vay đạt 207.500 tỷ đồng (tăng 19.708 tỷ đồng, tương đương 10,5% so với cuối năm 2018). Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 180.000 tỷ đồng (tăng 14.858 tỷ đồng, khoảng 9% so với năm 2018), hoàn thành 100% kế hoạch với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Cụ thể, dư nợ hiện tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng cho vay gồm: Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn đạt 35.837 tỷ đồng; hộ nghèo 34.888 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 34.236 tỷ đồng; hộ cận nghèo 31.702 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 23.968 tỷ đồng; giải quyết việc làm 21.632 tỷ đồng; học sinh sinh viên 11.446 tỷ đồng...
Quang cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, trong năm, các tổ chức chính trị- xã hội đã thường xuyên quan tâm và tích cực phối hợp với ngân hàng để triển khai tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các Tổ TK&VV và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đến hết tháng 11/2019, có trên 99,9% số Tổ TK&VV đang có số dư tiền gửi tiết kiệm của hơn 6 triệu tổ viên tham gia, số dư đạt 10.258 tỷ đồng (tăng 1.297 tỷ đồng so với đầu năm 2019).
Thông qua dịch vụ ủy thác được triển khai tại cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện củng cố tổ chức, thu hút thêm hội viên. Đồng thời, hoạt động tham gia giám sát đảm bảo nguồn vốn chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội trong cả nước.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn Nguyễn Quốc Văn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn Nguyễn Quốc Văn khẳng định trong thời gian qua hoạt động phối hợp ủy thác cho vay của Ngân hàng CSXH với tổ chức Đoàn thanh niên đạt được nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đó chính là nền tảng tốt cho những năm phối hợp tiếp theo. Trong năm 2019, việc hoạt động ủy thác cho vay vốn của Ngân hàng CSXH đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đều đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra, việc xử lý nợ tồn động có nhiều chuyển biến tốt; công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ được chú trọng, triển khai thường xuyên và liên tục; công tác kiểm tra giám sát được tiến hành sâu sát, nghiêm túc trên tất cả các tỉnh thành từ Hà Giang đến tận Cà Mau…
Ông Nguyễn Quốc Văn cho biết: Trong năm 2020, tổ chức Đoàn thanh niên sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; cụ thể sẽ phối hợp với các tỉnh ủy, ủy ban tỉnh các địa phương để huy động thêm các nguồn vốn, triển khai tốt các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hộị. Bên canh đó, triển khai tích cực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn tại các hộ gia đình, kịp thời có những phương án hỗ trợ các hộ dân khi gặp khó khăn, đồng thời tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay giúp ĐVTN vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội…Xác định triển khai tích cực, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình để từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay; Tăng cường công tác phối hợp với ngân hàng CSXH, các tổ chức xã hội, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ VV&TK, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Cũng tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân- T.Ư Hội NDVN Bùi Kim Liên cho biết: Những năm qua, công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN xác định là nhiệm vụ quan trọng và là một trong những nội dung thi đua sôi nổi của hoạt động Hội. Theo đó, các cấp Hội chủ động phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương tích cực triển khai các hoạt động của chương trình ủy thác và đạt được những hiệu quả rõ nét.
Đáng chú ý, với mức dư nợ ủy thác lớn đứng thứ 2 trong số 4 tổ chức chính trị - xã hội tham gia ủy thác và quản lý nguồn vốn, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành Hội đẩy mạnh công tác tổ chức tập huấn đối với đội ngũ cán bộ Hội thực hiện nhiệm vụ ủy thác; trong đó, chú trọng tới đội ngũ cán bộ trẻ mới nhận nhiệm vụ và Ban quản lý các Tổ TK&VV. Năm 2019, Hội NDVN phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho hơn 2.200 cán bộ Hội các cấp và các thành viên Ban quản lý Tổ TK&VV tại 23 tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá về kết quả dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2019 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Hầu hết các ý kiến tham gia thảo luận và đóng góp của cả 4 tổ chức Hội, đoàn thể đều tập trung phân tích nhiệm vụ, vai trò của mỗi bên tham gia. Đồng thời, đại diện các tổ chức Hội, đoàn thể cũng đề xuất những giải pháp nhằm giúp hoạt động ủy thác đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân - T.Ư Hội NDVN Bùi Kim Liên phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện dịch vụ ủy thác của 4 tổ chức Hội, đoàn thể trong việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thời gian vừa qua. Có được những kết quả như trên là nhờ các đơn vị đã phối hợp tốt để triển khai thực hiện các chương trình hoạt động trúng và đi vào trọng tâm.
Mô hình tín dụng ủy thác giữa 4 tổ chức chính trị - xã hội với Ngân hàng không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ về vốn vay mà quan trọng hơn nó còn mang ý nghĩa bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội ở các địa phương. Năm 2020 là năm thứ 5 liên tiếp ngân hàng CSXH cùng với các Hội, đoàn thể triển khai hoạt động ủy thác nên cần tổ chức việc sơ kết để có đánh giá cụ thể về chất lượng công việc.
“Tôi đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngân hàng cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác cũng như chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Các bên cần chủ động trong công việc, thường xuyên nắm bắt và đánh giá kịp thời những vấn đề vướng mắc để sớm có phương án cùng tháo gỡ; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; tham mưu để nâng mức cho vay... Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV để giảm thiểu tối đa việc xảy ra những vi phạm ở cơ sở”- Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.