Chàng Plinh làm giàu
14:25 05/01/2015 1761
3 Chương trình Thấy gia đình nhiều nương rẫy nhưng vẫn cứ nghèo, Plinh (làng Sơbir, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã quyết định vào trang trại làm không công cho chủ rẫy người Kinh để học... trồng tiêu.
Từ việc phải đi làm thuê, Plinh đã trở thành người Ba Na trồng tiêu giỏi nhất ở Kon Thụp. Nhiều năm nay việc tiêu chết trở thành nỗi ám ảnh đối với các chủ rẫy thì 1.000 trụ tiêu của Plinh vẫn đứng vững, sạch bệnh và cho thu nhập cao.
Bí thư Đoàn thanh niên làng Sơbir Plinh chăm sóc vườn tiêu của mình |
Từ thất bại
Vào làng Sơbir, hình ảnh ấn tượng nhất bên những ngôi nhà gỗ thấp lè tè của bà con là một ngôi nhà bằng bêtông kiên cố, tinh tươm nổi bật giữa làng.
Bao quanh ngôi nhà ấy là những hàng tiêu, những lô cà phê xanh thắm và một chiếc ôtô con bên gara của căn nhà. Chủ sở hữu khu vườn ấy là một chàng trai Ba Na - bí thư Đoàn thanh niên làng Sơbir Plinh.
Năm 2004, Plinh lập gia đình. Vợ chồng trẻ mới cưới nhau vừa phải cuốc rẫy, vừa đi làm thêm đủ thứ mới đủ ăn. “Phải nghĩ cách nào chứ cứ làm ăn kiểu cũ thì bao giờ khá nổi” - Plinh đắn đo.
Thời điểm ấy, khắp ngôi làng đã lác đác một vài khu vườn được rào cẩn thận, các hộ gia đình người Kinh đã có những vườn tiêu trĩu quả, chỉ trong một khoảnh đất nhỏ nhưng mỗi năm kiếm cả chục triệu đồng.
Plinh đi dạo hết làng, nhìn vườn của người Kinh mà buồn cho chính mình vì đất đai của người Ba Na không thiếu mà làng vẫn cứ nghèo.
Rồi Plinh về bàn với vợ, cũng xoay xở tiền mua trụ gỗ về quây vườn, mua giống về thả xuống đất để trồng tiêu. Nhưng có làm ăn mới biết không dễ chút nào. Cây tiêu chẳng dễ như cây mì, cây lúa, thả xuống đất là lên cái cây, ra cái hạt.
Mấy năm hì hục chăm bón, lứa tiêu của vợ chồng Plinh sống được, leo lên trụ được nhưng bỗng dưng... “lăn đùng” ra chết mà chẳng hiểu vì sao. Plinh thất bại. Khó lại càng khó, nghèo lại thêm nghèo cũng vì không có kinh nghiệm mà ra.
Plinh cho biết anh chỉ học đến lớp 6. Con trai Ba Na ở làng Sơbir hầu hết đều như thế cả. Núi rừng mênh mông, đất đai bạt ngàn, không học hành vẫn... có nhà có cửa, có vợ con.
“Hồi đó mình nghĩ như thế, nhưng bây giờ mới thấy tiếc giá như cố gắng học hết lớp 12 thì giờ có làm nông dân vẫn dễ tiếp thu khoa học kỹ thuật hơn” - Plinh nói.
Đến “Người Ba Na trồng tiêu giỏi nhất”
Câu chuyện lập nghiệp và trở thành người khấm khá từ khi Plinh nhận ra: không chấp nhận chỉ quanh năm trồng những cây ngắn ngày, năng suất thấp mà bắt đất phải đẻ ra những hạt tiêu, hạt cà phê có giá trị.
Muốn thế, Plinh đã chấp nhận bỏ đất cho cỏ mọc hơn một năm trời, tìm đến trang trại của người Kinh để học nghề.
Plinh nói rằng đến năm 2006, sau khi trồng tiêu bị thất bại, Plinh đã bỏ công đi dạo các khu vườn hàng tháng trời, hì hục nghiên cứu cách trồng tiêu.
Thấy Plinh ham học hỏi, một chủ vườn người Kinh ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đặt vấn đề: “Nếu cháu ham cây tiêu thì vào làm cho chú rồi chú sẽ chỉ nghề”. Plinh không ngần ngại, về nhà mang áo quần vào trang trại chấp nhận làm công.
Ròng rã gần một năm trời, Plinh không đi làm để lấy tiền công mà cốt để “học cái nghề”, học cách người Kinh bắt cây tiêu phải “đẻ trái”.
Ngày xin ra khỏi trang trại, ông chủ gọi Plinh lại rồi bảo: “Công cán chú trả cháu đàng hoàng, cách trồng tiêu cũng đã chỉ hết. Nhưng chú muốn cho cháu một bó giống tiêu do chính cháu chăm sóc cả năm nay để về gieo mầm, mong những mầm tiêu đó sẽ giúp cháu làm giàu”.
Plinh mừng rỡ, chỉ nhận bó tiêu, tiền công không lãnh coi như “chi phí học nghề”.
Plinh kể rằng sau khi “tốt nghiệp”, hai vợ chồng hì hục cải tạo đất, quây vườn, bắt đầu thả lứa tiêu giống đầu tiên. Những kinh nghiệm học được từ lúc đi làm thuê đã trở thành bài học nằm lòng để Plinh chăm sóc khu vườn của mình.
“Làm nông dân cũng phải học, đừng nghĩ rằng trồng tiêu là đơn giản, có những thứ rất đơn giản nhưng đi làm thuê rồi mình mới thấy làm sai kỹ thuật là tiêu chết ngay” - Plinh nói. Lứa tiêu đầu tiên, Plinh cải tạo mở rộng thêm vườn, trồng gần 500 trụ, thu về gần 8 tạ tiêu.
Thành công lần đầu rút kinh nghiệm lần sau, Plinh tiếp tục mua thêm đất, trồng thêm tiêu. Không riêng cây tiêu, Plinh còn đi học cách trồng cà phê rồi về áp dụng trong vườn, rồi thuê người mở đất trồng thêm cao su. Từ các khu vườn, mỗi năm hai vợ chồng Plinh nắm chắc trong tay 200 - 300 triệu đồng.
“Hai năm nay cao su rớt giá khiến vườn thất thu, tiêu chết đại trà nhưng vườn tiêu mình giờ vẫn xanh tốt. Bà con nói mình trồng tiêu giỏi nhất làng, cái đó mình nghĩ không phải đâu, ai cũng làm được nhưng muốn làm được phải nắm vững kỹ thuật, phải... đi học” - Plinh nói.
Tweet