Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển

21:57 10/12/2017     1409

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều ngày 10/12, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, 125 đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã tham gia diễn đàn đối thoại với lãnh đạo Bộ GD&ĐT với chủ đề "Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển".
Thay mặt lãnh đạo Bộ, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã lắng nghe những chia sẻ, đề xuất và trao đổi với các đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Diễn đàn
Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Diễn đàn


Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, giáo dục thanh thiếu niên thành những người vừa hồng vừa chuyên là vấn đề được lãnh đạo Bộ và ngành GD&ĐT rất quan tâm. Qua thực tế, nơi nào phong trào Đoàn - Hội - Đội phát triển thì ở đấy nề nếp, kỷ cương, chất lượng giáo dục của các nhà trường được giữ vững và phát triển. Các hoạt động, phong trào của Đoàn đã khơi dậy tinh thần thi đua học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT trong học sinh sinh viên và giáo dục thế hệ trẻ sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng.

Phát huy sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên

Khẳng định sáng tạo là thế mạnh của tuổi trẻ, đặc biệt là trong sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ, đại biểu Phùng Thị Phương Thảo, Bí thư Đoàn trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa được quan tâm đúng mực, chế độ, kinh phí khi thực hiện đề tài rất thấp, không đủ để làm động lực nghiên cứu cho sinh viên.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Thảo đề nghị Bộ GD&ĐT cần có giải pháp tăng kinh phí hỗ trợ các đề tài nghiên cứu của sinh viên với mức hỗ trợ dựa trên đánh giá từ hội đồng nghiệm thu đề tài và có cơ chế khuyến khích tất cả các sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Bộ cần thành lập quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ và tổ chức các hội thi hàng năm về khoa học công nghệ nhằm phát huy, tìm kiếm, đánh giá các đề tài có khả năng ứng dụng để đầu tư phát triển sản phẩm.
Đại biểu Trần Thị Ninh - Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn, Quận Hải An, Hải Phòng chia sẻ về vấn đề khuyến khích sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong học sinh
Đại biểu Trần Thị Ninh - Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn, Quận Hải An, Hải Phòng chia sẻ về vấn đề khuyến khích sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong học sinh THPT


Là người say mê với các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, chị Trần Thị Ninh - Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn, Quận Hải An, Hải Phòng cho rằng, thời gian qua, Bộ GD&ĐT và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình, phong trào, sân chơi để phát huy sáng tạo của học sinh, tuy nhiên, phần lớn các công trình sáng tạo của học sinh mới chỉ tập trung ở các trường chuyên tại các thành phố lớn.

Để phát huy hơn nữa tính sáng tạo của học sinh phổ thông, theo chị Ninh, Bộ GD&ĐT cần có quy trình đa cấp học và giáo viên chuyên trách nghiên cứu khoa học; tăng cường tập huấn, đào tạo về kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học ở bậc THPT; đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học trong nhà trường; nâng cao chế độ ưu đãi để thu hút giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học; đổi mới phương pháp giảng dạy tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo của học sinh...

"Phải hình thành đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh ngay từ nhỏ. Các thầy, cô giáo ở cấp cơ sở có trách nhiệm khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo của mỗi học sinh, phải "lôi" học sinh ra khỏi vỏ bọc của mình để khám phá và phát huy bản thân", chị Ninh chia sẻ.

Tăng cường hoạt động giáo dục trải nghiệm

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu tỉnh Phú Thọ chia sẻ, công tác Đoàn ở các nhà trường có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo nhà trường. Hiện nay, việc đưa hoạt động giáo dục trải nghiệm nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên chưa được các nhà trường và giáo viên coi trọng với lý do thiếu thời gian và đây là hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, từ thực tế tại Trường dự bị dân tộc Trung ương nơi đại biểu Tuấn Anh đang công tác, việc đưa hoạt động trải nghiệm vào chương trình học chính khóa (2 tuần/kỳ) đã tạo sự sáng tạo, hứng thú cho cả giáo viên và học sinh.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu tỉnh Phú Thọ mong muốn đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm trong nhà trường
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu tỉnh Phú Thọ mong muốn đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm trong nhà trường


Đại biểu Tuấn Anh đề nghị Bộ GD&ĐT cần đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá để hoạt động giáo dục trải nghiệm trở thành một phương pháp hiệu quả trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền đến từ tỉnh Hải Dương, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường cũng giống như hoạt động phong trào của Đoàn đem lại sự thích thú và thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo sự tự tin, sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động này chưa nhận được sự quan tâm lớn của các nhà trường. Đại biểu Huyền đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tổ chức diễn đàn để phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong giáo dục học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm.

Đại biểu Vương Toàn Thu Thủy, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hải Phòng chia sẻ về cách làm hay trong triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm tại cơ sở. Đối với các hành trình về nguồn, thăm địa chỉ đỏ, nhiệm vụ tuyên truyền viên, hướng dẫn viên được giao cho chính đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia chuyến đi, đặt các em vào vị trí trung tâm để trải nghiệm. Sau chuyến đi, mỗi thành viên tham gia viết bài thu hoạch, kết quả của bài thu hoạch được tính trong điểm đánh giá rèn luyện cuối năm của đoàn viên thanh niên.

Bên cạnh đó, tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã nêu ý kiến và đưa ra những đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về nhiều vấn đề như: khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên; cơ chế, chính sách đối với cán bộ Đoàn trường học; đổi mới phương pháp dạy và học; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; tuyên truyền, giáo dục về tác hại của mạng xã hội...