Tuổi trẻ lực lượng An ninh với những đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia

20:08 25/08/2017     2023

Hoạt động Hội, Đội   Tuổi trẻ của Tổng cục An ninh với những chiến công vang dội, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo ANQG và công tác xây dựng lực lượng An ninh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...
Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới đất nước và hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng An ninh nhân dân anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo bộ Công an, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục An ninh (TCAN) và cấp ủy, chỉ huy các cấp, thế hệ trẻ của Tổng cục An ninh đã không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, lập nên những chiến công vang dội, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Những đóng góp này có thể nhìn nhận từ góc độ kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo ANQG và công tác xây dựng lực lượng An ninh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thật khó để định lượng công sức, trí tuệ, sự mưu trí, dũng cảm của các thế hệ cán bộ trẻ của lực lượng An ninh. Nhìn lại quá khứ, khi làm nên mốc son lịch sử, khám phá thành công vụ án số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), đập tan âm mưu đảo chính phản cách mạng của Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp thì gần như toàn bộ lực lượng trinh sát chính trị, từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, trinh sát đều ở lứa tuổi trên, dưới 20; trong đó đồng chí Trần Tấn Nghĩa, Đội trưởng Đội Trinh sát đặc biệt, Sở Công an Bắc Bộ, người trực tiếp đột nhập trụ sở Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu (để bắt Phan Kích Nam, TW Ủy viên Quốc dân đảng, Tư lệnh đệ nhất chiến khu) mới 21 tuổi.
Các hoạt động của Đoàn thanh niên Tổng cục An ninh hướng về Đại hội.
Các hoạt động của Đoàn thanh niên Tổng cục An ninh hướng về Đại hội.

Phát huy truyền thống của thế hệ “mở đường”, tuổi trẻ lực lượng An ninh tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào các chiến công lẫy lừng của CAND Việt Nam mà điển hình là các vụ án: C30 (chuyên án đấu tranh với tổ chức gián điệp cài lại miền Bắc do tình báo Mỹ điều khiển, diễn ra từ 1957 - 1958); BK63 (Chuyên án đầu tiên đấu tranh với gián điệp biệt kích do tình báo Mỹ chỉ huy, xâm nhập miền Bắc bằng đường biển, diễn ra từ 1961 - 1969); PY27 (Chuyên án đầu tiên đấu tranh với gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc bằng đường không, diễn ra từ 1961 - 1966); V380 (đấu tranh, trấn áp tổ chức phản động danh xưng “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam” do Trần Thanh Đình cầm đầu, diễn ra từ 1981 - 1987) và Kế hoạch CM12 (chiến dịch phản gián, đấu tranh với tổ chức phản động do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu, diễn ra từ 1981 - 1987)...

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là sau khi Liên Xô (cũ) và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu tan rã (đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX); các thế lực thù địch coi Việt Nam là thành trì của XHCN và ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, tập trung mũi nhọn tấn công cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực, bằng mọi công cụ, thủ đoạn.

Để đối phó với âm mưu, hoạt động thâm độc này; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ nhân dân, cùng với toàn lực lượng CAND, lực lượng ANND đã đổi mới toàn diện; tiến hành điều chỉnh lại tổ chức, bộ máy; bố trí lại lực lượng, đồng thời đổi mới các biện pháp nghiệp vụ; củng cố, phát triển phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ” (nay mang tên phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”). Lực lượng An ninh đã lần lượt vô hiệu hóa các chiến dịch phá hoại tư tưởng mang tên “Chuyển lửa về quê nhà”, “Góp gió thành bão”, “Chuyển ngọn nến dân chủ về quê hương”; các chiến dịch gây rối, gây bạo loạn mang tên “Chiến dịch Đông Xuân”, “Chiến dịch Hoa Lan”, “Chiến dịch Hoa Phượng” của các thế lực thù địch.

Với sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ của Quân đội nhân dân, lực lượng An ninh đã tổ chức đấu tranh thắng lợi hàng chục chuyên án lớn như LH90 (năm 1993, đập tan chiến dịch khủng bố mang tên “Chiến dịch Đông Xuân” của tổ chức phản động người Việt lưu vong do Hoàng Việt Cương cầm đầu), HC96 (năm 1996, vô hiệu hóa các chiến dịch khủng bố của tổ chức phản động người Việt lưu vong danh xưng “Chính phủ Việt Nam tự do” do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu).

Trong nước, lực lượng An ninh đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức lực lượng, tham gia giải quyết các vấn đề, các “điểm nóng” về an ninh trật tự tại các địa bàn chiến lược, các âm mưu lợi dụng cái gọi là vấn đề “dân tộc, tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” như các vụ biểu tình, bạo loạn tháng 2-2001, tháng 4-2004 tại Tây Nguyên: vụ tụ tập tháng 3-2011 tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên...

Trong tất cả những chiến công này, tuổi trẻ lực lượng An ninh đều ghi dấu ấn rõ nét. Chỉ tính riêng TCAN, về mặt số lượng, năm 1986, tuổi trẻ Tổng cục (từ 35 tuổi trở xuống) chiếm 67,4% tổng quân số, tỷ lệ này năm 1995 là 24,3%, năm 2005 là 46,57% và năm 2017 là 53,26%. Về bố trí lực lượng, tuổi trẻ TCAN có mặt ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực công tác.

