"9x xứ Thanh" khởi nghiệp từ mô hình “Vườn rừng bản Thổ”
13:48 15/06/2021 2970
3 Chương trình ĐTN: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Thổ nghèo tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trong những năm tháng sinh viên, Nguyễn Lê Ngọc Linh (sinh năm 1990) với dáng dấp nhỏ bé, mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn luôn trăn trở ước mơ một ngày nào đó sẽ về lập nghiệp tại quê hương.
Nguyễn Lê Ngọc Linh và sản phẩm mật ong sạch của Vườn rừng bản Thổ
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, Linh luôn dành vài tiếng mỗi ngày để tìm hiểu trên mạng Internet, báo đài về sản xuất nông nghiệp, về tiềm năng, lợi thế của địa phương để một ngày nào đó về quê phát triển kinh tế rừng, sau đó hướng dẫn lại kiến thức cho bà con người Thổ để cùng phát triển sản xuất, giảm nghèo. Hiện nay Linh đã có bước đầu khá thành công với mô hình này, và hiện cho thu nhập 500 đến 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương mỗi tháng 5 triệu đồng.
Năm 2018, Linh quyết định về quê lập nghiệp, Linh đã dùng 3 héc ta đất đồi để bố mẹ cho mượn để xây dựng mô hình "Vườn rừng bản Thổ". Đây là mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên đất đồi tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thức vật, hóa chất. Với ước mơ về một nơi canh tác nông nghiệp mà không khí sạch, nước sạch, đất sạch, minh bạch hoàn toàn mọi bước, các sản phẩm tròn đầy chất và vị bởi được kết tinh đủ thời gian cùng nắng – gió – đất, những khu rừng sau khi trồng sẽ giúp đất đai bổ sung lại chất hữu cơ, tái sinh rừng và phủ xanh núi đồi, góp phần phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.
Theo Linh, điểm đặc biệt ở mô hình vườn rừng này là chỉ trồng dặm cây chứ không phá. Linh cho biết: "Như Xuân là vùng đất khô hạn, ít mưa, đất đai nếu không được che phủ tốt sẽ dễ bị thoát hơi nước dẫn đến bạc màu, không thể trồng được cây. Bởi vậy, mình không sử dụng thuốc diệt cỏ, không nhổ cỏ, xáo cỏ để tạo độ che phủ tốt cho đất".
Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh kiểm tra thùng nuôi ong trong vườn rừng
Khi mới khởi nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ít, kiến thức về trồng rừng không có nhiều nhưng Linh vẫn kiên trì thực hiện. Ngay sau khi vay mượn đủ nguồn vốn, em đã bắt đầu tìm những giống cây bản địa về trồng như keo, lát. Bước đầu, các loài cây này đều phát triển tốt.
Đến tháng 1 năm 2019, khi vườn rừng đã phát triển, Linh lại bắt đầu đưa các lại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng tại vườn rừng và kết hợp trồng các loài cây rừng quý như lim, trám, mắc khén, dổi… là những cây có tác dụng khôi phục lại các mạch nước ngầm dưới lòng đất. Đồng thời trồng thêm các loài cây như dổi rừng lấy hạt, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, ổi, mít. Ngoài ra, Linh còn trồng dưới tán rừng các loài cây hoa màu, cây bobo, cây ngô để lấy nguồn nhiên liệu làm thức ăn chăn nuôi tại chỗ và trồng các cây dược liệu như: cây thiên môn đông, gừng, nghệ, tỏi…
Tới nay, "Vườn rừng bản Thổ" đã có hơn 50 loài cây rừng bản địa như lim, lát, dẻ, trám, mắc khén, dổi…cùng các loài cây hái quả gồm cam, quýt, bưởi và các loài dược liệu, cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Linh kết hợp chăn nuôi ong, gà trong rừng. Sản phẩm từ vườn rừng như mật ong, các cây rừng và các loại cây dược liệu, trái cây, nguyên liệu liệu chế biến thức ăn chăn nuôi…được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo Linh, khi thực hiện thành công mô hình này, rừng sẽ phục hồi góp phần phòng, chống thiên tai, tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện quyết tâm lập nghiệp, tiến tới thoát nghèo, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bà Trương Thị Hiện, xã Hóa Qùy cho biết, nhờ làm việc tại đây, bà đã có thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng và biết trồng rừng, bảo vệ cây, không sử dụng phân hóa học.Dự định thời gian tới, bà sẽ học hỏi thêm về phương thức trồng rừng và trồng các loại cây hái quả, dược liệu để sau này về áp dụng trên diện tích đất đồi của gia đình.
Một góc trưng bày sản phẩm “Vườn rừng bản Thổ”
Để mở rộng sản xuất, vừa qua, Linh đã đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay nguồn vốn khởi nghiệp để mở một xưởng chế biến nông sản lớn trên địa bàn và thực hiện trồng thêm 4 héc ta vườn rừng bản Thổ tại huyện Ngọc Lặc trong thời gian tới. Việc chú trọng sản xuất các dược liệu, nông sản, đặc sản của địa phương đã góp phần nâng cao giá trị, lợi thế của vùng; từ khi đi vào hoạt động, mô hình “Vườn rừng bản Thổ” đã góp phần tạo việc làm cho người dân, nâng cao nhận thức cho người dân miền núi về việc bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường.
Được biết, tại chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức, đồng chí Nguyễn Lê Ngọc Linh đã đoạt giải đặc biệt. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tặng Bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020 cho Nguyễn Lê Ngọc Linh.
Với mong muốn tái sinh vườn rừng và phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, thuận tự nhiên, mô hình "Vườn rừng bản Thổ" sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn huyện Như Xuân và các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá để các đoàn viên, thanh niên học hỏi, tiếp tục thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Phùng Linh Tweet