Với đặc điểm của một đơn vị trực tiếp đấu tranh với các loại đối tượng, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo An ninh quốc gia; tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ làm công tác trinh sát, kỹ thuật nghiệp vụ, ngoại tuyến, an ninh điều tra, hồ sơ an ninh thường xuyên chiếm tỷ lệ trên 80% đến trên 90%. Cụ thể, tỷ lệ này năm 1986 là 87,7%, năm 1991 là 92,8% và hiện nay là 91,1%. Trong số đó, có những tổ, đội công tác 100% là CBCS trẻ. Đặc biệt, hiện nay, ở một số vị trí công tác đòi hỏi người cán bộ phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, có hệ thống về ngoại ngữ, về công nghệ thông tin thì cán bộ trẻ của TCAN đã và đang khẳng định được mình.

Trong công tác xây dựng lực lượng, qua những hoạt động cụ thể,  tuổi trẻ lực lượng An ninh đã góp phần xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Những đóng góp này thể hiện qua việc tuổi trẻ lực lượng An ninh qua các thời kỳ luôn phấn đấu, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần xung kích, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã tích cực tham gia các đợt sinh hoạt chính trị; học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của ngành, do cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy, cấp bộ đoàn các cấp tổ chức. Chủ động đăng ký tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị dài hạn, ngắn hạn. Quan tâm tìm hiểu, học tập truyền thống cách mạng, tinh thần hi sinh, chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để giành thắng lợi của các thế hệ đi trước.

Tuổi trẻ lực lượng An ninh cũng luôn là lực lượng nòng cốt, tích cực hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là phong trào “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” (nay là phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác hồ dạy”), phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” hằng năm được cụ thể hóa vào phong trào thi đua do Đoàn Thanh niên phát động như: “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên Công an học tập, thực hiện 6 điều Bác hồ dạy” và hiện nay là phong trào “Tuổi trẻ CAND xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì An ninh Tổ quốc”.

Cùng với những phong trào này, tuổi trẻ lực lượng An ninh còn tổ chức triển khai nhiều phong trào thi đua đậm chất thanh niên, nổi lên là phong trào “Sáng tạo trẻ”, “Thi đua đăng ký đảm nhận, thực hiện công trình, phần việc thanh niên” và “Tổ, đội thanh niên xung kích đảm nhận thực hiện các khâu yếu, việc khó, nhiệm vụ đột xuất của cơ quan, đơn vị”.

Chỉ tính riêng ở TCAN, từ năm 2002 đến nay, đã có hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học, hàng chục đoàn viên thanh niên làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ; tuyệt đại đa số các đề tài đều bám sát thực tiễn công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng lợi dụng chính sách “mở cửa”, hội nhập sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc, tôn giáo” hoạt động xâm phạm ANQG Việt Nam.

Về công trình, phần việc thanh niên, từ năm 2002 đến nay, đảm nhận gần 400 công trình, phần việc thanh niên. Đặc biệt, những công trình, phần việc này đã góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh với các loại đối tượng trong tình hình mới và qua thực tế, có công trình, phần việc thanh niên đã được phát triển thành đề tài khoa học.

Song song với các hoạt động nêu trên, từ năm 2001 đến nay, có một mô hình hoạt động thực tiễn thường được tuổi trẻ lực lượng An ninh hưởng ứng nhiệt tình, ngày càng phát triển với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đó là hoạt động dân vận, chung sức cùng cộng đồng. Mô hình hoạt động này trực tiếp góp phần củng cố, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo ANQG trên nhiều địa bàn, lĩnh vực do lực lượng An ninh phụ trách.

Các hoạt động dân vận, xã hội tình nghĩa của tuổi trẻ lực lượng An ninh trải dài trên mọi miền của Tổ quốc, trong đó tập trung vào các địa bàn chiến lược (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), vào các thời điểm diễn ra các “điểm nóng” về an ninh trật tự và luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị (như tại Tây nguyên năm 2001, 2004; Sơn La năm 2006; Trà Vinh năm 2007...).

Với những hoạt động, thành tích, chiến công nổi bật nêu trên, nhiều đại biểu tiêu biểu của tuổi trẻ lực lượng An ninh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương, khen thưởng. Về phía tổ chức đoàn, tính riêng TCAN, từ năm 1986 đến nay, Đoàn thanh niên Tổng cục đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì (2007), Ba (2001).

Từ năm 1997 đến nay, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã 15 lần tặng Bằng khen cho Đoàn thanh niên Tổng cục và các cơ sở Đoàn trực thuộc, có 1 đơn vị 3 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua khối lực lượng vũ trang; 5 đoàn viên thanh niên được tặng Huy chương “Tuổi trẻ dũng cảm”, 27 đoàn viên thanh niên được tặng Huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo”, 4 đoàn viên thanh niên được công nhận và tham gia “Liên hoan tài năng trẻ toàn quốc” (các năm 1993, 1994, 2012, 2015); 1 đoàn viên thanh niên được tặng thưởng “Quả cầu vàng”...
Đại tá Ngô Đức Lý, Phó Cục trưởng Cục Chính trị An ninh, Tổng cục An ninh